(Banker.vn) Có lẽ tôi đã sai khi nhận định tôi và chị không có duyên. “Duyên” đâu nhất thiết phải làm chung chỗ, đâu nhất thiết phải “thương mến” nhau ngay từ đầu? Để có được dòng chữ “bé hơn ba”- ký tự của trái tim ấy - là cả một hành trình của sự chia sẻ và cảm thông.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Nguyễn Văn Thuận công tác tại Bưu điện huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam.

Tôi nghỉ việc để chuyển về một nơi công tác mới cũng là lúc chị vào ngân hàng. Dường như tôi và chị không có duyên ngay từ lúc đầu - “kẻ ở người đi”. Lúc đó tôi cũng chẳng chú ý gì nhiều về chị. Chỉ nghe giới thiệu rằng chị sẽ là phó phòng mới của tôi.

Thời gian cứ bình lặng trôi qua, tôi cố gắng hoàn thành những việc còn lại để bàn giao cho người kế cận.

Ngày ấy, vị trí làm việc của tôi gần ngay bên cạnh chị, nhưng tính vốn ít nói và phải tranh thủ hoàn thành nốt phần việc còn lại nên tôi cũng chẳng có thời gian trò chuyện nhiều với chị. Thi thoảng chị em hỏi thăm nhau vài câu khi gặp trên hành lang xuống nhà để xe hay những lần báo cáo tiến độ công việc.

Khoảng cách của tôi và chị càng xa hơn khi bất ngờ có một sự việc trên trời rơi xuống, mà người bị ảnh hưởng chính là tôi.

Cho đến tận bây giờ, tôi chẳng biết sự việc đó bắt đầu từ đâu và ai là người gây ra, nhưng vì nó mà tôi và chị đã có những nghi ngờ. Tôi giận chị, rất giận.

Ngày tôi chính thức nghỉ việc ở ngân hàng để công tác tại đơn vị mới, tôi mời chị café ở một quán cóc ven đường. Hôm đó, mưa lất phất rơi trắng con đường khiến khu phố trở nên tĩnh mịch, bản nhạc Trịnh du dương, ngân nga phát lên từ hàng quán khiến con người ta muốn được trải lòng.

Đúng giờ hẹn, chị đến. Lần đầu tiên tôi nhìn chị thật chăm chú. Chị không giống những người sếp trước của tôi. Quần tây áo sơ mi đóng thùng, luôn theo đó là đôi giày cao gót, Chị toát lên sự mạnh mẽ, không thùy mị như những gì tôi tưởng tượng trước đây.

Và rồi, hai ly đen đá không đường cho khởi đầu một câu chuyện. Không như dự kiến ban đầu của tôi khi ở nhà, tôi sẽ nói như vầy… như vầy... sẽ hỏi rõ ra những nghi ngờ bấy lâu. Ấy vậy mà, khi đó, tôi lại chăm chú nghe chị kể chuyện đời, chuyện người và cả cuộc đời chị.

Tôi nhớ mãi câu nói “Đi hơn nửa đời người, chị vẫn có lúc nghĩ sai làm sai. Cuộc sống cần sự thông cảm và sẻ chia. Nếu đặt mình vào vị trí của người khác để thấu hiểu thì sẽ tốt đẹp biết nhường nào”. 

Sẽ chẳng bao giờ tôi quên được ánh mắt của chị nhìn tôi lúc đó, nó trìu mến khiến bao định kiến, bao nghi ngờ ngày trước chợt tan biến.Và rồi trong danh bạ điện thoại của tôi, từ một số điện thoại không lưu tên được thay thế bằng “Chị phó phòng bé hơn ba”.

Thấm thoát hơn hai năm tôi chuyển công tác, chị vẫn là một cô gái làm ngân hàng nhưng ở một cương vị mới. Còn tôi là đối tác của chị.

Ngày chị nhận chức tại Phòng Giao dịch Thăng Bình, tôi nhắn tin chúc mừng chị như chính người thân của tôi vậy. Nhiều lúc tôi tự hỏi bản thân, nếu không có cuộc gặp gỡ ở quán cà phê ấy, nếu không có cuộc trò chuyện đó thì những sự nghi ngờ có lẽ cứ dày vò tôi mãi và số điện thoại kia vẫn mãi mãi không có tên.

Tôi thường vào trang facebook của chị để xem, như một thói quen khi lướt news feed. Tôi nhận ra chị và tôi cùng có một điểm chung - làm thiện nguyện. Không kể nơi xa xôi hiểm trở, dù thời tiết có khắc nghiệt bao nhiêu, trên mỗi hành trình thiện nguyện ấy, đều có dấu chân của chị.

Chị đứng ra lập nên quỹ từ thiện của Ngân hàng Bưu Điện Liên Việt – Phòng Giao dịch Thăng Bình, kêu gọi mạnh thường quân từ khắp nơi cùng chung tay. Chị còn sáng tạo hơn khi thu mua những sản phẩm nông sản tại quê nhà để bán gây quỹ, vừa an toàn cho người mua khi dùng sản phẩm sạch, vừa có đầu ra cho những người nông dân mà những người khó khăn lại được giúp đỡ. Với phương châm “cũ ta mới người”, chị kêu gọi mọi người ủng hộ quần áo cũ không còn dùng cho bà con Quảng Bình trong đợt lũ vừa qua.

Hay trước những mất mát tổn thất đau thương ở Quảng Nam trong cơn bão số 9, năm 2020 gây nên những vụ sạt lở đất kinh hoàng ở Trà Leng, chị cũng đứng ra kêu gọi mọi người ủng hộ cùng góp một phần nhỏ để san sẻ nỗiđau với bà con quê hương.. 

Tấm lòng và những hành đông của chị đã chạm được đến trái tim và nhận được nhiều sự đồng cảm, ủng hộ của bạn bè và đồng nghiệp. Những việc làm xuất phát từ trái tim thì sẽ chạm đến trái tim một cách nhanh nhất.

Có lẽ tôi đã sai khi nhận định tôi và chị không có duyên. “Duyên” đâu nhất thiết phải làm chung chỗ, đâu nhất thiết phải “thương mến” nhau ngay từ đầu? Để có được dòng chữ “bé hơn ba”- ký tự của trái tim ấy (LTS: trên facebook khi gõ ký tự dấu bé hơn và số 3 sẽ có biểu tượng trái tim) - là cả một hành trình của sự chia sẻ và cảm thông.

Chị là cô gái sáng làm bank - tối làm từ thiện, một hình mẫu đẹp để mọi người càng thêm yêu quý hơn ngành ngân hàng. Làm ngân hàng đâu phải chỉ có những con số khô khan, mà còn có cả trái tim ấm áp đầy ắp tình người, phải không chị?

NGUYỄN VĂN THUẬN

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ