Chi phí tăng mạnh 'bào mòn' lợi nhuận quý IV của Sao Mai (ASM)

(Banker.vn) Các loại chi phí tăng mạnh đã "ăn mòn" lợi nhuận quý IV/2022 của Công ty CP Tập đoàn Sao Mai (HOSE: ASM) dù doanh thu quý này tăng trưởng. Kết thúc năm 2022, công ty mới chỉ hoàn thành 59% mục tiêu lợi nhuận đề ra đầu năm.

Những thách thức nào chờ đợi doanh nghiệp thủy sản trong năm nay?

Chi phí neo cao 'ăn mòn' lợi nhuận

ASM vừa công bố kết quả kinh doanh với doanh thu thuần tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3.184 tỷ đồng. Song do giá vốn tăng nhanh hơn, lợi nhuận gộp chỉ xấp xỉ cùng kỳ năm trước, đạt 333 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,4% còn 10,4%.

Quý này, hoạt động tài chính không có nhiều biến động, đạt 56 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản chi phí đều tăng khá mạnh, cụ thể: chi phí tài chính đạt 181 tỷ đồng, tăng 88%; chi phí quản lý 83 tỷ đồng, tăng 84%; chi phí bán hàng 59 tỷ đồng, đi ngang.

Vì vậy, dù doanh thu tăng trưởng song do các loại chi phí đều neo cao nên lợi nhuận trước thuế của ASM “bố hơi” 64% so với cùng kỳ năm trước, đạt 74 tỷ đồng.

ASM, Tập đoàn Sao Mai
Năm 2022, ASM gần như cán đích mục tiêu doanh thu; song mới chỉ đạt được 59% kế hoạch lợi nhuận. Ảnh minh hoạ

Lũy kế năm 2022, các chỉ tiêu kinh doanh của ASM đều tăng trưởng tốt so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 13.749 tỷ đồng, tăng 20% so với năm trước. Cơ cấu doanh thu cho thấy sự tăng trưởng ở các mảng chủ lực như: thức ăn cá 5.521 tỷ đồng (tăng 21%, chiếm 40% tổng doanh thu) cá xuất khẩu 3.696 tỷ đồng (tăng 58%, chiếm 27%), thương mại 3.370 tỷ đồng (tăng 7%, chiếm 24%); sự chững lại của mảng điện mặt trời 609 tỷ đồng (tăng 2,5%) và sự suy giảm của mảng bất động sản 368 tỷ đồng (giảm 42%).

Lợi nhuận gộp đạt 1.930 tỷ đồng, tăng 48%. Biên lợi nhuận gộp đạt 14,03%, tăng đáng kể so với năm trước là 11,39%.

Hoạt động tài chính trong năm mang về 285 tỷ đồng doanh thu, tăng 42%. Bên cạnh đó, công ty có 32 tỷ đồng lợi nhuận khác.

Vì thế, dù các loại chi phí cũng đều tăng, gồm: chi phí tài chính tăng 21% (đạt 559 tỷ đồng), chi phí bán hàng tăng 56% (đạt 371 tỷ đồng), chi phí quản lý tăng 29% (đạt 247 tỷ đồng), song kết thúc năm 2022, ASM vẫn có lợi nhuận trước thuế 1.071 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 963 tỷ đồng, đều tăng 36% so với năm trước.

Năm 2022, ASM đặt mục tiêu thu về 14.700 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.630 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy, công ty đã gần như cán đích mục tiêu doanh thu; song mới chỉ đạt được 59% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Nợ vay cán mốc nghìn tỷ

Về tài sản, tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của ASM đạt 19.111 tỷ đồng, tăng 5% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản nổi bật ở việc tiền và tương đương tiền đạt giá trị lớn, 817 tỷ đồng, tăng 39% so với đầu năm. Trong khi đó, khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 39%, xuống còn 981 tỷ đồng.

Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho không có biến động lớn, lần lượt là 4.165 tỷ đồng (chiếm 21,8% tổng tài sản) và 3.190 tỷ đồng (chiếm 16,7% tổng tài sản).

Đáng kể khác là khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang, đã tăng 36%, đạt 1.204 tỷ đồng; trong đó lớn nhất là: khu đô thị Bình Long 401 tỷ đồng, khu dân cư Lam Sơn Sao Vàng 132 tỷ đồng, mua đất Mỹ Thới 160 tỷ đồng…

Về nguồn vốn, nợ phải trả tại ngày kết thúc năm 2022 là 11.270 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Nợ vay đạt 9.816 tỷ đồng, tăng 24% và chiếm 87% nợ phải trả. Điều này có nghĩa hơn 51% tổng tài sản của ASM được hình thành từ nợ vay.

Vốn chủ sở hữu của ASM đạt 7.804 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm. Như vậy, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,44 lần.

Đáng chú ý, dòng tiền kinh doanh năm 2022 của ASM âm 263 tỷ đồng (năm trước dương 1.087 tỷ đồng), chủ yếu do tăng các khoản phải thu (475 tỷ đồng), tăng hàng tồn kho (333 tỷ đồng), giảm các khoản phải trả (715 tỷ đồng), chi trả lãi vay (455 tỷ đồng).

Trong bối cảnh đó, ASM vẫn tăng cường mua sắm tài sản, chi cho vay, mua công nợ của đơn vị khác, dẫn đến dòng tiền đầu tư âm 559 tỷ đồng (năm trước âm 794 tỷ đồng).

Vì vậy, không có gì khó hiểu khi quy mô dòng tiền vay/trả tiếp tục tăng lên so với năm trước, đạt 13.713 tỷ đồng/11.984 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và giảm 10%.

Hồi tháng 9/2022, ASM bất ngờ thông báo hủy phương án phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ được HĐQT thông qua ngày 8/6/2022. Lý do công ty đưa ra là kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và thị trường không thuận lợi.

Trước đó, theo Nghị quyết ngày 8/6/2022, HĐQT ASM đã thông qua phương án phát hành hơn 168 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu bằng phương thức thực hiện quyền mua. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được hưởng 1 quyền mua và cứ 2 quyền mua sẽ được mua thêm 1 cổ phiếu mới).

Mức giá phát hành dự kiến là 12,000 đồng/đơn vị. Nếu phát hành thành công, doanh nghiệp sẽ thu về hơn 2.019 tỷ đồng; nâng vốn điều lệ từ hơn 3.365 tỷ đồng lên gần 5.048 tỷ đồng.

Thảo Nguyên

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán