Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng tiền Việt Nam: Giở lại trang ký ức của những họa sĩ vẽ tiền

(Banker.vn) Chân dung trên tờ tiền là một trong những yếu tố quan trọng của mỹ thuật trên tiền giấy, mang tính biểu tượng của quốc gia.

Trong tiền giấy Việt Nam, chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là chân dung duy nhất được sử dụng cho tất cả các bộ tiền. 75 năm, kể từ khi tờ tiền giấy đầu tiên của Việt Nam được phát hành, chuyện về những người thiết kế các mẫu tiền và vẽ chân dung Bác trên tiền Việt Nam vẫn là chủ đề thu hút sự quan tâm của công chúng vì tính chất đặc biệt của công việc này.

Những họa sĩ vẽ tiền thời kỳ đầu

Tháng 10/1945, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bác Hồ chính thức giao nhiệm vụ cho đồng chí Phạm Văn Đồng, Ủy viên lâm thời Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ đạo toàn bộ công việc in và phát hành giấy bạc Việt Nam. Lúc này, nhu cầu chi tiêu của cách mạng rất lớn, trong khi kho của Tổng nha ngân khố cũ để lại chỉ có 2 triệu đồng Đông Dương và toàn tiền hào rách.

Tình hình rất khẩn trương, 20 họa sĩ, nhân viên Sở Địa đồ, Sở Kiến trúc cũ đã được triệu tập khẩn cấp đến Bộ Tài chính nhận nhiệm vụ đặc biệt: Vẽ mẫu giấy bạc để in tiền Việt Nam. Số họa sĩ và nhân viên địa đồ, kiến trúc được chi làm 4 nhóm: nhóm họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ mẫu giấy bạc 1đ; nhóm họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ mẫu 5đ; nhóm họa sĩ Nguyễn Văn Khanh vẽ mẫu 20đ; nhóm họa sĩ Nguyễn Huyến vẽ mẫu 100đ.

Các họa sĩ tập trung vẽ ở hành lang bên trong Tổng nha ngân khố (nay là trụ sở Sở Thương nghiệp Hà Nội, số 10 Lê Lai), ngay bên cạnh phòng làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng. Theo sự phân công, mỗi họa sĩ phác thảo một mẫu để chọn lọc, rồi trình duyệt, xong mới bắt đầu vẽ chính thức. Công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác, tất cả đều phải làm bằng tay với dụng cụ thô sơ như bút chì, tẩy, bút sắc, mực nho, thước kẻ, compa... Bức ảnh gốc Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa ra cho các họa sĩ làm mẫu vẽ thời điểm này là bức ảnh được nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An chụp tháng 8.1945 tại đình Hồng Thái - Tân Trào, nơi diễn ra Hội nghị Toàn quốc của Đảng. Từ chân dung ảnh được phiên sang hình nét không hề đơn giản với một kích thước nhỏ bé và công cụ chỉ là cây bút nhỏ xíu, cùng chiếc kính lúp. Các họa sĩ phải rất tỉ mỉ về nét, chuẩn mực về hình, làm sao thể hiện được thần thái toát ra từ chân dung của một vị Chủ tịch nước. Họa sĩ Nguyễn Huyến từng viết trong cuốn Hồi ký ngành Ngân hàng: “Đối với tôi, nguồn cảm hứng nghệ thuật chưa bao giờ lại dạt dào đến thế. Vẽ giấy bạc, chúng tôi nặng về hội họa nhiều, chỉ nghĩ vẽ sao cho đẹp, cho kỹ nét, để không thua kém giấy bạc của Pháp”.

Họa sĩ Trần Tiến và họa sĩ Nguyễn Xuân Tăng, hai người vẽ nhiều mẫu tiền nhất Việt Nam

Ông cũng cho biết công việc vẽ mẫu giấy bạc tuy có gặp khó khăn vì thiếu thốn đủ bề, nhưng vẫn được tiến hành khá nhanh chóng. Khi vẽ gần xong tờ bạc 100đ, ông bàn với kiến trúc sư Lương Văn Tuất (trong nhóm vẽ) đánh dấu bằng một chấm nhỏ ở góc phải tờ bạc và cùng màu với tờ bạc, để dễ nhận ra giấy thật, giấy giả. Cách làm có vẻ ngây thơ nhưng đó vẫn là ký hiệu “Mật” của tờ giấy bạc 100đ, đánh dấu lòng chân thành của các họa sĩ với Tổ quốc trong việc bảo vệ nền tiền tệ nước nhà thời đầu cách mạng Tháng Tám.

Với cố họa sĩ Mai Văn Hiến thì việc vẽ những họa tiết trang trí bé bằng hạt vừng, mỗi dãy thẳng đến 100 không đơn giản khi mà các họa sĩ chỉ quen vẽ những đường lượn của núi, đồi, suối, ruộng đồng. Khó nhưng lại không được phép vẽ hỏng nét nào. Thời điểm đó, ông là chàng trai 23 tuổi, nhà ở Ngã Tư Sở, xe đạp không có, đi tàu điện cũng mất 1 giờ đồng hồ nên buổi trưa ông không về nhà ăn cơm như mọi người mà ra phố làm mẩu bánh mì rồi quay lại làm việc. Nhiều hôm, rời bàn vẽ đã nửa đêm, không còn tàu điện, ông và một vài họa sĩ đã ngủ lại trên bàn làm việc. Họa sĩ Lê Phả tham gia vẽ mẫu tiền từ tháng 4.1947. Ban đầu chỉ là được trưng dụng 6 tháng nhưng rồi ông đã gắn bó với công việc này trong 12 năm. Từ 1947 đến 1951, họa sĩ Lê Phả và họa sĩ Nguyễn Sáng chỉ vẽ 5 loại giấy bạc: 20đ, 50đ, 100đ, 200đ, 500đ và sửa mấy loại mà họa sĩ Nguyễn Sáng vẽ từ trước kháng chiến như tờ 1 đồng, 5 đồng, 10 đồng để phù hợp với thời kỳ đó. Khác với phong cách bố cục tiền giấy thời kỳ trước, các tờ tiền này có “bố cục lệch” với phần chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được đặt ở cạnh phải, hoặc trái của tờ tiền. Các họa sĩ Lê Phả, Nguyễn Sáng, Huỳnh Văn Gấm, Lê Thiên, Hoàng Kiệt... đã thể hiện chân dung Bác với thần thái của một nhân sĩ yêu nước, gương mặt gầy, đôi mắt nhìn thẳng, mái tóc và chòm râu tả thực.

TS Hồ Trọng Minh - người thiết kế mặt sau tờ 500.000 đồng polymer

Năm 1951 khi Ngân hàng thành lập, ta phát hành một loại giấy bạc mới in ở Trung Quốc. Có nhiều ý kiến chê những tờ tiền này giống giấy bạc Trung Quốc, hình vẽ người mình trong tờ bạc, cũng giống người Trung Quốc, người nào cũng như mặc áo bông. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ý kiến: “Ta cũng có họa sĩ, tại sao không để họa sĩ ra vẽ ?”. Thế là trong hai năm 1956-1957, họa sĩ Lê Phả cùng họa sĩ Bùi Trang Chước và họa sĩ Nguyễn Văn Khanh nhận lệnh vẽ các loại giấy bạc: 1 đồng, 2 đồng, 5 đồng, 5 hào, 2 hào, 1 hào để thay thế các tờ tiền in tại Trung Quốc. Phác thảo các tờ tiền này được Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Phạm Văn Đồng xem và khen đẹp.

Trong 7 mệnh giá được phát hành năm 1959, chỉ có 2 mệnh giá 5đ và 10đ có chân dung Bác Hồ. Chân dung Bác trên tờ 5 đồng do họa sĩ Lê Phả vẽ với hình ảnh Bác được thể hiện trực diện, trang trọng theo phong cách phương Đông. Còn tờ 10đ, chân dung Bác do họa sĩ Huỳnh Văn Thuận thể hiện ở góc nhìn bán diện, hiện đại, mang phong cách phương Tây. Cả hai chân dung đều có cách tạo khối mềm mại, trau chuốt. Các nét khắc dài đều được chuyển từ đậm đến nhạt, từ nông tới sâu, từ chi tiết con ngươi hay sợi tóc đều được thực hiện cẩn trọng. Với hai góc nhìn khác nhau nhưng cả hai mẫu đều thể hiện được tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị Cha già của dân tộc, luôn đau đáu vì nước nhà; vừa minh triết, vừa gần gũi. Cho đến nay, hai mẫu tiền này với chân dung Bác luôn được đánh giá cao, tiêu biểu cho cách tạo hình chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tiền giấy Việt Nam. Bức ảnh gốc để các họa sĩ khắc họa chân dung Bác Hồ trên tiền giai đoạn này là các bức ảnh được chụp năm 1946 khi Người sang thăm chính thức nước Pháp; bức ảnh do nhà nhiếp ảnh Vũ Năng An chụp Bác tại Việt Bắc năm 1950 và bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường Trinh tháng 11 năm 1955.

GS Đỗ Long Vân và vợ trở lại thăm ngôi nhà xưa của gia đình tại Đồn điền Chi Nê - nơi đặt nhà máy In tiền những năm đầu kháng chiến

Ai là người vẽ nhiều mẫu tiền có chân dung Bác?

Theo thống kê chưa đầy đủ thì người tham gia thiết kế các mẫu tiền có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều nhất là họa sĩ Nguyễn Xuân Tăng (10 mẫu), nguyên Phó phòng thiết kế Ngân hàng Nhà nước. Tiếp đến là họa sĩ Lại Đăng Bạch (8 mẫu); họa sĩ Nguyễn Sáng (7 mẫu); họa sĩ Huỳnh Văn Gấm (6 mẫu); họa sĩ Phạm Văn Quế (6 mẫu); họa sĩ Trần Tiến, nguyên Trưởng phòng thiết kế Ngân hàng Nhà nước (6 mẫu); họa sĩ Lê Sơn Hải (6 mẫu); họa sĩ Lê Thiên (5 mẫu); họa sĩ Hoàng Kiệt (5 mẫu); Nguyễn Thanh (5 mẫu); Lê Phả (4 mẫu); Lê Hoàng Từ (4 mẫu); Hồ Trọng Minh (3 mẫu); Huỳnh Văn Thuận (2 mẫu); Nguyễn Văn Khanh (1 mẫu); Nguyễn Đỗ Cung (1 mẫu)…

Hơn 30 năm gắn bó với công việc thiết kế mẫu tiền, họa sĩ Trần Tiến khẳng định: “Nghề thiết kế mẫu tiền đòi hỏi tính chuyên nghiệp rất cao nhưng không có trường đào tạo nghề này. Ở mỗi quốc gia, chỉ có vài người được nhà nước giao làm công việc vẽ mẫu tiền. Họa sĩ vẽ mẫu tiền không chỉ có khả năng về mỹ thuật mà còn phải tinh thông về công nghệ sản xuất, công nghệ chế tạo bản in, đặc biệt phải có khả năng tạo các kỹ thuật bảo an có hiệu quả mang dấu ấn, phong cách của riêng mình. Trước đây, việc vẽ mẫu tiền hoàn toàn bằng tay, mỗi phác thảo vẽ trong 5-6 tháng. Nay có máy tính nên thời gian vẽ mẫu ngắn hơn và sửa chữa cũng dễ hơn”. Cũng theo họa sĩ Trần Tiến, chân dung Bác trên bộ tiền phát hành năm 1985 được thể hiện trên bức ảnh gốc do Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp. Ông kể: “Căn cứ vào ảnh gốc, khi thể hiện chân dung Bác trên mẫu tiền, họa sĩ phải loại bỏ những yếu tố không cần thiết và tăng cường yếu tố đặc trưng chân dung Bác. Vẽ chân dung Bác trên tiền polymer cũng khác với tiền cotton. Mỗi chất liệu có độ bắt mực khác nhau”.

Bộ tiền polymer phát hành năm 2003 chỉ sử dụng mẫu chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh góc nhìn thẳng. Mẫu này do họa sĩ Nguyễn Xuân Tăng thể hiện bản nét, khi chế bản họa sĩ Trần Tiến chỉnh sửa lại một số chi tiết của mẫu 200.000đ và 500.000đ. Cách tạo khối của chân dung mềm mại, nét trải dài, không có sự thay đổi đậm, nhạt mạnh. Theo họa sĩ Hồ Trọng Minh, người được giao thiết kế mặt sau tờ 500.000 đ, nhìn lại toàn bộ hệ thống tiền giấy đã phát hành tại VN thì những chân dung Bác trên tiền polymer có xu hướng đầy đặn, mềm mại nhất gần với phong cách tạo tác tượng Phật.

Đã 75 năm kể từ khi các họa sĩ được triệu tập vẽ những mẫu tiền đầu tiên, nhiều người trong số này đã mất. Những người còn lại cũng đã tuổi “xưa nay hiếm”, tóc bạc phơ, dấu ấn thời gian hằn ấn trên gương mặt. Ký ức đong đầy trong đôi mắt được phủ một lớp sương mờ nhưng tất cả đều rất kiệm lời, cho dù ký ức của họ rất đáng tự hào và vẫn luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm của công chúng.

Chu Thu Hằng

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo:
    Bài cùng chuyên mục