Cần phải có giải pháp hỗ trợ quyết liệt hơn đối với doanh nghiệp

(Banker.vn) Trao đổi bên hành lang Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Kiến nghị mở rộng giảm thuế VAT 2%

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ảm đạm của nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm 2023, một phần là do nhu cầu tiêu dùng tại các nước phát triển, thị trường xuất khẩu chủ yếu của chúng ta, tăng trưởng chậm lại.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Mặt khác, do thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở nước ta bị đóng băng, gây tác động dây chuyền, khiến tình trạng nợ nần gia tăng, sản xuất bị đình trệ, thu nhập của người dân giảm sút.

Đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư công, giảm lãi suất thực hiện các chính sách giãn, hoãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp, song đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng liều lượng của các chính sách kể trên còn chưa đáp ứng được yêu cầu và tiến độ còn chậm.

Từ đó, đại biểu đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần thực thi các biện pháp tài khóa và tiền tệ mạnh mẽ hơn.

Theo đại biểu, dư địa của các chính sách tài khóa-tiền tệ, đặc biệt là chính sách tài khóa còn lớn. Vì vậy, đây là thời điểm thích hợp để thực hiện quốc sách khoan sức dân, yểm trợ cho doanh nghiệp, không nên tăng thêm bất cứ loại thuế, phí và thủ tục nào.

“Việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong thời gian tới, theo tôi, nên mở rộng ra tất cả các ngành hàng và kéo dài ít nhất 1 năm, không nên chỉ bó gọn trong vài ngành hàng và chỉ ngập ngừng trong thời gian 6 tháng”, đại biểu kiến nghị.

Tuy nhiên, theo đại biểu, các giải pháp nói trên dù rất quan trọng nhưng chỉ là các biện pháp tức thời nhằm giảm chi phí, bớt khó khăn về thanh khoản. Để nền kinh tế có thể phục hồi bền vững trong dài hạn, đại biểu Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, cần phải có những quyết sách mạnh mẽ hơn. Cụ thể, vấn đề trách nhiệm của các cấp, các ngành, phải được phân định rõ như một kỷ luật thép để đẩy mạnh giải ngân đầu tư công hơn nữa, từ đó tăng tổng cầu và tạo được tác động lan tỏa trong nền kinh tế.

Các vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính cần được giải quyết nhanh chóng hơn, để các dự án bất động sản và các dự án sản xuất, kinh doanh khác được triển khai, tạo việc làm cho người lao động, đem về doanh thu và tăng khả năng trả nợ cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, trong bối cảnh các kênh dẫn vốn trong nền kinh tế như tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp bị tắc nghẽn, khu vực doanh nghiệp nội địa đang suy kiệt, thì việc đổi mới chính sách, chủ động thu hút các dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp có chất lượng cao từ nước ngoài vào Việt Nam, có khả năng liên kết liên doanh với doanh nghiệp Việt trong bối cảnh mới cũng không kém phần quan trọng.

Đại biểu cũng đề nghị, từ năm 2024, Chính phủ nên khôi phục lại việc ban hành hàng năm Nghị quyết riêng về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đóng vai trò kim chỉ nam, chương trình tổng thể và thước đo cho hành động quốc gia nâng cao chất lượng thể chế với tiêu chí và mục tiêu cụ thể, qua đó tạo áp lực và động lực cho chương trình cải cách của bộ, ngành, địa phương trong bối cảnh mới.

Tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) cũng cho rằng cần phải có giải pháp hỗ trợ quyết liệt hơn đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước. Trong đó, cần tăng cường hơn nữa các khoản hỗ trợ về thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, tiền thuê đất…, đồng thời không nên có thêm những văn bản nào để làm tăng các khoản phí, chi phí đè nặng lên doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)
Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Theo đại biểu, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, phải có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp trong ngắn hạn như gói theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Đại biểu cho rằng cần phải thực hiện chính sách tiền tệ theo hướng hỗ trợ tăng trưởng, tức là phải giảm lãi suất nhiều hơn nữa. “Các ngân hàng thương mại phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với người bạn đồng hành của mình là doanh nghiệp, phải giảm thêm lãi suất, giảm thêm những chi phí lãi vay”, đại biểu nêu rõ.

Tuy nhiên, điều kiện vay vẫn cần phải bảo đảm chuẩn tín dụng, vì nếu hạ thấp chuẩn tín dụng sẽ dẫn đến một hệ quả khác là rủi ro tín dụng, dẫn tới rủi ro cho nền kinh tế.

Các ngân hàng thương mại phải thể hiện trách nhiệm của mình đối với người bạn đồng hành của mình là doanh nghiệp, phải giảm thêm lãi suất, giảm thêm những chi phí lãi vay.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh)

Bên cạnh đó, phải tăng vốn cho quỹ bảo lãnh tín dụng của doanh nghiệp vừa và nhỏ, để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được nguồn vốn vay.

Về dài hạn, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng cần phải có một hệ thống giải pháp căn cơ hơn để tránh những cú sốc và tăng sức đề kháng, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế.

Cùng với đó, cần nâng cao tính độc lập, tự chủ về kinh tế, trong đó phải tập trung đầu tư vào các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp cơ khí, vật liệu công nghệ cao, công nghiệp hóa chất, sinh học để có thể làm chủ được nguồn nguyên nhiên liệu của mình, tránh tình trạng chỉ tập trung cho việc gia công.

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong gói tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43/2022/QH15 nên điều chỉnh đối tượng thụ hưởng. Trong đó, nên có chính sách hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển sang phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế thân thiện với môi trường để bắt kịp với xu hướng của thế giới.

Dùng công cụ tài khóa, tiền tệ để ứng phó trong ngắn hạn

Theo đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau, để tăng trưởng thời gian tới phục hồi, Chính phủ cần phải có một chương trình ngắn hạn để đối phó với tình hình khó khăn hiện nay, trong đó trọng tâm là công cụ tài khóa và chính sách tiền tệ.

Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)
Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Về chính sách tài khóa, đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ đang trình Quốc hội xem xét việc giảm thuế VAT.

Đánh giá đây là một giải pháp rất quan trọng, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng nếu có cú hích bằng việc giảm thuế VAT với một liều lượng vừa phải, đủ bao rộng ra các đối tượng chịu thiệt hại sẽ giúp phục hồi “sức khỏe” của các đối tượng chịu đánh thuế. Đồng thời, qua việc phục hồi dần đó sẽ kích hoạt các khu vực khác tăng thu thuế hơn.

Bên cạnh giải pháp về tài khóa, miễn giảm thuế, theo đại biểu Lê Thanh Vân cũng cần cân nhắc xem xét miễn giảm các loại phí để thúc đẩy, kích cầu tiêu dùng.

Nếu có cú hích bằng việc giảm thuế VAT với một liều lượng vừa phải, đủ bao rộng ra các đối tượng chịu thiệt hại sẽ giúp phục hồi “sức khỏe” của các đối tượng chịu đánh thuế.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau)

Về chính sách tiền tệ, đại biểu cho rằng, việc áp dụng gói hỗ trợ lãi suất 2% là một tín hiệu tích cực, nhưng nếu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí quản lý, giảm đầu mối trung gian, giảm biên chế và chia sẻ cùng xã hội và doanh nghiệp thì mức lãi suất cho vay có thể giảm xuống nữa, đồng thời người gửi tiền có thể chia sẻ với xã hội, với doanh nghiệp để giúp lãi suất huy động thấp hơn.

“Cùng chia sẻ như vậy thì chúng ta sẽ có một nguồn lực để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vay vốn tiếp cận”, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu cũng lưu ý ngành ngân hàng cần phải rà soát lại các điều kiện, thủ tục cho vay, cắt giảm những khâu trung gian để giúp các doanh nghiệp dễ tiếp cận với dòng vốn đã được hạ lãi suất đó.

Bên cạnh đó, cần rà soát lại và cắt bỏ những “giấy phép con” mới nảy sinh để khai phá được điểm nghẽn giải ngân vốn đầu tư công, gỡ khó dòng vốn cho nền kinh tế.

“Công tác giải phóng mặt bằng, tiếp cận vốn, phân vai của các cơ quan chức năng mạch lạc hơn thì tiến độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tích cực hơn. Tôi tin rằng nếu như chúng ta thực hiện các giải pháp kịp thời ấy thì tiến độ giải ngân đầu tư công sẽ được đẩy mạnh hơn, và mục tiêu đạt từ 90% đến 95% giải ngân theo kế hoạch vào cuối năm sẽ đạt được, giúp tăng trưởng bứt phá”, đại biểu Lê Thanh Vân nêu rõ.

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục