Bình Dương: Bắt 3 đối tượng lừa bán người qua Campuchia với giá 20-30 triệu đồng Hải Dương: Làm rõ vụ 3 nam thanh niên lừa bán 2 thiếu nữ vào quán karaoke |
Cái bẫy "việc nhẹ, lương cao"
Những chiêu trò quảng cáo: “việc nhẹ lương cao”; “lương cao, chi phí thấp, đi nhanh”, “không cần ngoại ngữ, không cần tay nghề”... là một trong những dấu hiệu nhận biết về doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân có mục đích lừa đảo lao động, vì trên thực tế không có công việc nào nhẹ nhàng mà lương cao. Tuy nhiên, hiện nay rất nhiều người dân lại mắc cái bẫy này để trở thành "miếng mồi ngon" cho các đối tượng lừa đảo trục lợi.
Ngày 19/10, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Mua bán người và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh. VKSND tỉnh Quảng Trị cũng đã có quyết định về việc chuyển vụ án hình sự, đồng thời chuyển hồ sơ và bàn giao 2 đối tượng Lò Văn Sanh (32 tuổi) và Lò Thị Sầu (39 tuổi, quê ở huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La) đến Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Trị để điều tra theo thẩm quyền.
Trước đó, ngày 28/6, BĐBP tỉnh Quảng Trị cùng chính quyền địa phương xã A Vao đã tiến hành tiếp nhận và đưa nạn nhân HTT (27 tuổi, trú tại xã Avao, huyện Đakrông) về đoàn tụ cùng gia đình sau 4 năm bị lừa bán sang Trung Quốc.
Theo đó, chị T đã gửi đơn tố giác một số đối tượng đã lừa gạt bán chị sang Trung Quốc từ năm 2019. Theo nội dung đơn tố giác, vào khoảng tháng 6/2019, T có quen biết với đối tượng Lò Văn Sanh. Sanh đã nhiều lần dụ dỗ T ra Sơn La làm việc với mức lương cao, do thiếu hiểu biết nên T đã đồng ý.
Sau khi đến huyện Phù Yên, T được chị gái của Sanh là Lò Thị Sầu đón và tiếp tục dẫn lên tỉnh Lạng Sơn vượt biên sang Trung Quốc. T đã bị bán cho một người đàn ông Trung Quốc. Đến khoảng tháng 6/2023, T bỏ trốn, trình báo cho Công an Trung Quốc và được giải cứu trở về Việt Nam.
Đối tượng Sanh và Sầu bị cơ quan chức năng đọc lệnh bắt giữ |
Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị cho biết, sau khi tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm của nạn nhân, BĐBP Quảng Trị nhận định đây là một vụ việc phức tạp, có dấu hiệu của tội phạm mua bán người xảy ra từ năm 2019, có nhiều đối tượng, xảy ra ở nhiều địa bàn khác nhau.
Vì vậy, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP tỉnh Quảng Trị) cùng với Đoàn 2 - Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng) xác lập chuyên án đấu tranh với đường dây mua bán người từ Việt Nam sang Trung Quốc.
Qua nhiều tháng kiên trì xác minh, theo dõi, đến ngày 7/10, Ban chuyên án đã triệu tập Lò Thị Sầu và Lò Văn Sanh để làm việc.
Quá trình làm việc, đấu tranh, với chứng cứ, tài liệu thu thập được, Sầu và Sanh đã thành khẩn, khai báo quá trình thực hiện hành vi phạm tội phù hợp, trùng khớp với nội dung tố giác của nạn nhân.
Các trường hợp được lực lượng chức năng Việt Nam và Lào phối hợp giải cứu đưa về địa phương |
Trước đó, sáng 14/9, BĐBP Quảng Trị cũng tiếp nhận thông tin cầu cứu của Ng.Đ.D (nam, 2002, trú Q. Cầu Giấy, Hà Nội) bị lừa xuất ngoại “việc nhẹ lương cao” nhưng kịp thời chạy thoát và đang trú ẩn tại địa bàn H.Sê Pôn (tỉnh Savannakhet, Lào). Trước thông tin này, Bộ đội Biên phòng Quảng Trị phối hợp với lực lượng chức năng huyện Sê Pôn, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Savannakhet tiến hành giải cứu nạn nhân. Đến khoảng 22 giờ ngày 14/19, nạn nhân đã được đưa về Việt Nam an toàn. Theo lời khai của nạn nhân, được giới thiệu đưa sang Thái Lan làm việc. Trên đường đi, khi đến địa bàn H.Sê Pôn (Savannakhet, Lào) thì D. phát hiện các đối tượng đang tìm cách đưa mình sang Thái Lan nhằm bán thận với giá 1 tỷ đồng. Sau khi trốn thoát khỏi nhóm đối tượng vào đêm 13/9, D. xin tá túc tại cây xăng thuộc huyện Sê Pôn và gửi thông tin về Việt Nam cầu cứu.
Cần cảnh giác, ngăn chặn sớm hành vi
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến người lao động Quảng Trị đã bị các đối tượng lừa đảo đưa sang các nước lân cận để làm các công việc bất hợp pháp. Nhiều vụ bẫy việc nhẹ lương cao được báo chí phản ánh, nhưng vẫn có nhiều lao động mắc bẫy và dẫn đến gây thiệt hại nặng cho người lao động.
Trong khi đó các đối tượng lừa đảo lại tung ra nhiều hình thức tinh vi mà người trẻ chưa đủ nhận thức, kinh nghiệm, năng lực để nhận diện được. Hình thức lừa đảo chủ yếu trên mạng và có sự lôi kéo từ người quen biết là một cách thức thường sử dụng nhất với những lời mời hấp dẫn.
Trước tình hình đó,vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cũng đã có văn bản đề nghị các đơn vị và địa phương quan tâm, phối hợp thực hiện ngăn chặn các hành vi lừa đảo mua bán lao động sang các nước lân cận để làm việc bất hợp pháp.
Cần cảnh giác với các hành vi "việc nhẹ, lương cao" |
Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị, tìm việc làm là nhu cầu chính đáng của mỗi người, thay vì tìm việc từ những trang mạng không tin cậy, để đảm bảo an toàn, người lao động hãy đến Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh để được tư vấn, hỗ trợ, giới thiệu đến các công ty được cấp phép. Tốt nhất là tìm việc ở các kênh chính thống như sàn giao dịch việc làm hoặc trực tiếp tại các công ty có uy tín và đủ tư cách pháp nhân. Chỉ có đơn vị sử dụng lao động có đăng ký kinh doanh mới có quyền đăng tuyển tìm kiếm người lao động.
Người lao động có nhu cầu đi làm việc tại nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp đưa lao động đi nước ngoài được cấp phép và tuyệt đối không thông qua trung gian. Người lao động nên tìm hiểu thông tin tuyển dụng lao động tại các đơn vị có giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua địa chỉ của Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc cơ quan quản lý lao động tại địa phương.
Thành Long
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|