Cấm du khách mang vàng mã ở Côn Đảo: Cần thiết nhưng phải có 1 lộ trình hợp lý, hợp tình

(Banker.vn) Việc hạn chế đốt vàng mã tại các di tích là điều cần thiết nhằm bảo vệ môi trường, tránh lãng phí song cũng cần có một lộ trình hợp lý, hợp tình.
Cận kề ngày Rằm tháng 7, “thủ phủ” vàng mã khu phố cổ Hà Nội vẫn ảm đạm Tục đốt vàng mã: Lưu giữ nét văn hóa tâm linh, đừng sa đà mê muội, lãng phí

Vào tháng 6/2023, UBND huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã ban hành kế hoạch: “Triển khai thực hiện chủ trương hạn chế tiến tới dừng dâng cúng, đốt vàng mã tại các điểm di tích, khu di tích trên địa bàn huyện Côn Đảo”.

Theo đó từ ngày 10/6/2023 - 10/9/2023 thực hiện tuyên truyền, quán triệt, vận động người dân và du khách hưởng ứng thực hiện. Từ ngày 11/9/2023 - 30/9/2023 hạn chế hướng tới dừng việc dâng cúng, đốt vàng mã tại các điểm di tích thuộc khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo.

Tới ngày 1/10/2023 sẽ thực hiện việc dừng dâng cúng, đốt vàng mã trong các điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo. Người dân và du khách sẽ không được mang vàng mã vào các di tích: Nghĩa trang Hàng Dương, Nghĩa trang Hàng Keo, Bia tưởng niệm di tích bãi sọ người, Bia tưởng niệm di tích Cầu Ma Thiên Lãnh, Bia tưởng niệm vượt ngục, Bia tưởng niệm cầu tàu 914, Đền thờ Côn Đảo…

Thực hiện quyết định này, từ 1/10, các điểm di tích ở Côn Đảo đã đặt biển thông báo “nhân dân và du khách không mang vào di tích”.

Cấm du khách mang vàng mã ở Côn Đảo: Cần thiết nhưng phải có 1 lộ trình hợp lý, hợp tình
Biển thông báo tại một di tích ở Côn Đảo

Nhiều ý kiến cho rằng, việc UBND huyện Côn Đảo thực hiện chủ trương dừng dâng cúng, đốt vàng mã tại các điểm di tích, khu di tích trên địa bàn huyện là điều cần thiết vì tránh lãng phí, tốn kém cho du khách, người dân sinh hoạt tín ngưỡng, giảm gây ô nhiễm không khí, môi trường; ảnh hưởng tới sức khoẻ con người và phòng tránh hỏa hoạn; ngoài ra có thể xuất hiện các hình thức mê tín dị đoan, sai lệnh lịch sử, tạo thông tin chưa đúng về di tích…

Tuy nhiên, việc thực hiện chủ trương này cũng cần dựa trên cơ sở của pháp luật và tình người.

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Huy Khang, ở góc độ văn hóa thì việc đốt vàng mã thể hiện sự thành kính, mong muốn sự ấm, no đối với người đã khuất. Nhưng đốt tượng trưng, đúng quy định thì tốt. Còn đốt nhiều thì sẽ gây tốn kém và nhiều hệ luỵ tới môi trường.

Và đã có rất nhiều người dân, du khách và các cấp chính quyền đều đồng thuận với việc hạn chế, tiến tới dừng hẳn việc đốt vàng mã tại khu di tích, cơ sở thờ tự, thậm chí ở nhà riêng.

Tuy nhiên, việc không cho du khách mang vàng mã vào khu di tích ở Côn Đảo từ 1/10/2023 cần xem xét đánh giá một cách toàn diện hơn vì 2 lẽ.

Thứ nhất, xét về mặt luật pháp, hiện chưa có văn bản nào quy định về việc cấm đốt vàng mã tại khu di tích/cơ sở thờ tự, hay trong gia đình. Hiện chỉ có quy định xử lý hành chính đối với hành vi đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích. Điều này được quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 19 Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP.

Cụ thể: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích; ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích.

Thứ hai, thời gian qua trên địa bàn huyện Côn Đảo, nghề buôn bán đồ lễ thờ cúng, trong đó có vàng mã phục vụ nhu cầu tâm linh của người dân và du khách trở nên khá phổ biến. Thậm chí, những hàng hoá này còn là nguồn kinh tế chính của nhiều hộ gia đình.

Nhiều tiểu thương cho biết, kinh tế của cả gia đình họ phụ thuộc vào việc bán đồ lễ tại cửa miếu, cho nên việc dừng cúng, đốt vàng mã ảnh hưởng rất lớn tới nguồn thu nhập. Trong khi, khách đến với Côn Đảo phần lớn là khách du lịch tâm linh. Nhiều người cũng lo ngại, việc không cho đốt vàng mã tại các điểm di tích có thể làm giảm lượng khách du lịch tín ngưỡng đến Côn Đảo.

Do vậy, một số hộ dân kiến nghị, UBND huyện cũng cần lắng nghe ý kiến người dân. Nên chăng thay vì cấm, địa phương có thể quy định và thiết kế một chỗ riêng hoặc hạn chế số lượng vàng mã quá lớn. Nếu làm được điều này, vừa không ảnh hưởng đến môi trường chung, vừa đảm bảo kế sinh nhai cho nhiều hộ kinh doanh.

Một số ý kiến khác cho rằng, hoạt động đốt vàng mã là quyền của mỗi người dân có tín ngưỡng, nếu muốn hạn chế hoặc dừng hẳn hoạt động này cần xây dựng lộ trình phù hợp, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để cả người kinh doanh lẫn du khách nâng cao nhận thức về ích lợi của việc dừng đốt vàng mã.

Cũng liên quan đến thông tin nêu trên, chiều 2/10, ông Lê Văn Phong, Bí thư kiêm chủ tịch UBND huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã trao đổi với cơ quan báo chí, trong đó khẳng định, từ 1-10 trở đi, huyện cùng các ngành, đơn vị vẫn tiến hành tuyên truyền, vận động người dân, du khách, tiểu thương thực hiện chủ trương trên. Sau thời gian này, huyện sẽ có kiểm tra, đánh giá lại.

Huyện không có thẩm quyền cấm mà chỉ tuyên truyền, vận động người dân hiểu ý nghĩa chủ trương trên. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, vận động cần tiến hành trong thời gian lâu dài, không chỉ ngày một, ngày hai...

Nguyên Vũ

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục