Cảnh báo xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần tăng và giải pháp

(Banker.vn) Đại biểu Quốc hội cho rằng, cần tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần.
Trình Quốc hội 2 phương án về rút bảo hiểm xã hội một lần Rất hiếm trường hợp trốn đóng bảo hiểm xã hội bị xử lý: Điểm nghẽn ở đâu? Phải coi trốn đóng bảo hiểm xã hội là xâm phạm quyền sở hữu tài sản của người lao động

Tránh gây "sốc" về chính sách, khiến lao động ồ ạt rút BHXH một lần

Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là một 8 dự án Luật được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Đây dự án đang được cử tri, nhân dân, người lao động cả nước hết sức quan tâm do đây là dự án luật quan trọng liên quan đến việc bảo đảm an sinh xã hội, quyền lợi của người dân.

Tránh gây “sốc” về chính sách, khiến người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần
Cần nghiên cứu có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về bảo hiểm xã hội một lần

Góp ý về dự án luật này, đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Thanh Hóa - bày tỏ nhất trí về quy định sửa đổi điều kiện hưởng lương hưu theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.

Tuy nhiên, đại biểu Sơn cho rằng, do cách tính mức lương hưu dựa trên thời gian đóng góp và mức tiền lương, thu nhập làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội nên việc giảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ làm xuất hiện thêm nhiều trường hợp người lao động nghỉ hưu với mức lương hưu rất thấp (lao động nam chỉ hưởng mức 33,75%), tương đương hơn 2 triệu đồng. Đồng thời, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bỏ quy định về mức lương hưu tối thiểu.

“Đây là điều mà nhiều người lao động đang băn khoăn, vì có thể dẫn đến xu hướng “nghèo hóa” của một bộ phận người dân trong tương lai” - đại biểu Sơn nêu ý kiến.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị cần xem xét thiết kế cách tính lương hưu có tính chia sẻ để hỗ trợ cho những người có tiền lương hưu quá thấp; theo đó, mức lương hưu tối thiểu của người lao động nam ở mức 40%, lao động nữ ở mức 50%.

Về bảo hiểm xã hội một lần, Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng, đây là quyền lợi chính đáng của người tham gia bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, tình trạng người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng tăng như giai đoạn vừa qua là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn làm ảnh hưởng tới tình hình kinh tế - xã hội, mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện an sinh xã hội cho toàn dân.

Ông Võ Mạnh Sơn cho hay, các phương án mà dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang thể hiện cơ bản hướng đến việc hạn chế người lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Mỗi phương án đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định như Tờ trình của Chính phủ đã xác định.

Do đó, cần có các nhóm giải pháp đồng bộ hơn để hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn trước mắt để họ đảm bảo duy trì cuộc sống, như: Tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển thị trường lao động…

Đồng thời, tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp thông tin để người lao động biết, hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí về sau.

“Ngoài ra, cần nghiên cứu có lộ trình áp dụng phù hợp để thực hiện các phương án về bảo hiểm xã hội một lần, tránh gây “sốc” về chính sách đối với người lao động, có thể khiến người lao động ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội” - ông Sơn nhấn mạnh.

Giảm thời gian đóng BHXH tối thiểu xuống 15 năm là hợp lý

Đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên - đoàn Điện Biên, Phó Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu là hợp lý.

Nghị quyết số 28-NQ/TW đã nêu: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội”.

"Thực ra, theo nguyên tắc thì đóng bao nhiêu, hưởng bấy nhiêu, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít, nên 10-15 hay 20 năm đều có cơ sở của nó. Tôi đồng ý với dự thảo luật về nội dung này. Nó cũng trực tiếp liên quan đến mục tiêu mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội với điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu. Hơn nữa, quy định này là cũng nhằm giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu" - đại biểu nêu.

Về quy định hưởng bảo hiểm xã hội một lần, theo đại biểu đoàn Điện Biên, đây là một nội dung luôn được thảo luận, tranh luận khá gay gắt vì xung đột lợi ích: Người đã đóng bảo hiểm xã hội mong muốn được rút tiền ngay khi mất việc để giải quyết những nhu cầu tài chính cấp bách của mình;

Nhà nước thì lại muốn bảo vệ quyền lợi lâu dài cho người lao động, nhất là khi họ hết tuổi lao động, già yếu, không còn thu nhập nữa, không muốn họ trở thành gánh nặng tài chính cho bản thân gia đình họ, cho xã hội. Mong muốn của cả 2 bên đều rất chính đáng.

Trong thực tế, tiền đóng bảo hiểm xã hội là để dưỡng già và gắn với bảo hiểm y tế, vốn được chi trả như nhau không phụ thuộc vào số năm đóng cũng như mức hưởng bảo hiểm xã hội. Mà với mục tiêu mở rộng, dần hướng tới bao phủ trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế thì cuối cùng những người rút bảo hiểm xã hội hưởng 1 lần sẽ vẫn được Nhà nước đảm bảo.

Cũng không có cơ sở lo lắng về trượt giá, vì thực tiễn cho thấy, mỗi khi cải cách tiền lương, nâng mức lương tối thiểu, Nhà nước luôn điều chỉnh phù hợp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở.

Do đó, đại biểu thiên về vế sau của vấn đề: đảm bảo lâu dài, bền vững an sinh xã hội cho mọi người dân. Ngay Nghị quyết số 28-NQ/TW của Đảng đã chỉ rõ: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần”.

Do đó, các quy định để tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần như trong Dự án Luật là rất cần thiết và hợp lý, nhân văn như: Giảm điều kiện hưởng lương hưu xuống 15 năm hay hưởng trợ cấp hàng tháng trong trường hợp không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hàng tháng...

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương