Cán bộ thực thi yếu, sợ trách nhiệm là nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công không như kỳ vọng

(Banker.vn) Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2023 chưa thực sự tương xứng với những nỗ lực trong điều hành và kỳ vọng.
TP. Hồ Chí Minh quyết liệt các giải pháp “tăng tốc” giải ngân vốn đầu tư công Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: "Sửa một cái hàng rào cũng chờ vốn đầu tư công" Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư vùng dân tộc và miền núi chậm

Ngày 31/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Đầu tư công chưa như kỳ vọng

Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến 31/1/2023 là 539.276,51 tỷ đồng, đạt 80,63% kế hoạch, đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 78,08% kế hoạch và đạt 95,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Cán bộ thực thi yếu, sợ trách nhiệm là nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công không như kỳ vọng
Đại biểu Trần Khánh Thu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.

Năm 2023, Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm với tổng số vốn trên 700 nghìn tỷ đồng. Đây là tổng mức đầu tư rất lớn, tăng khoảng 140 nghìn tỷ đồng (tăng khoảng 25%) so với kế hoạch năm 2022 và tăng khoảng 260 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch năm 2021. Năm nay cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn còn lại thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Như vậy có thể thấy, khối lượng vốn cần giải ngân trong năm 2023 rất lớn.

Đại biểu Trần Khánh Thu - đoàn tỉnThái Bình cho rằng, từ báo cáo đã chỉ ra tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2023 đến hết 30/4 đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho danh mục nhiệm vụ dự án đạt 88,1% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao, ước giải ngân kế hoạch vốn đạt 15,65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2022 là 18,48%. Đại biểu Trần Khánh Thu cho rằng tỷ lệ này chưa thực sự tương xứng với những nỗ lực trong điều hành, kiểm tra và đôn đốc với quyết tâm rất cao của Chính phủ. Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn tới cú sốc tăng trưởng của những tháng đầu năm chưa được như kỳ vọng.

Năng lực cán bộ còn hạn chế

Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra trong phần nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và cũng đã được các đại biểu Quốc hội nêu. Trong đó có đề cập đến tình trạng cán bộ thực thi yếu, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc triển khai dự án chậm trễ, vốn đầu tư công không giải ngân được, các vướng mắc không được giải quyết.

Đại biểu Trần Khánh Thu nêu, vấn đề này Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có ý kiến trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan chức năng cần chấn chỉnh ngay tư tưởng bàn lùi, đùn đẩy, làm việc cầm chừng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các cấp.

Việc chậm giải quyết các thủ tục hành chính và chần chừ quyết định các công việc theo thẩm quyền đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị. Và nếu tình trạng đó kéo dài thì sẽ làm giảm hiệu lực quản lý của Nhà nước, giảm lòng tin của Nhân dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Cán bộ thực thi yếu, sợ trách nhiệm là nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công không như kỳ vọng
Đàu tư công chưa thực sự tương xứng với kỳ vọng

“Chúng ta cũng cần phải nhìn nhận lại vẫn là lực lượng cán bộ này đã làm nhiệm vụ nhiều năm nay, tại sao đến giờ mới có nhận định như vậy? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sợ trách nhiệm. Nguyên nhân khách quan là do quy định của pháp luật có những điểm thiếu cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và quy định cụ thể về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá và dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” - Đại biểu Thu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Đại biểu Trần Khánh Thu kiến nghị Quốc hội giao cho Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn các quy định rõ ràng của tự chủ trong y tế. Cần phân định rõ việc thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao với nhiệm vụ thiết yếu chăm sóc sức khỏe nhân dân thì Nhà nước vẫn cần phải đảm bảo kinh phí, chứ không làm sai lệch đi bản chất của tự chủ là chỉ cắt ngân sách khi phân bổ về cho các đơn vị...

Báo cáo giải trình những vấn đề mà đại biểu quan tâm liên quan đến lĩnh vực nội vụ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, thiếu trách nhiệm, sợ sai trong thực thi công vụ đã làm nóng nghị trường trong phiên thảo luận.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, hiện trạng này không chỉ diễn ra đơn lẻ mà diễn ra ở nhiều địa phương, cả một số bộ, ngành Trung ương, trong một bộ phận công chức, trong các hoạt động kinh tế - xã hội, thể hiện rõ nhất trên lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm trang thiết bị khu vực công, thủ tục hành chính đầu tư cho phát triển doanh nghiệp, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp... Tình trạng này đã làm chậm trễ và trì trệ hoạt động công vụ, bào mòn và làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, cản trở động lực và nguồn lực phát triển, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là về mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong bối cảnh đất nước chúng ta đang rất khó khăn hiện nay.

Đức Lâm

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục