Cảnh giác với chiêu trò mạo danh tổ chức tín dụng để chiếm đoạt tài sản

(Banker.vn) Dù liên tục được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo nhưng gần đây tình trạng các đối tượng lừa đảo mạo danh các tổ chức tín dụng nhằm nhằm đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản khách hàng vẫn tăng cao.

Thủ đoạn các đối tượng lừa đảo thường sử dụng đó là lập ra các fanpage trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook… giả mạo là các công ty tài chính tiêu dùng, với ưu điểm thủ tục nhanh gọn, đơn giản, lãi suất thấp nhằm đánh vào tâm lý những người cần tiền gấp.

Để tạo sự tin tưởng, các đối tượng lừa đảo yêu cầu khách hàng gửi hình chụp các loại giấy tờ tùy thân, hóa đơn dịch vụ để xác minh.

Sau đó, chúng yêu cầu người vay phải đóng một khoản tiền bảo hiểm rủi ro cho khoản vay là 550.000 đồng/một khoản vay. Khi người vay đồng ý các đối tượng gửi cho người vay bản hợp đồng tín dụng giả qua các công ty chuyển phát nhanh.

Đồng thời, nhân viên của các công ty chuyển phát nhanh sẽ thu khoản tiền bảo hiểm rủi ro. Sau khi nhận được tiền, đối tượng lừa đảo sẽ chặn liên lạc với khách hàng và không giải ngân bất cứ khoản vay nào.

Ðể thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ tài chính. Trong đó, tình trạng mạo danh tin nhắn thương hiệu của các tổ chức tín dụng gửi cho khách hàng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân/chiếm đoạt tiền trong tài khoản nếu khách hàng thực hiện theo các chỉ dẫn của tin nhắn giả mạo này.

Từ năm 2020 đến nay các tổ chức tín dụng liên tục phát đi cảnh báo khách hàng cẩn trọng trước những hình thức lừa đảo mạo danh ngân hàng như: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, Agribank… Qua đó, giúp khách hàng nâng cao cảnh giác tránh “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo.

Cụ thể, ngân hàng Vietcombank cho biết đang xuất hiện hiện tượng mạo danh tin nhắn Vietcombank để lừa đảo. Theo đó, kẻ lừa đảo nhắn tin thông báo cho khách hàng với nội dung "tài khoản khách hàng đã bị khóa" rồi lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo để đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng của khách hàng.

Để tránh hình thức mạo danh gửi tin nhắn với nội dung lừa đảo khách hàng bấm vào các đường dẫn (link) giả mạo để chiếm đoạt thông tin và tiền của khách hàng. BIDV khuyến cáo khách hàng tuyệt đối không click vào các đường dẫn (link) lạ được gửi qua tin nhắn SMS. BIDV không yêu cầu khách hàng cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, OTP qua các đường link gửi qua SMS. Trong trường hợp phát hiện thông tin không rõ ràng hoặc nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, giả mạo khách hàng cần liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời. 

Gần đây, các công ty tài chính tiêu dùng cũng liên tục phát đi cảnh báo người đi vay thận trọng với những ứng dụng cho vay trôi nổi không rõ nguồn gốc và được cấp phép hoạt động chính thống. 

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Tổng Giám đốc công ty tài chính FE CREDIT cho biết, để tránh tình trạng bị lừa đảo khi vay tiêu dùng, người đi vay cần thận trọng chọn lựa những công ty tài chính tiêu dùng uy tín, có mạng lưới rộng khắp, thông tin địa chỉ liên hệ rõ ràng. Hơn nữa, không nên tiếp nhận tư vấn vay vốn qua mạng xã hội vì đối tượng có thể lợi dụng để khai thác thông tin thực hiện hành vi lừa đảo. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản hoặc chuyển tiền cho bất kỳ người lạ nào.

“Đặc biệt lưu ý, thủ tục vay từ phía công ty tài chính không yêu cầu tạm ứng trước bất cứ khoản tiền nào vào tài khoản chỉ định để được duyệt vay. Nếu khách hàng phát hiện lừa đảo, nghi ngờ gian lận hoặc có vướng mắc cần trao đổi thông tin, hãy liên lạc ngay với tổng đài chính thức của công ty tài chính hoặc đến văn phòng chăm sóc khách hàng để được hướng dẫn xử lý”, ông Phúc nhấn mạnh.

Khi nhận được các thông tin giao dịch đáng ngờ, người dân cần bình tĩnh kiểm tra kỹ nội dung tin nhắn nhận được để phát hiện các tin nhắn giả mạo, không vội vã trả lời hay thực hiện theo nội dung trong tin nhắn. 

Trước tình trạng giả mạo thương hiệu chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, phức tạp thì người dân cần biết cách tự bảo vệ mình. Nắm bắt, tìm hiểu đầy đủ thông tin tổ chức tín dụng trước khi tiến hành ký kết, giao dịch nhằm bảo vệ quyền, lợi ích của mình. Người tiêu dùng không nên chỉ nhìn vào bề ngoài, thông qua quảng cáo mà giao dịch, ký kết, chuyển giao tài sản của mình, bởi như vậy có thể bị lừa gây ra các hậu quả khôn lường.

Vinh Nguyễn

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ