Cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ

(Banker.vn) Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Phát triển công nghiệp quốc phòng gắn với mua sắm vũ khí hiện đại, chuyển giao công nghệ mới Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ: Còn nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp - thuốc nổ nhũ tương

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 20/5, Quốc hội nghe Tờ trình về dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra về dự thảo Luật này.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình

Trình bày Tờ trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) có bố cục gồm 8 chương, 74 điều.

Trong đó: Chương I quy định chung (17 điều); Chương II quy định về quản lý, sử dụng vũ khí (15 điều); Chương III quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ (11 điều); Chương IV quy định về quản lý, sử dụng tiền chất thuốc nổ (6 điều); Chương V quy định về quản lý, sử dụng công cụ hỗ trợ (11 điều); Chương VI quy định về tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (9 điều); Chương VII quy định về quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ (03 điều); Chương VIII quy định về điều khoản thi hành (2 điều).

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đã kế thừa quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017. Trong đó, phạm vi điều chỉnh quy định về quản lý, sử dụng và nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; đối tượng áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ.

Về nguyên tắc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ cơ bản giữ nguyên như quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 và chỉnh lý, bổ sung về kỹ thuật trình bày văn bản.

Về các hành vi nghiêm cấm, dự thảo Luật cơ bản kế thừa Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; đồng thời bổ sung một số nội dung nghiêm cấm như: Mang trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đến nơi công cộng; quảng cáo trái phép vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; che giấu, không tố giác, giúp người khác cải tạo, lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ; trao đổi, tặng, cho, gửi, mượn, cho mượn, thuê, cho thuê, cầm cố vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc linh kiện vũ khí, công cụ hỗ trợ, trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cho, tặng, viện trợ vũ khí, công cụ hỗ trợ phục vụ việc nghiên cứu, sản xuất, trang bị, sử dụng.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về đối tượng, điều kiện, thẩm quyền, thủ tục tiếp nhận và quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ vào dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi) để quản lý chặt chẽ số vũ khí, công cụ hỗ trợ do tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân nước ngoài cho, tặng, viện trợ.

Sửa đổi, bổ sung quy định việc nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm vật liệu nổ công nghiệp do các tổ chức khoa học và công nghệ hoặc doanh nghiệp sản xuất vật liệu nổ công nghiệp thực hiện trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ được tổ chức dưới hình thức chương trình, đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu theo chức năng của tổ chức khoa học và công nghệ và các hình thức khác theo quy định pháp luật về khoa học và công nghệ để đảm bảo phù hợp với Luật Khoa học và Công nghệ; Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định việc đăng ký mới, đăng ký bổ sung và công nhận kết quả đăng ký sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp mới vào Danh mục sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh, sử dụng tại Việt Nam; quy định tổ chức sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ công nghiệp phải là doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp do doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các quy định về cắt giảm các loại giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hành chính về cấp các loại giấy phép đảm bảo cải cách, đơn giản hoá thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân và thực hiện tiếp nhận hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra

Trình bày Báo cáo thẩm tra dự thảo Luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho hay, đa số ý kiến thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí sự cần thiết sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm các giấy tờ không cần thiết nhằm bảo đảm phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; tạo hành lang pháp lý vững chắc trong công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về lĩnh vực này; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong quá trình thi hành, áp dụng Luật thời gian qua.

"Đa số ý kiến thành viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá cao sự nghiêm túc, khẩn trương trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án Luật và nhận thấy, hồ sơ dự án Luật Chính phủ trình bày cơ bản đã đầy đủ các tài liệu quy định tại Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7" - ông Lê Tấn Tới nói.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục