Cần tránh chuyện "xin - cho" trong thị trường bất động sản

(Banker.vn) Cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, cần tránh chuyện xin - cho trong thị trường bất động sản.
Dự kiến giám sát 8 Bộ, ngành, 12 địa phương về quản lý thị trường bất động sản Doanh nghiệp tổ chức sàn giao dịch bất động sản phải chịu trách nhiệm trước nhà nước và pháp luật Bỏ quy định bắt buộc giao dịch bất động sản thông qua sàn

Cho ý kiến về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) mới đây, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý việc chúng ta ít quan tâm đến trục thời gian trong thực hiện các quy hoạch và kế hoạch. Nếu tại một thời điểm mà tung ra nhiều dự án bất động sản quá, khi cung vượt cầu sẽ gây ra nhiều khó khăn.

Cần tránh chuyện xin - cho trong thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản (Ảnh minh họa)

Ngược lại, ở thời điểm nào đó cầu mà vượt cung thì dẫn đến khan hiếm, đầu cơ bất động sản, đẩy giá lên cao. Do đó, việc sửa đổi luật cần rà soát xem đã có mục nào điều chỉnh vấn đề này chưa. Ngoài ra, vai trò điều phối chung của Nhà nước được quy định ra sao trong luật.

“Cần tránh chuyện xin - cho trong thị trường bất động sản. Làm sao để quản lý được việc này, tránh xin cho, đình trệ” - Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chủ tịch Quốc hội nhắc lại Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 16/6/2022 có yêu cầu xây dựng hệ thống thông tin thị trường bất động sản gắn với thông tin đất đai. Hoàn thiện cơ sở pháp lý và tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản. Có cơ chế bảo đảm thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn, bền vững; kiểm soát chặt chẽ, khắc phục tình trạng đầu cơ đất đai.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu thanh toán qua ngân hàng thì giao dịch bất động sản qua sàn hay không qua sàn cũng vấn minh bạch. Ngoài ra, phải kiểm soát được cả dòng tiền.

Chủ tịch Quốc hội lấy dẫn chứng trong một tập đoàn kinh doanh bất động sản thường sẽ có một công ty chuyên phân phối hoặc có liên kết với công ty phân phối. Do đó, không phải giao dịch nào cũng qua sàn, kết nối được giữa người mua và người bán. Ngay cả công ty về chứng khoán phải niêm yết rồi mới được đưa lên thị trường chứng khoán.

“Có nhiều loại thị trường, nhiều loại sàn khác nhau chứ không phải cứ có sàn là tốt. Chúng ta phải thông suốt về nhận thức ở chỗ này” - Chủ tịch Quốc hội nói và cho biết chỉ cần thông tin thị trường đầy đủ, thanh toán không dùng tiền mặt thì sẽ minh bạch. Do đó, những vấn đề cốt lõi của dự án luật này cần được rà soát lại; nhiều nội dung nằm ở các luật có liên quan.

Về công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh tại điều 6, Chủ tịch Quốc hội đề nghị nghiên cứu thêm ngoài những thông tin bắt buộc phải công khai thì cần thêm những thông tin gì khác.

Về chính sách của Nhà nước đối với đầu tư kinh doanh bất động sản tại điều 7, Chủ tịch Quốc hội đồng ý có chính sách khuyến khích nhưng sẽ có sự xung đột với các luật khác. Trong đó, khoản 2 điều 7 quy định Nhà nước khuyến khích và có chính sách miễn, giảm thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tín dụng ưu đãi cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà ở xã hội và dự án được ưu đãi đầu tư. Như vậy, với các vấn đề về thuế sẽ liên quan đến các luật khác.

Về nguyên tắc kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai, Chủ tịch Quốc hội đề nghị bổ sung thêm các nguyên tắc khác.

Chủ tịch Quốc hội cũng đặt câu hỏi có những điều khoản nào trong dự thảo luật nhằm ngăn ngừa câu chuyện lách luật hay không?

Về điều kiện chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ có nhiều vấn đề đặt ra. Cụ thể, trong thực tế có một số tổ chức và cá nhân chạy dự án sau đó sang tên cho người khác. Tình trạng đi xin dự án, không đủ năng lực về tài chính, không đủ năng lực về chuyên môn, kỹ luật… nên phải làm thế nào để ngừa được tình trạng người người đi kinh doanh bất động sản, nhà nhà thành lập doanh nghiệp bất động sản.

Vậy quy định điều kiện như thế nào để được thành lập doanh nghiệp bất động sản, giao cho dự án bất động sản. Tất cả phải có điều kiện cụ thể, đây là những vấn nạn cần ngăn ngừa.

Tiếp đó, qua thực tế việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo các vụ án đã xử có những trường hợp đi xin dự án đã làm luôn hợp đồng với người khác và “tôi sẽ chuyển lại toàn bộ dự án này cho anh sau khi đã làm được các vấn đề abc” nhưng sau đó lại không thực hiện. Do đó, người có hợp đồng nhận chuyển nhượng này lại đi phát đơn kiện ra tòa. Có những đơn chuyển về Chủ tịch Quốc hội và phải xin ý kiến của Ủy ban Tư pháp.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tư pháp rà soát kỹ lại việc chuyển nhượng này để ngăn ngừa.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục