Cần thiết ban hành khung pháp lý toàn diện và cụ thể để điều chỉnh Fintech tại Việt Nam

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân đối với Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng (sau đây gọi tắt là Dự thảo Nghị định). Theo NHNN, Cơ chế thử nghiệm là một trong những công cụ và cách tiếp cận chính sách ưa thích nhất được rất nhiều nước áp dụng để tăng tốc đổi mới sáng tạo, tăng cường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả trong ngành tài chính - ngân hàng thông qua việc cho phép thử nghiệm các giải pháp công nghệ tài chính (Fintech) bằng những giao dịch thật trong một môi trường có kiểm soát, giới hạn về phạm vi, quy mô, thời gian thử nghiệm. Các giải pháp Fintech tham gia vào Cơ chế thử nghiệm sẽ được đặt dưới sự giám sát thường xuyên, liên tục của cơ quan quản lý tài chính - ngân hàng nhằm hạn chế ở mức thấp nhất rủi ro, hệ lụy phát sinh.
 


Cơ chế thử nghiệm là một trong những công cụ được rất nhiều nước áp dụng để tăng tốc đổi mới sáng tạo, tăng cường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả trong ngành tài chính - ngân hàng (
Nguồn: Internet)

Ngày 18/01/2024, Quốc hội khóa XV đã ban hành Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 (Luật Các TCTD 2024), trong đó quy định:

“Điều 106. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng

1. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng là môi trường thử nghiệm việc ứng dụng công nghệ và triển khai sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực ngân hàng có giới hạn về phạm vi, không gian, thời gian thực hiện; tổ chức tham gia cơ chế thử nghiệm có kiểm soát phải đáp ứng điều kiện, tiêu chí xét duyệt tham gia và chịu sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Như vậy, Luật Các TCTD mới được ban hành đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng, ban hành Nghị định thông qua việc giao Chính phủ quy định chi tiết về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Chưa kể, trong thời gian qua, đứng trước những cơ hội và thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) mang lại, Đảng và Nhà nước đã có nhiều văn bản chỉ đạo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam trong những năm tới, bao gồm việc thúc đẩy, tạo điều kiện cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, các ứng dụng khoa học công nghệ trên cơ sở tận dụng thành tựu của CMCN 4.0.

Hiện nay, tên gọi của Nghị định (đang được lấy ý kiến) là “Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng”, tuy nhiên, để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với quy định tại Điều 106 Luật Các TCTD (sửa đổi), NHNN đề xuất chỉnh sửa lại tên Nghị định thành: Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.

Fintech phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam

Theo giải thích của NHNN, giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng là những đổi mới sáng tạo và hiện đại về sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới dựa trên các giải pháp công nghệ được ứng dụng trong lĩnh vực ngân hàng. Công ty Fintech là tổ chức không phải là TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có giấy phép thành lập hoặc đăng ký kinh doanh hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam, độc lập cung ứng giải pháp Fintech hoặc thông qua hợp tác với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để cung ứng giải pháp Fintech ra thị trường.

Trong những năm gần đây, lĩnh vực Fintech tại Việt Nam phát triển khá nhanh và đã thu hút được nguồn vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, cũng như nhận được sự quan tâm đặc biệt của các ngân hàng thương mại và các cơ quan quản lý.

Sự kết hợp ngân hàng với Fintech đang là xu hướng của rất nhiều ngân hàng trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh những dịch vụ mới mà làn sóng Fintech mang lại thì sự hợp tác ngân hàng - Fintech sẽ giúp hai bên tận dụng được thế mạnh của nhau. Fintech trở thành cánh tay nối dài của các ngân hàng tới những đối tượng dùng chưa có tài khoản ở ngân hàng truyền thống hay những đối tượng chưa tiếp cận dịch vụ truyền thống (unbanked), mang lại những trải nghiệm tốt, linh hoạt, nhiều tiện ích cho khách hàng, hỗ trợ đắc lực cho phổ cập tài chính (financial inclusion) sâu rộng hơn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế xã hội. Bởi một trong những điểm nổi bật của Fintech chính là tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho khách hàng.

Tại Việt Nam, xu hướng phát triển Fintech còn được thể hiện rõ nét qua việc các công ty khởi nghiệp công nghệ, các tổ chức không phải là ngân hàng (non-banks) có thế mạnh công nghệ tham gia vào các mảng hoạt động trong lĩnh vực tài chính -ngân hàng (công ty Fintech) dưới hình thức phát triển các giải pháp hỗ trợ hoạt động ngân hàng mà không trực tiếp cung ứng dịch vụ tới người dùng cuối (end-users) hoặc trực tiếp cung ứng giải pháp mới một cách độc lập. Cụ thể hơn, một vài năm gần đây đã chứng kiến sự hình thành và phát triển của số lượng lớn các công ty Fintech (với hơn 100 công ty) tham gia vào nhiều mảng, lĩnh vực hoạt động khác nhau như thanh toán, cho vay ngang hàng (P2P Lending), chấm điểm tín dụng, quản lý tài chính cá nhân... Lĩnh vực Fintech còn thu hút được sự tham gia của nhiều công ty, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước, thường là các công ty có thế mạnh về công nghệ thông qua các hoạt động trực tiếp đầu tư hình thành các công ty Fintech, hay gián tiếp thông qua thành lập các quỹ đầu tư, tạo vườn ươm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech.

Trong những năm qua, NHNN đã và đang chủ động trong việc tiếp cận vấn đề và đối thoại với các doanh nghiệp trong lĩnh vực Fintech để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện cho các đơn vị này gia nhập thị trường. Từ năm 2008, NHNN đã nghiên cứu và cho phép nhiều công ty/tổ chức không phải ngân hàng cung ứng dịch vụ thanh toán trên cơ sở thí điểm nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường. Đến cuối năm 2023, NHNN đã cấp Giấy phép hoạt động chính thức cho 51 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 49 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Nhận thức được tầm quan trọng của Fintech và tương lai phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam, thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025", NHNN đã thành lập Ban Chỉ đạo lĩnh vực Fintech của NHNN vào tháng 3/2017 nhằm đưa ra những giải pháp hoàn thiện hệ sinh thái, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech ở Việt Nam phát triển.

Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN đã hoàn thành Báo cáo đánh giá về Hệ sinh thái Fintech ở Việt Nam, đồng thời đề ra các nội dung trọng tâm của Fintech cần khẩn trương tập trung nghiên cứu, đó cũng là 05 lĩnh vực Fintech được NHNN quan tâm bao gồm: Thanh toán điện tử (e-payments); định danh khách hàng điện tử (e-KYC); cho vay ngang hàng (P2P Lending); giao diện lập trình ứng dụng mở (Open APIs) và các giải pháp ứng dụng công nghệ Blockchain. 

Ban Chỉ đạo Fintech của NHNN cũng thiết lập các kênh đối thoại trực tiếp với các công ty Fintech, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước với các công ty Fintech để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động.

Cần thiết ban hành khung pháp lý toàn diện và cụ thể để điều chỉnh Fintech tại Việt Nam

Theo NHNN, sự phát triển nhanh chóng, mở rộng phạm vi của Fintech đã khiến cơ quan quản lý tài chính - tiền tệ của nhiều quốc gia phải đối mặt với những khó khăn, thách thức trong công tác quản lý, giám sát như nguy cơ rửa tiền và tài trợ khủng bố (AML/CFT), đảm bảo an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu người dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nhà đầu tư… Cũng như nhiều cơ quan quản lý trên thế giới, NHNN và một số cơ quan liên quan cũng đang gặp phải những thách thức mới trong công tác quản lý nhà nước với sự xuất hiện của các công ty Fintech cung ứng hoặc tham gia, hợp tác cung ứng dịch vụ, giải pháp trong nhiều ngành, nghề, lĩnh vực khác nhau như thanh toán, P2P Lending, chấm điểm tín dụng...

Các mảng, lĩnh vực hoạt động này của các công ty Fintech kể trên hầu hết hiện chưa có khung pháp lý toàn diện hoặc quy định pháp lý cụ thể để điều chỉnh, do đó có thể tiềm ẩn rủi ro, hệ lụy tiêu cực trên một số phương diện như cạnh tranh công bằng, ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng. Thêm vào đó, xu hướng phát triển đan xen cùng “hợp tác - cạnh tranh” nêu trên đặt ra nhiều thách thức về mặt chính sách, quy định đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hài hòa giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, cạnh tranh công bằng giữa các tổ chức tài chính truyền thống và công ty Fintech với đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ người tiêu dùng, an ninh mạng.

Đơn cử như trong hoạt động P2P Lending nổi lên tại Việt Nam trong giai đoạn gần đây, một số công ty lấy danh nghĩa mô hình P2P Lending lợi dụng sự thiếu kiến thức, hiểu biết của người dân để lừa bịp, gian dối, quảng cáo sai sự thật, hứa hẹn lợi nhuận cao, lãi suất cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền vốn của người dân bỏ tiền đầu tư mô hình cho vay này hoặc lừa dối người vay về lãi suất “thấp”, điều kiện vay ưu đãi trong khi tính và áp dụng mức lãi suất thực tế cao “cắt cổ”, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Một số thỏa thuận giữa các bên tham gia trong mô hình P2P Lending (công ty P2P Lending và nhà đầu tư, công ty P2P Lending và bên thứ ba, công ty P2P Lending và khách hàng vay…) thiếu rõ ràng, minh bạch, thiếu ràng buộc có tính pháp lý, chưa có cơ chế giám sát, hậu kiểm đối với việc sử dụng, quản lý vốn vay đúng mục đích của người đi vay, nên có thể dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên.

NHNN cho biết, trên bình diện khu vực và quốc tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã có cách tiếp cận chủ động bằng việc thiết lập Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với hoạt động Fintech nhằm đáp lại sự nổi lên của Fintech với tư cách là các thực thể độc lập (như các công ty khởi nghiệp Fintech) hay với tư cách là giải pháp công nghệ được ứng dụng, triển khai trong cung ứng dịch vụ, giải pháp của các tổ chức tài chính truyền thống. Cơ chế thử nghiệm là một trong những công cụ và cách tiếp cận chính sách ưa thích nhất được rất nhiều nước áp dụng để tăng tốc đổi mới sáng tạo, tăng cường cạnh tranh, nâng cao hiệu quả trong ngành tài chính - ngân hàng thông qua việc cho phép thử nghiệm các giải pháp Fintech bằng những giao dịch thật trong một môi trường có kiểm soát, giới hạn về phạm vi, quy mô, thời gian thử nghiệm. Các giải pháp Fintech tham gia vào Cơ chế thử nghiệm sẽ được đặt dưới sự giám sát thường xuyên, liên tục của cơ quan quản lý tài chính - ngân hàng nhằm hạn chế ở mức thấp nhất rủi ro, hệ lụy phát sinh. Thông tin, dữ liệu, kết quả thử nghiệm đối với các giải pháp tham gia Cơ chế thử nghiệm này sẽ là cơ sở, căn cứ để cơ quan quản lý, giám sát cũng như nhà cung ứng dịch vụ tiềm năng tham gia vào Cơ chế thử nghiệm đánh giá tính khả thi, lợi ích, rủi ro của giải pháp, từ đó đưa ra quyết định, cách thức ứng xử phù hợp tiếp theo.

Do vậy, trong xu hướng và bối cảnh trên, Việt Nam cần sớm xây dựng một khung khổ quản lý dưới hình thức Nghị định quy định về cơ chế thử nghiệm đối với hoạt động Fintech nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hạn chế sự cạnh tranh không lành mạnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh Fintech, bảo vệ lợi ích của người sử dụng dịch vụ; đồng thời, quá trình vận hành khung khổ này cung cấp cơ sở thực tiễn để các cơ quan quản lý nhà nước liên quan sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý, ban hành quy định quản lý theo hướng tạo thuận lợi, thích ứng đối với hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng trong thời gian tới.

Thúc đẩy phổ cập tài chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính

Mục đích và nguyên tắc

Theo NHNN, Nghị định được xây dựng với mục đích chính như sau:

Thứ nhất, quy định các chuẩn mực, nguyên tắc cho sự vận hành Cơ chế thử nghiệm, đề ra các nguyên tắc, quy trình, thủ tục, tiêu chí xét duyệt, biện pháp kiểm soát đối với việc thử nghiệm các giải pháp Fintech đổi mới sáng tạo tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Thứ hai, sử dụng kết quả, thông tin đầu vào của Cơ chế thử nghiệm để sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành, ban hành quy định mới, cải cách khung khổ pháp lý của ngành Ngân hàng theo hướng thích ứng, tạo thuận lợi cho hoạt động Fintech.

Thứ ba, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực ngân hàng tại Việt Nam dựa trên ứng dụng công nghệ/giải pháp Fintech, tạo thuận lợi cho hoạt động ngân hàng và bảo đảm an ninh mạng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thứ tư, thúc đẩy phổ cập tài chính toàn diện theo hướng ứng dụng công nghệ/giải pháp Fintech sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Về quan điểm, cơ quan soạn thảo cho rằng, thông qua Nghị định này, Chính phủ tạo ra một cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển, cung ứng hoặc hợp tác cung ứng các giải pháp, dịch vụ ngân hàng mới dựa trên ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo; cho phép các TCTD, công ty Fintech được thử nghiệm các giải pháp Fintech mà quy định pháp lý hiện hành chưa hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc triển khai, áp dụng trực tiếp trong một môi trường có kiểm soát đặt dưới sự giám sát thường xuyên, liên tục của cơ quan quản lý, hoạt động thử nghiệm chịu giới hạn về phạm vi, quy mô, thời gian thử nghiệm và có biện pháp phòng ngừa, hạn chế rủi ro phát sinh.

Nghị định được xây dựng dựa trên một số quan điểm, nguyên tắc định hướng, cụ thể như sau:

Thứ nhất, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình xây dựng, ban hành và triển khai vận hành Cơ chế thử nghiệm sau khi Nghị định được Chính phủ ban hành.

Thứ hai, bám sát chủ trương của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0, các mô hình kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ ba, cân bằng giữa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, với đảm bảo ổn định tài chính, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, an ninh mạng, phòng ngừa, hạn chế rủi ro phát sinh.

Thứ tư, đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh giữa các nhóm đối tượng khác nhau (TCTD, các công ty Fintech).

Thứ năm, đảm bảo tuân thủ các điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia.

Thời gian thử nghiệm 02 năm, không được thực hiện thử nghiệm xuyên biên giới

Theo Dự thảo Nghị định, có 03 giải pháp Fintech trong lĩnh vực ngân hàng được phép thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm gồm những lĩnh vực: Chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở; cho vay ngang hàng.

Theo Dự thảo Nghị định: Thời gian thử nghiệm các giải pháp Fintech tối đa hai (02) năm tùy từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể, tính từ thời điểm được NHNN cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm. Một số yếu tố được cân nhắc để quyết định thời gian thử nghiệm bao gồm nhưng không giới hạn mức độ phức tạp, tính đột phá sáng tạo của giải pháp có liên quan và đề xuất cụ thể của tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Thời hạn của Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm không vượt quá thời hạn (nếu có) của Giấy phép thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm.

Căn cứ vào tình hình thực hiện thử nghiệm thực tế, NHNN có thể điều chỉnh thời gian thử nghiệm theo quy định tại Điều 19, Điều 20 Nghị định này.

Việc triển khai thử nghiệm các giải pháp Fintech được giới hạn trên lãnh thổ Việt Nam, không được thực hiện thử nghiệm xuyên biên giới.

Tiêu chí và điều kiện tham gia Cơ chế thử nghiệm

Theo khoản 1 Điều 91 Dự thảo Nghị định, TCTD được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi giải pháp đáp ứng các tiêu chí sau:

(i) Là giải pháp có nội dung kĩ thuật và nghiệp vụ mà quy định pháp lý hiện hành chưa hướng dẫn cụ thể, rõ ràng cho việc triển khai, áp dụng.

(ii Là giải pháp có tính đổi mới sáng tạo, đem lại lợi ích, giá trị gia tăng cho người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ và thúc đẩy mục tiêu phổ cập tài chính.

(iii) Là giải pháp đã thiết kế, xây dựng được khung quản lý rủi ro, hạn chế tác động tiêu cực tới hệ thống ngân hàng và hoạt động ngân hàng - tiền tệ - ngoại hối; đã xây dựng phương án hợp lý về xử lý, khắc phục các rủi ro xảy ra trong quá trình thử nghiệm phù hợp.

(iii) Là giải pháp đã được tổ chức tham gia Cơ chế thử nghiệm thực hiện các biện pháp rà soát, đánh giá đầy đủ trên các khía cạnh hoạt động và chức năng, công dụng, tính hữu ích.

(iv) Là giải pháp có tính khả thi để có thể cung ứng ra thị trường sau khi hoàn thành quá trình thử nghiệm.

Đối với Công ty Fintech được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi giải pháp đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 9 nói trên và đáp ứng các điều kiện sau:

(i) Là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quy định pháp luật; không thuộc nhóm TCTD đang được kiểm soát đặc biệt theo Luật Các TCTD.

(ii) Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin và có ít nhất hai (02) năm kinh nghiệm là người quản lý, người điều hành của tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của pháp luật.

Đối với Công ty cho vay ngang hàng được xem xét cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm khi giải pháp đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 9 nói trên và đáp ứng các điều kiện sau:

(i) Công ty cho vay ngang hàng được xem xét, thẩm định để cấp Giấy chứng nhận tham gia Cơ chế thử nghiệm là pháp nhân được thành lập và hoạt động hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam; không đang trong quá trình chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể, phá sản theo quy định của pháp luật; tại Giấy phép thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp không có nội dung hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ.

(ii) Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty cho vay ngang hàng đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm không có án tích, không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và an ninh mạng; không đồng thời là chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ tài chính, tín dụng, cầm đồ, kinh doanh đa cấp, là chủ các dây hụi, họ, biêu, phường hoặc đang là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

(iii) Người thành lập, quản lý doanh nghiệp không được lợi dụng ưu thế quản lý, điều hành để thực hiện các hành vi xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

(iv) Người đại diện theo pháp luật, Tổng giám đốc (Giám đốc) của công ty cho vay ngang hàng đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin và có ít nhất hai (02) năm kinh nghiệm là người quản lý, người điều hành của tổ chức trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và không thuộc những đối tượng bị cấm theo quy định của pháp luật.

(v) Giải pháp cho vay ngang hàng đăng ký tham gia Cơ chế thử nghiệm thỏa mãn các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định này.
 
Tài liệu tham khảo:

1. Dự thảo Nghị định quy định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng.
2. https://sbv.gov.vn
  
Thu Trang (NHNN)
 
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng