Chi phí kinh doanh “hạ nhiệt”, Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) thoát lỗ quý 2

(Banker.vn) Nhờ chi phí kinh doanh đã giảm mạnh so với quý 2/2022, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) đã có lãi trở lại trong quý 2/2023 với hơn 43 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ ròng gần 219 tỷ đồng.

Theo dữ liệu tài chính hợp nhất quý 2/2023, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh đạt 1.225 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 1.265 tỷ đồng, giảm 17%, trong khi chi phí nhượng tái bảo hiểm tăng 11% lên hơn 437 tỷ đồng.

Chi phí kinh doanh “hạ nhiệt”, Bảo hiểm Bưu Điện (PTI) thoát lỗ quý 2
Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI)

Trong kỳ, chi phí kinh doanh bảo hiểm giảm 34% so với cùng kỳ xuống còn 1.099 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí khác giảm 47%, từ 1.189 tỷ đồng xuống còn 627 tỷ đồng.

PTI cho biết, chi phí kinh doanh bảo hiểm giảm trong kỳ này do không phát sinh chi phí hơn 257 tỷ đồng liên quan đến chương trình bảo hiểm “Vững Tâm An” như quý 2/2022. Với chi phí giảm mạnh hơn doanh thu, hoạt động kinh doanh bảo hiểm của PTI thoát lỗ trong quý 2, ghi nhận lợi nhuận gần 126 tỷ đồng.

Điểm kém sáng trong báo cáo là doanh thu tài chính kỳ này báo lỗ tới hơn 8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 4,7 tỷ đồng. Nhưng chi phí hoạt động tài chính giảm 26% còn hơn 17 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tiết giảm 23% xuống 50 tỷ đồng và không có chi phí bán hàng nên Bảo hiểm Bưu điện báo lãi sau thuế đạt 43 tỷ khi cùng kỳ lỗ gần 219 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PTI thu về lợi nhuận ròng hơn 84 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 181 tỷ đồng. Công ty thoát lỗ chủ yếu nhờ hoạt động kinh doanh bảo hiểm có lãi trở lại với hơn 140 tỷ đồng và lợi nhuận hoạt động tài chính tăng 16% lên gần 61 tỷ đồng.

Năm 2023, PTI thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 140 tỷ đồng, sau năm 2022 lỗ kỷ lục. Như vậy, Công ty thực hiện được hơn 78% mục tiêu sau nửa đầu năm 2023.

Tính đến thời điểm ngày 30/6/2023, tổng tài sản của PTI tăng nhẹ 5% so với hồi đầu năm, lên 8.831 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính vẫn chiếm phần lớn tài sản của PTI với 2.765 tỷ đồng đầu tư tài chính ngắn hạn, giảm 28% và 2.227 tỷ đồng đầu tư tài chính dài hạn, tăng gấp 7,2 lần đầu kỳ.

Nợ phải trả của PTI tăng 6% lên 6.935 tỷ đồng, gấp 3,7 lần vốn chủ sở hữu, chủ yếu là 5.103 tỷ đồng khoản dự phòng nghiệp vụ.

Ở diễn biến liên quan, mới đây tại ĐHĐCĐ tổ chức ngày 30/6, PTI đã trình đại hội về phương án tăng vốn thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Cụ thể, HĐQT đề xuất chào bán 80,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 100%) với giá 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện trong năm 2024, sau khi có sự chấp thuận của cơ quan Nhà nước.

Tuy nhiên, với tỷ lệ sở hữu 37,32% vốn điều lệ, đại diện của DB Insurance đã dễ dàng phủ quyết tờ trình tăng vốn được HĐQT đại diện bởi bà Phạm Minh Hương đề xuất, tương tự như cách cổ đông Hàn Quốc này đã làm vào một năm trước tại ĐHĐCĐ 2022 diễn ra vào ngày 28/4/2022.

Đại diện của DB Insurance là ông Park Ki Huyn cho biết, năm 2022, do chương trình Vững Tâm An, PTI chịu nhiều tổn thất và báo lỗ lớn. Chính vì vậy, theo luật chứng khoán, công ty muốn tăng vốn cũng không được.

Theo ông Park, kế hoạch kinh doanh năm nay công ty sẽ có lợi nhuận, qua đó đủ điều kiện tăng vốn, nhưng khi cân nhắc các vấn đề liên quan tới pháp luật, để đề xuất việc tăng vốn trong năm nay, có thể PTI vẫn sẽ gặp những vấn đề về pháp lý.

Về chiến lược quản trị của PTI, ông Park cho biết bản chất của 1 công ty bảo hiểm là tiếp nhận các rủi ro của người dân. Do đó để doanh nghiệp có được lợi nhuận thì cần cải thiện năng lực nhận rủi ro, lựa chọn các rủi ro ít tổn thất để phân tán lợi nhuận cho các sản phẩm nhiều rủi ro hơn.

Về việc tăng vốn điều lệ PTI, từ góc độ cổ đông thì cũng nhận thấy việc này có thể tăng khả năng tiếp nhận của công ty. Một chỉ số rất quan trọng thể hiện khả năng nhận bảo hiểm của một công ty là chỉ số biên khả năng thanh toán.

Cuối năm 2022, do tổn thất từ Vững Tâm An nên chỉ số biên khả năng thanh toán của PTI có giảm. Nhưng đầu năm 2023 công ty đã cải thiện kinh doanh, cũng như nhìn thấy kế hoạch kinh doanh có giảm so với năm ngoái, DB Insurance nhận thấy không nhất thiết phải tăng vốn mới cải thiện được khả năng thanh toán.

“Chúng tôi nghĩ việc có nên tăng vốn để tăng khả năng thanh toán nên được xem xét lại vào cuối năm 2023 khi đã có kết quả kinh doanh của năm nay”, ông Park Ki Huyn chia sẻ thêm.

Với tư cách cổ đông lớn, DB Insurance đồng cảm với cổ đông và mong công ty có lợi nhuận để chia cổ tức. Tuy nhiên, DB đồng ý với kế hoạch không chia cổ tức 2022 và cân nhắc việc không chia cổ tức 2023.

Ban điều hành cũng nói định hướng là phát triển bền vững, DB mong muốn chiến lược này được thể hiện thông qua những số liệu cụ thể về doanh thu, lợi nhuận, cổ tức, đó cũng là một trong những yếu tố để nhà đầu tư tin tưởng vào PTI.

Bảo hiểm Bưu điện (PTI): Báo lỗ lên tới 348 tỷ đồng, bị “sờ gáy” và truy thu hàng tỷ đồng tiền thuế

Ghi nhận 9 tháng lỗ ròng tới 348 tỷ đồng, Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) mới đây đã bị Cục thuế ...

Vi phạm thuế, Bảo hiểm bưu điện (PTI) bị phạt và truy thu hơn 1,3 tỷ đồng

Tổng Công ty CP Bảo hiểm bưu điện (HNX: PTI) vừa cho biết nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế

Minh Khang (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán