Chất lượng tài sản đi xuống, “cổ phiếu vua” có còn hấp dẫn?

(Banker.vn) Chất lượng tài sản của các ngân hàng niêm yết đang suy giảm mạnh khi nợ xấu tăng cao, tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm. Nhiều chuyên gia tỏ ra không còn kỳ vọng nhiều với “cổ phiếu vua”.

Tính tới thời điểm kết thúc quý 3/2023, có tới 22/27 ngân hàng niêm yết ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng vọt so với thời điểm hồi đầu năm nay.

Theo thống kê, tổng nợ xấu của các ngân hàng niêm yết này đã tăng tới 61% so với hồi đầu năm, theo đó chất lượng tài sản của ngành ngân hàng cũng suy giảm, điều này còn thể hiện qua tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm từ mức 143% cuối năm trước xuống mức 94% trong quý 3/2023. Tỷ lệ nợ xấu của khối ngân hàng niêm yết đang ở mức 2,24%, đây là mức cao nhất kể từ năm 2017.

Chất lượng tài sản đi xuống, “cổ phiếu vua” có còn hấp dẫn?
Hình minh họa.

Bên cạnh đó, việc thu hồi, xử lý nợ xấu cũng đang gặp vô vàn khó khăn do thị trường bất động sản gặp nhiều bất lợi. So với năm 2022, thu từ nợ đã xử lý rủi ro của nhiều ngân hàng giảm đến một nửa.

Cụ thể, tại TPBank, thu từ nợ đã xử lý rủi ro của ngân hàng này giảm 73% so với cùng kỳ. Tương tự, tại Techcombank và VPBank cũng lần lượt giảm 52% và 41% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nợ nhóm 2 đã có dấu hiệu giảm trong quý 3/2023, cho thấy sự hình thành nợ xấu đang chậm lại.

Theo chuyên gia phân tích VNDirect, trong bối cảnh hoạt động kinh tế còn khó khăn, chi phí dự phòng sẽ tiếp tục bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng trong những quý tới đây.

Hiện tại, chất lượng tài sản của các ngân hàng có sự phân hóa rõ rệt. Nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh có bộ đệm dự phòng cao nhất, như Vietcombank (270%),

VietinBank (172%), BIDV (158%), trong khi nhóm ngân hàng nhỏ có tỷ lệ dự phòng rủi ro dưới 100% và gặp nhiều áp lực trích lập dự phòng thời gian tới.

Các chuyên gia này cho biết thêm, trong giai đoạn hiện nay, ngân hàng nên chú trọng gia cố chất lượng tài sản, hơn là tăng trưởng lợi nhuận.Được biết, lợi nhuận từ hoạt động cho vay vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng doanh thu của các ngân hàng.

Theo phân tích của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nếu chất lượng tài sản suy giảm, chi phí dự phòng của ngân hàng sẽ gia tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Các ngân hàng có bộ đệm dự phòng lớn có thể sử dụng bộ đệm này để bảo vệ lợi nhuận trong bối cảnh nợ xấu gia tăng. Ngược lại, một số ngân hàng có bộ đệm dự phòng mỏng sẽ chịu áp lực trích lập dự phòng tăng cao, ăn mòn lợi nhuận.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tình hình kinh tế khó khăn đã tác động trực tiếp đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu nợ, giãn nợ, song nợ xấu vẫn gia tăng một cách đáng lo ngại.

Theo ông Hùng, việc xử lý nợ xấu không thể để ngành ngân hàng đơn thương độc mã, mà cần sự hỗ trợ của nhiều bộ, ngành, địa phương.

Ông Hùng hy vọng, Quốc hội sẽ sớm thông qua Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng. Việc luật hóa Nghị quyết 42/2017/NQ14 về thí điểm xử lý nợ xấu sẽ giúp các ngân hàng có thêm công cụ để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu chứng khoán, bất động sản nhiều phen dẫn dắt thị trường, trong khi nhóm cổ phiếu ngân hàng (chiếm 30% vốn hoá thị trường) lại khá ì ạch.

Triển vọng cổ phiếu ngân hàng năm tới phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phục hồi tín dụng cũng như mức độ cải thiện biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc SSI Research cho rằng, rất khó đưa ra khuyến nghị chung cho toàn ngành, vì cổ phiếu ngân hàng có sự phân hóa mạnh. Thực tế, trong quý III/2023, có nhiều ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận dương, song cũng có nhiều ngân hàng sụt giảm mạnh lợi nhuận.

Theo bà Phương, lợi nhuận ngân hàng năm 2024 có thể cải thiện hơn năm nay, dự kiến tăng trưởng 17% với giả định tín dụng hồi phục, kinh tế khởi sắc hơn và NIM được cải thiện do giá vốn đầu vào của các ngân hàng đang liên tục giảm.

Nhìn chung, các chuyên gia đều kỳ vọng, quý III/2023 là đáy của khó khăn, tín dụng sẽ phục hồi tốt hơn vào năm 2024, cùng sự phục hồi của nền kinh tế. Tuy vậy, tất cả vẫn là kỳ vọng. Kinh tế phục hồi hay không phụ thuộc rất nhiều vào sức cầu và sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Dù khó có đột phá, song cổ phiếu ngân hàng vẫn được đánh giá là nhóm ngành phù hợp để tích lũy và “tránh bão” do định giá đang ở mức thấp, triển vọng tăng trưởng ổn định.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối Dịch vụ chứng khoán khách hàng tổ chức (Công ty Chứng khoán SSI) cho rằng, về dài hạn, cổ phiếu ngân hàng vẫn có nhiều điểm sáng, như chất lượng tài sản có thể cải thiện, tín dụng có thể tăng trưởng tốt hơn, NIM cao hơn.

Về ngắn hạn, trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, chuyên gia này giữ quan điểm trung lập với “cổ phiếu vua”.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị nhà đầu tư thận trọng với các ngân hàng có dư nợ trái phiếu doanh nghiệp lớn. Thời hạn thanh toán trái phiếu đã được giãn, hoãn 1-2 năm, song hết thời gian này, rủi ro nợ xấu trái phiếu có thể xuất hiện, khiến nợ xấu và trích lập dự phòng rủi ro tăng lên, đồng nghĩa lợi nhuận giảm.

Hơn nữa, dù lãi suất huy động của các ngân hàng vừa bước vào một đợt giảm mới, song NIM chưa chắc giảm tương ứng, vì lượng vốn huy động giá cao tồn kho vẫn còn, trong khi các ngân hàng cũng đang chịu áp lực giảm lãi suất cho vay lớn.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước (17/11), cổ phiếu ngân hàng sau nhiều phiên kéo thị trường thì đã bắt đầu suy yếu và ngập trong sắc đỏ với 24/27 mã giảm giá và 3 mã còn lại đứng giá tham chiếu.

Trong đó, SHB giảm mạnh nhất (giảm 3,45%), đóng cửa còn 11.200 đồng/cp. SHB cũng bị nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh, ghi nhận số lượng bán ròng hơn 2,8 triệu đơn vị. Đây là phiên giảm điểm đầu tiên của SHB sau chuỗi tăng 3 phiên liên tục trước đó. Thanh khoản SHB đạt gần 27 triệu đơn vị, giá trị 305 tỷ đồng.

Nhiều mã ngân hàng khác cũng giảm trên dưới 3% như VPB (giảm 3,02%), TPB (giảm 2,86%), STB (giảm 2,81%), VCB (giảm 2,73%),…

VCB của Vietcombank là cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index phiên hôm nay, khiến chỉ số chung mất hơn 3,2 điểm. Ngoài ra, các cổ phiếu ngân hàng lớn như VPB của VPBank, BID của BIDV, CTG của VietinBank cũng nằm trong nhóm 10 cổ phiếu có tác động tiêu cực nhất tới VNIndex.

Chỉ có 3 mã đóng cửa ở giá tham chiếu phiên hôm nay, đều cổ phiếu nhỏ giao dịch trên UpcoM gồm BAB của BacABank, SGB của Saigonbank, VBB của VietBank.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng hàng loạt cổ phiếu ngân hàng trong phiên. Trong đó STB của Sacombank bị bán ròng gần 3 triệu đơn vị, giá trị 91 ròng 91 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại cũng bán ròng 73 tỷ đồng cổ phiếu VCB, 43 tỷ đồng cổ phiếu VPB và 34 tỷ đồng cổ phiếu SHB.

Trong khi chiều ngược lại, khối ngoại mua ròng hơn 1,2 triệu cổ phiếu OCB, giá trị gần 17 tỷ đồng. CTG của VietinBank cũng được mua ròng hơn 16 tỷ đồng.

Thanh khoản toàn ngành đạt hơn 3.300 tỷ đồng, đi ngang so với các phiên trong tuần này. Theo phương thức thỏa thuận, EIB tiếp tục có giao dịch lớn với hơn 17 triệu cổ phiếu được trao tay giữa các nhà đầu tư, giá trị 333 tỷ đồng. Trước đó, trong phiên 16/11 cũng có gần 21 triệu cổ phiếu EIB (giá trị 400 tỷ đồng) được thỏa thuận.

Phiên giao dịch ngày 16/11/2023: Những cổ phiếu cần lưu ý

Các công ty chứng khoán vừa đưa ra báo cáo phân tích đối với một số cổ phiếu cần lưu ý cho phiên giao dịch ...

Tổng Giám đốc HDBank đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu với mục đích đầu tư

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), ông Phạm Quốc Thanh, Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) kiêm Tổng ...

Thùy Linh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán