Cần hiểu đúng về tác dụng của rau cần tây

(Banker.vn) Không chỉ dùng để nấu ăn mà rau cần tây còn được chứng minh là cây thuốc tự nhiên có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và sắc đẹp.
Tác dụng của rau diếp cá với người mắc bệnh phổi Hoa dâm bụt giúp hạ huyết áp, trị chân đau nhức, tê mỏi

Rau cần tây chứa nhiều giá trị dinh dưỡng

Bà Mackenzie Burgess - chuyên gia dinh dưỡng tại Hoa Kỳ, đồng thời là nhà phát triển công thức tại Cheerful Choices – chia sẻ: Lợi ích to lớn của nước ép cần tây là chứa nhiều chất dinh dưỡng như canxi, kali, magiê và vitamin A, C và K. Những chất dinh dưỡng này cần thiết cho nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể chúng ta. Canxi, kali và magiê đều có thể giúp giảm huyết áp và đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Cần hiểu đúng về tác dụng của rau cần tây
Rau cần tây là cây thuốc tự nhiên có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe và sắc đẹp

Kết quả phân tích trong 100g lá cần tây cho thấy, chứa 88% nước, 6,3% protein, 0,6% lipit, 2,1% chất khoáng tố vi lượng như canxi, phốtpho, sắt, 1,4% chất xơ, 1,6% đường, nhiều vitamin và khoáng chất, lượng calorie chỉ có 37%.

Rau cần tây đặc biệt giàu vitamin K, thân cây này cung cấp đến 25% vitamin K mỗi ngày. Ngoài ra, còn chứa một lượng nhỏ vitamin A, vitamin B và vitamin C, cùng một số khoáng chất nhất định như: Folate, choline, mangan, phốt pho…

Vì chứa ít calo và carbohydrate nên cần tây thường được sử dụng trong chế độ ăn cho người muốn giảm cân.

Tác dụng của rau cần tây

Giảm hàm lượng cholesterol: Cần tây chứa một loại hợp chất độc nhất vô nhị gọi là 3-n-butylphthalide (tên viết tắt là BuPh) có công dụng giảm lượng lipid máu (hay còn gọi là mỡ máu) trong cơ thể.

Giúp giảm viêm: Nhờ chứa các chất chống oxy hóa và polysaccharide (một loại phân tử carbohydrate) nên rau cần tây được biết có tác dụng như chất kháng viêm, đặc biệt là chất chống oxy hóa flavonoid và polyphenol. Những chất này hỗ trợ sức khỏe toàn diện, đặc biệt cho người lớn tuổi, bằng cách chống lại các tác hại của gốc tự do (hay còn gọi là mất cân bằng oxy hóa) làm cơ thể bị viêm.

Bảo vệ gan: Một nghiên cứu tại Ai Cập cho thấy, khi chuột được cho ăn cần tây đỏ với rau diếp xoăn và lúa mạch, cơ thể chúng giảm lượng mỡ nguy hiểm tích tụ trong gan. Chuột càng được ăn nhiều cần tây, rau diếp xoăn và lúa mạch thì gan của chúng càng khỏe mạnh.

Điều hoà huyết áp: Theo Đông y, cần tây có vị ngọt đắng, tính lương mát, có tác dụng bình can thanh nhiệt, mát gan, cải thiện thần kinh, mát phổi cầm ho, trừ phong thấp, cầm máu, giải độc. Có thể dùng trị tăng huyết áp, kèm các chứng chóng mặt hoa mắt đau đầu, mặt hồng mắt đỏ; xơ cứng mạch máu, thần kinh suy nhược...

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Chiropractic Medicine đã đánh giá lợi ích của việc uống nước ép cần tây đối với bệnh nhân cao huyết áp và phát hiện ra rằng việc bổ sung nước ép cần tây vào chế độ ăn uống cũng như chăm sóc thần kinh cột sống thường xuyên sẽ thấy huyết áp của họ giảm theo thời gian.

Những lưu ý khi sử dụng rau cần tây

Tuy rau cần tây tốt cho sức khỏe nhưng không có nghĩa mọi đối tượng đều có thể dùng loại thực phẩm này. Giới chuyên gia khuyến cáo một số trường hợp cần lưu ý khi dùng rau cần tây để tránh xảy ra tác dụng phụ, cụ thể:

Người bị huyết áp thấp: Do cần tây có tác dụng làm giảm huyết áp nên nó chỉ phù hợp với người tăng huyết áp. Nếu người huyết áp thấp dùng rau cần tây có thể bị hạ huyết áp về mức thấp hơn so với chỉ số cho phép từ đó gây nguy hiểm cho cơ thể.

Phụ nữ mang thai: Chiết xuất cần tây và hạt cần tây được cho là không an toàn khi sử dụng bằng đường uống trong thời kỳ mang thai. Việc tiêu thụ một lượng lớn cần tây có thể làm co thắt tử cung và gây sẩy thai.

Rối loạn chảy máu: Một số nghiên cứu cho thấy ăn nhiều rau cần tây có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi bạn đang mắc phải rối loạn chảy máu.

Các vấn đề về thận: Những người có vấn đề về thận không nên ăn rau cần tây nhiều vì nó có thể gây viêm.

Phẫu thuật: Cần tây có thể làm ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Một số nhà nghiên cứu cho rằng khi kết hợp sử dụng cần tây với các loại thuốc gây mê hay những loại thuốc khác được sử dụng trong và sau khi phẫu thuật có thể làm chậm hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Vì vậy nên ngừng sử dụng rau cần thây ít nhất 2 tuần trước khi phẫu thuật.

Các chuyên gia y tế cũng đặc biệt lưu ý, cần tây có chứa hóa chất psoralen, hóa chất này phản ứng với ánh nắng mặt trời. Vì vậy, nếu tiêu thụ cần tây hoặc các loại thực phẩm khác chứa nhiều psoralen có thể làm tăng độ nhạy cảm của da với tia cực tím, làm tăng nguy cơ viêm da hoặc có thể khiến da dễ bị cháy nắng, tổn thương hơn khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Đã có nghiên cứu cũng cho thấy, việc tiêu thụ thường xuyên với số lượng nhiều cần tây chưa được nấu chín có khả năng gây ra bệnh bướu cổ. Điều này là do trong cần tây có chứa chất goitrogen có thể can thiệp vào quá trình hoạt động của i ốt trong tuyến giáp làm tăng nguy cơ thiếu hụt i ốt và gây bướu cổ. Bướu cổ có thể gây sưng ở cổ, dẫn đến các vấn đề hô hấp và suy giáp có thể xảy ra.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục