Cần cơ chế 'mở' để tư nhân tham gia đầu tư công

(Banker.vn) Được đánh giá là động lực tăng trưởng kinh tế, nhưng giải ngân vốn đầu tư công tại Việt Nam những năm qua luôn đạt thấp hơn kế hoạch đề ra.
Thủ tướng chỉ đạo '6 rõ' trong giải ngân đầu tư công Thủ tướng truy vấn người đứng đầu 27 địa phương giải ngân thấp Đại biểu Nguyễn Thị Yến: Đầu tư công không thiếu vốn nhưng thiếu cơ chế rõ trách nhiệm

Giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp

Theo ông James Anderson - Chuyên gia trưởng Khu vực công, Ngân hàng Thế giới (WB): Năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam chỉ đạt 77,55% so với kế hoạch đề ra, trong khi đó các quốc gia có mức thu nhập cao thường đạt mức giải ngân vốn đầu tư công trên 96% kế hoạch đề ra.

Đầu tư công là động lực tăng trưởng năm 2025. Ảnh minh hoạ
Đầu tư công là động lực tăng trưởng năm 2025. Ảnh minh hoạ

4 tháng đầu năm, theo số liệu Bộ Tài chính công bố, giải ngân vốn đầu tư công là 128.512,9 tỷ đồng, đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Thấp hơn so với cùng kỳ năm 2024 khi tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 16,64% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Theo các chuyên gia kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò vô cùng quan trọng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030. Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã chỉ đạo quyết tâm đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công 100% trong năm 2025.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ cũng đã liên tục ban hành những văn bản, chính sách hỗ trợ. Các nội dung về đầu tư công cũng luôn được đưa vào chương trình làm việc của các phiên họp Thường trực Chính phủ, phiên họp Chính phủ thường kỳ, cuộc họp của các bộ, ngành thể hiện tính xuyên suốt và nhất quán trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành.

Tuy nhiên, đã đi hết 1/3 chặng đường của năm 2025, nhưng giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng giao, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, theo số liệu thống kê tính đến ngày 30/4/2025, còn 17 bộ, cơ quan trung ương và 21 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao với tổng số vốn gần 8 nghìn tỷ đồng, phải phân bổ hết trong tháng 5/2025. Có 37/47 bộ, cơ quan và 27/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình cả nước, trong đó một số đơn vị được giao số vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân thấp.

Tỉnh Bắc Ninh đẩy nhanh dự án đầu tư công từ quý I/2025
Đã đi hết 1/3 chặng đường của năm 2025, nhưng giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt 15,56% kế hoạch Thủ tướng giao. Ảnh minh họa

Gỡ nút thắt đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng kinh tế

Theo ông James Anderson, giải ngân vốn đầu tư công chịu tác động của nhiều chính sách, cơ quan liên quan.

Cụ thể hơn, chuyên gia WB cho rằng: “Mặc dù vốn đầu tư công được phân bổ theo Luật Đầu tư công, nhưng ngân sách thường xuyên được phân bổ theo Luật Ngân sách nhà nước”. Theo đó, việc giải ngân vốn đầu tư công thường không đạt được như kỳ vọng.

Tại báo cáo Việt Nam 2045 - Đột phá: Thể chế cho một tương lai thu nhập cao do WB vừa công bố mới đây cũng cho rằng, với thời gian chuẩn bị kéo dài, chất lượng chuẩn bị thấp và thủ tục rườm rà khi phải xử lý điều chỉnh dự án cũng là nguyên nhân dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp.

Báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình giải ngân vốn đầu tư công mới đây cũng nêu rõ, một số nhóm khó khăn ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm: Khó khăn về cơ chế, chính sách; phân bổ vốn chậm; tổ chức thực hiện còn vướng; nguồn thu ngân sách địa phương từ đất chưa đảm bảo theo dự toán; liên quan chương trình mục tiêu quốc gia, chưa ban hành quyết định điều chỉnh, hướng dẫn còn chậm và phức tạp. Cùng với đó, tâm lý e ngại ở địa phương và hạn chế về quỹ đất, định mức hỗ trợ thấp gây khó khăn cho triển khai và giải ngân.

Để giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất các giải pháp. Trong đó, với phần vốn đã được phân bổ, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, đồng thời chủ động rà soát, xử lý những vướng mắc phát sinh để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công.

Bên cạnh đó, những dự án quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp hoặc trải dài nhiều địa bàn cần được đặc biệt chú trọng trong công tác tổ chức và giám sát, tránh chậm trễ do điều kiện thi công, thiếu vật liệu hoặc vướng mắc hành chính. Đồng thời, việc theo dõi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cần được thực hiện sát sao theo từng tháng, từng quý, làm căn cứ điều chỉnh kế hoạch vốn phù hợp, ưu tiên cho các dự án cấp bách, có khả năng giải ngân cao.

Thừa nhận giải ngân vốn đầu tư công đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025 và cả giai đoạn 2026-2030, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng - cho rằng, cần tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia giải ngân vốn đầu tư công, trong đó đặc biệt cần tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 là 888.087,9 tỷ đồng. Cụ thể: Thủ tướng Chính phủ giao 825.922,3 tỷ đồng; phần vốn ngân sách địa phương tự cân đối, tăng so với kế hoạch Thủ tướng giao là 50.716 tỷ đồng; vốn kế hoạch từ các năm trước được phép kéo dài sang năm 2025 là 11.449,7 tỷ đồng.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục