Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đang chậm tiến độ

(Banker.vn) Sản lượng công việc của 12 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra khoảng 2% do thiếu mặt bằng và khâu thủ tục khai thác các mỏ vật liệu vẫn chưa thông suốt.

Theo báo cáo của Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), tính đến ngày 20/9, diện tích mặt bằng đã bàn giao đến nay đạt 666,84/721,25 km đạt 92,5%, tổ chức thi công được trên phạm vi khoảng 613,5/721,25 km, đạt 85%.

Ngoài 3 khu tái định cư đã có sẵn (Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau mỗi địa phương có 1 khu tái định cư cho Dự án Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau), các địa phương đang triển khai thi công 91/147 khu tái định cư để bố trí tái định cư cho khoảng 5.565 hộ. Đến nay, địa phương mới hoàn thành 56/147 khu.

Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đang đối diện với nguy cơ chậm tiến độ do thiếu mặt bằng và vật liệu - Ảnh: VGP/Huy Hùng
Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đang đối diện với nguy cơ chậm tiến độ do thiếu mặt bằng và vật liệu - Ảnh: VGP/Huy Hùng

Khối lượng đạt thấp hơn 50%

Về công tác thi công, toàn bộ các gói thầu của 12 dự án thành phần Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2 đã huy động 5.583 máy móc thiết bị các loại, 12.871 nhân sự thi công, 349 nhân sự tư vấn giám sát và tổ chức 561 mũi thi công (286 mũi thi công cầu, 275 mũi thi công đường, hầm chui dân sinh và một số công trình trên tuyến).

Dự án mới hoàn thành và đang thi công khoảng 409,96/637,7 km đường công vụ đạt 64,3%, trong đó có 2 đoạn có khối lượng hoàn thành thấp hơn 50% (Hoài Nhơn-Quy Nhơn 18,16/48,6 km; Cần Thơ-Hậu Giang16,54/38,13 km); các đoạn còn lại khối lượng hoàn thành đạt từ 50-82%.

Sản lượng thực hiện của các dự án khoảng 10.177/95.937,6 tỷ đồng, đạt 10,6% hợp đồng, chậm 2,05% so với kế hoạch. Trong đó, 4/12 dự án thành phần đáp ứng kế hoạch gồm Vũng Áng-Bùng, Bùng-Vạn Ninh, Vạn Ninh-Cam Lộ, Vân Phong-Nha Trang.

Có 8/12 dự án thành phần chậm tiến độ so với kế hoạch gồm Bãi Vọt-Hàm Nghi chậm 3,34%, Hàm Nghi-Vũng Áng chậm 5,83%, Quảng Ngãi-Hoài Nhơn chậm 1,28%, Hoài Nhơn-Quy Nhơn chậm 3,72%, Quy Nhơn-Chí Thạnh chậm 0,16%, Chí Thạnh-Vân Phong chậm 13,59%, Cần Thơ-Hậu Giang chậm 9,33% và Hậu Giang-Cà Mau chậm 8,96%.

Thiếu mặt bằng, thiếu vật liệu

Nguyên nhân khiến các dự án chậm tiến độ được Cục Quản lý đầu tư xây dựng chỉ ra.

Đầu tiên là vướng mắc về giải phóng mặt bằng ảnh hưởng tới quá trình thi công vì các địa phương chưa thực hiện chuyển đổi rừng với các diện tích tăng thêm, hoặc sai khác vị trí so với Nghị quyết số 273/NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Công tác triển khai xây dựng các khu tái định cư chậm so với tiến độ đề ra; chưa di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật phức tạp (nhất là hệ thống điện cao thế).

Khó khăn thứ hai là vật liệu. Tất cả nhà thầu đều đang gặp khó khăn trong việc thỏa thuận với một số các chủ sở hữu đất khu vực mỏ về chi phí chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để sản xuất kinh doanh theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai.

Chưa kể đến công suất các mỏ cát đang khai thác trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh (đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi) không đủ cho nhu cầu xử lý nền đất yếu. Các nhà thầu phải chủ động làm việc với địa phương để hoàn thiện thủ tục khai thác thêm các mỏ mới.

Thậm chí, một số dự án thành phần thừa khối lượng đất đào nền đường, phải vận chuyển đổ đi trong khi một số dự án khác không đủ vật liệu đất đắp khi điều phối từ nền đào nên phải khai thác đất tại các mỏ về để đắp.

Theo báo cáo của các chủ đầu tư, việc triển khai các thủ tục để điều phối giữa các dự án thành phần tại địa phương gặp khó khăn do việc điều phối chưa rõ áp dụng cho từng dự án thành phần hay cho toàn dự án.

Nhà thầu thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN
Nhà thầu thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Ảnh: Phạm Cường/TTXVN

Cần địa phương thực sự vào cuộc

Trước những khó khăn nêu trên, Bộ GTVT đề nghị các địa phương có cao tốc đi qua khẩn trương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Các ban quản lý dự án, nhà thầu tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Đặc biệt, khẩn trương giải phóng mặt bằng các vị trí ưu tiên để dự án có đường tiếp cận, các vị trí nền đào cần thi công để điều phối vật liệu.

Các Ban quản lý dự án (QLDA) và nhà thầu cần kịp thời báo cáo các vấn đề vướng mắc vượt thẩm quyền để Bộ GTVT làm việc với các địa phương hoặc báo cáo để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các cuộc họp Ban Chỉ đạo.

Các Ban QLDA, nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác 3 mỏ cát, 18 mỏ đất đã trình nhưng chưa được xác nhận trong nửa đầu tháng 10/2023.

Đồng thời, thỏa thuận với chủ sở hữu mỏ để có thể khai thác 6 mỏ cát, 21 mỏ đất đã được xác nhận bản đăng ký khối lượng để sớm có thể khai thác các mỏ; khảo sát, đưa thêm các mỏ mở mới vào hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ dự án (nếu có nhu cầu) và hoàn thành thủ tục với các mỏ còn lại chậm nhất trong tháng 10/2023.

Về công tác thi công, Bộ GTVT yêu cầu các ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu tăng cường thêm các mũi để thi công ngay công trình cầu, hầm chui dân sinh, cống, gia cố mái ta luy,… phù hợp với tiến độ thi công nền đường, đảm bảo đồng bộ, liên tục trên toàn tuyến.

Nhà thầu thi công xong cần thực hiện công tác thanh thải để đảm bảo dòng chảy, hạn chế ảnh hưởng của mưa lũ đến an toàn công trình cũng như đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân khu vực dự án; tổ chức thi công cuốn chiếu, các đoạn xong nền đường phải tổ chức thi công ngay các lớp móng, mặt đường.

Đội ngũ tư vấn giám sát phải rà soát, đối chiếu hiện trường toàn bộ hồ sơ khảo sát địa hình, địa chất, thủy văn; làm việc với các cơ quan liên quan để xác định ảnh hưởng của nước dềnh, phương án vận hành các đập thủy lợi, thủy điện (nếu có)... để tính toán, kiểm toán lại khẩu độ các công trình thoát nước, đảm bảo điều kiện thoát lũ và phục vụ nhu cầu sản xuất, quyết định điều chỉnh giải pháp thiết kế theo thẩm quyền.

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán