Cần có cơ chế giám sát để ngăn chặn doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội

(Banker.vn) Cần có cơ chế giám sát để ngăn chặn từ sớm, từ xa tình trạng doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo vệ tối đa quyền lợi cho người lao động.
Phương án giải quyết chế độ cho người lao động đối với đơn vị nợ đóng bảo hiểm xã hội Doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm xã hội mang tính chất “luân phiên” Nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, nhà ở cho người lao động vẫn "nhức nhối"

Tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội kéo dài của các doanh nghiệp hiện nay đang ở mức độ báo động, không những ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động mà còn gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan bảo hiểm xã hội, cũng như các cơ quan quản lý lao động. Bà Trần Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương đã có cuộc trao đổi với Báo Công Thương về vấn đế này.

Cần có cơ chế giám sát doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội
Nọ đóng bảo hiểm xã hội tác động tiêu cực đến quyền lợi của người lao động

Thời gian qua, tình trạng các doanh nghiệp mất tích, ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản, giải thể có xu hướng tăng nhanh… nhưng nợ bảo hiểm xã hội thì chưa có văn bản hướng dẫn xử lý. Điều này dẫn đến tình trạng tiền nợ bảo hiểm xã hội cộng với tiền lãi chậm đóng hàng tháng phát sinh ngày càng cao nhưng không có cơ sở để giải quyết, gây nhiều bức xúc cho người lao động khi nghỉ việc. Bà đánh giá gì về thực tế này?

Nền kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế trong nước nói riêng đã và đang trong gia đoạn tổn thương sau đại dịch Covid-19. Trên thực tế, tình trạng các doanh nghiệp mất tích, ngừng hoạt động, chủ doanh nghiệp bỏ trốn, phá sản, giải thể đã tăng rất mạnh.

Đây là một tổn thương lớn, trước hết là với doanh nghiệp, sau đó là với người lao động và lớn hơn nữa là với nền kinh tế. Và trên thực tế trong số các doanh nghiệp này hiện trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là rất lớn và hậu quả là người lao động không dược hưởng những quyền lợi chính đáng từ an sinh xã hội khi mất việc làm.

Trong khi đó, hiện nay các cơ quan chức năng chưa có văn bản thống nhất hướng dẫn xử lý tình trạng nợ đóng bảo hiểm xã hội. Do chế tài xử lý nợ đóng hiểm xã hội chưa đủ mạnh nên dẫn tới tình trạng khó giải quyết dứt điểm các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Chính vì thiếu các chế tài xử lý nên việc nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp kéo dài phát sinh ngày càng nhiều, số tiền ngày càng lớn.

Vậy, cần giải pháp gì để hạn chế cũng như ngăn chặn tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động, theo bà?

Cần có cơ chế giám sát doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội
Bà Trần Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Đa Phương

Bảo hiểm xã hội là chính sách an sinh xã hội cơ bản của nhà nước, tình trạng nợ bảo hiểm xã hội kéo dài của các doanh nghiệp, không những gây hệ lụy trực tiếp đến người lao động mà còn gây rất nhiều phiền toái cho cơ quan bảo hiểm xã hội, các cơ quan quản lý lao động và gây bức xúc cho người lao động.

Trước hết, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa người lao động, tổ chức Công đoàn cơ quan, bảo hiểm xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội kể cả UBND tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đang hoạt động thường xuyên thanh kiểm tra, rà soát, kịp thời phát hiện những doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, qua đó yêu cầu doanh nghiệp truy nộp tiền bảo hiểm xã hội trước khi quá muộn.

Việc các doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội khiến người lao động khi chuyển nơi làm việc hoặc cần chốt lại thời gian để được hưởng chế độ chính sách gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, cơ quan chức năng cần có các chương trình hướng dẫn, khuyến cáo người lao động tự theo dõi quá trình đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên các cổng thông tin của Chính phủ để họ chủ động có ý thức bảo vệ quyền lợi của chính mình hạn chế rủi ro khi doanh nghiệp nợ, không đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Hiện tại các chế tài xử phạt đều đang chủ yếu phạt hành chính, thu phạt theo số chậm đóng truy thu và chưa có văn bản hướng dẫn xử lý. Vì thế, chúng ta cần có cơ chế giám sát hoạt động của doanh nghiệp trong việc nộp tiền bảo hiểm xã hội, qua đó có thể ngăn chặn từ sớm sự chậm trễ trong việc đóng tiền bảo hiểm xã hội.

Bên cạnh đó, cần có bộ phận chuyên trách xử lý công nợ bảo hiểm xã hội có thẩm quyền trong thu tiền bảo hiểm xã hội khi chủ doanh nghiệp bỏ trốn, trường hợp số nợ bảo hiểm xã hội phức tạp, nợ bảo hiểm xã hội rất lớn thì chuyển giao cho cơ quan Cảnh sát điều tra xác minh, khởi tố chủ doanh nghiệp về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “tội trốn đóng bảo hiểm xã hội”.

Ngoài ra, hiện tại pháp luật về thuế, chống trốn thuế, các biện pháp thu hồi thuế, các cơ quan thanh tra giám sát thuế cũng đã khá hiệu quả trong quá trình thực hiện. Theo đó, chúng ta có thể căn cứ theo phương án đã áp dụng với kiểm soát thuế để kiểm soát bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Các chế tài áp dụng với thu hồi nợ thuế cũng có thể áp dụng thu hồi nợ bảo hiểm xã hội.

Mặt khác, theo quan điểm của tôi ngoài các chế tài hành chính, trước khi đẩy đến việc chịu trách nhiệm hình sự chúng ta nên tính đến việc phong tỏa tài khoản, cưỡng chế thu hồi nợ bảo hiểm xã hội với các doanh nghiệp cố tình chây ỳ. Đồng thời phải có hướng dẫn cụ thể về cơ chế ưu tiên xử lý thu hồi đóng bảo hiểm đối với các doanh nghiệp thuộc diện ngừng hoạt động, phá sản, giải thể để đảm an sinh xã hội, duy trì ổn định trật tự xã hội.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã có nhiều văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị phối hợp đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương phối hợp thực hiện nghiêm các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, trong đó tập trung kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) 2015 đã bổ sung tội danh trốn đóng bảo hiểm xã hội. Bà đánh giá gì về nỗ lực bảo vệ quyền lợi của người lao động của cơ quan chức năng?

Đứng về phía người tư vấn luật, tôi ghi nhận những cố gắng của tập thể các cấp, các ngành, sự cố gắng của Chính phủ trong việc kiểm soát việc chậm, nợ trốn đóng cũng như vi phạm nghĩa vụ nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp. Tuy nhiên từ luật đến thực tiễn thực hiện cũng là một quá trình dài. Chúng ta cần những hướng dẫn cụ thể, cần các cơ quan chuyên trách, cần một bộ máy hiệu quả hơn trong quá trình thực hiện.

Đáng lưu ý, hiện tại Chính phủ đã và đang thực hiện số hóa toàn bộ các số liệu về bảo hiểm xã hội, đây là một trong những yếu tố cần để công khai thông tin hỗ trợ bộ máy quản lý thực hiện kiểm soát hiệu quả. Đây có lẽ là một tiền đề rất tốt để giám sát hiệu quả nghĩa vụ nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của các doanh nghiệp đối với các cấp, các ngành, người lao động.

Xin cảm ơn bà!

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương