Dẫn số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè đạt 17,7 nghìn tấn, trị giá 29,2 triệu USD, tăng 30,6% về lượng và tăng 29,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trong 2 tháng đầu năm 2024, giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.652,8 USD/tấn, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2023.
2 tháng đầu năm 2024, Pakistan là thị trường xuất khẩu chè số 1 của Việt Nam đạt 5,5 nghìn tấn, trị giá 10,9 triệu USD, tăng 2,9% về lượng và tăng 16,2% về trị giá so với cùng kỳ. Ảnh minh họa |
Về thị trường xuất khẩu, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu chè tới các thị trường chính đều tăng trưởng khả quan. Dẫn đầu là xuất khẩu tới thị trường Pakistan đạt 5,5 nghìn tấn, trị giá 10,9 triệu USD, tăng 2,9% về lượng và tăng 16,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023; tiếp theo là thị trường Đài Loan đạt 1,8 nghìn tấn, trị giá 2,8 triệu USD, tăng 21,8% về lượng và tăng 16,2% về trị giá; thị trường Hoa Kỳ đạt 1,2 nghìn tấn, trị giá 1,6 triệu USD, tăng 103% về lượng và tăng 105,1% về trị giá; Indonesia đạt 1,06 nghìn tấn, trị giá 1,06 triệu USD, tăng 9,2% về lượng và tăng 3% về trị giá...
Trong khi xuất khẩu chè sang các thị trường chính có xu hướng tăng trưởng khả quan, thì xuất khẩu chè tới một số thị trường khác lại giảm như: Nga, Ả rập Xê Út, Iraq...
Số liệu của Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chính sang thị trường Pakistan là: Chè; xơ, sợi dệt các loại; hạt tiêu; sắt thép các loại; hàng thủy sản; cao su; hạt điều; sắn và các sản phẩm từ sắn; sản phẩm hóa chất; sản phẩm sắt thép; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị; phương tiện vận tải...
Việt Nam nhập khẩu từ thị trường này các mặt hàng hóa như: Vải các loại; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày; xơ, sợi dệt các loại; dược phẩm; bông các loại...
Bà Nguyễn Thị Điệp Hà - Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, Pakistan là nước uống trà. Mức tiêu thụ trà bình quân đầu người của Pakistan là khoảng 1,5 kg/năm. Do vậy để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước, nước này có nhu cầu nhập khẩu một lượng lớn chè. Những năm qua, sản lượng chè Pakistan nhập khẩu từ Việt Nam đang tăng nhanh qua từng năm. Đáng chú ý, loại chè được xuất khẩu chủ yếu sang Pakistan là chè đen, đây cũng là loại chè xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với khoảng 80% tổng sản lượng xuất khẩu.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho rằng, mặc dù là một trong những thị trường lớn nhưng do nhiều rào cản, đặc biệt là rào cản về thiếu thông tin thị trường, doanh nghiệp chè Việt Nam khó tiếp cận và khó có những đơn hàng lớn với các doanh nghiệp Pakistan.
Chưa kể, trong năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường này sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức bởi kinh tế nước này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn đến từ sự bất ổn của chính sách, hệ thống hành chính phức tạp, chính sách hạn chế nhập khẩu...
Do đó, để mở rộng thị phần xuất khẩu hàng hóa vào Pakistan, Thương vụ Việt Nam tại nước này khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường, quảng bá giới thiệu hàng hóa, tìm kiếm cơ hội hợp tác giao thương thông qua các hội chợ, triển lãm quốc tế.
Thương vụ lưu ý, các doanh nghiệp nên tìm kiếm đối tác qua các kênh giao thương chính thống như: Tham gia chương trình xúc tiến thương mại, dự hội chợ, triển lãm quốc tế; tham gia vào các diễn đàn doanh nghiệp, các buổi giao thương trực tiếp hay qua giới thiệu từ các cơ quan xúc tiến thương mại.
Riêng đối với chè, bà Nguyễn Thị Điệp Hà khuyến cáo, các cơ quan trong nước khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển vùng trồng với các loại cây này để giữ ổn định sản lượng cung ứng; thành lập các hội và chi hội ngành hàng tại các địa phương để tránh bị ép giá.
Pakistan là thị trường không khắt khe về chất lượng, không có các quy định quá phức tạp về tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kiểm dịch động thực vật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn về lao động... Song hiện nay, tình hình an ninh, chính trị tại Pakistan rất phức tạp, và đang có nguy cơ phức tạp hơn nữa. Thêm vào đó, điều kiện đi lại giữa Việt Nam và Pakistan chưa thuận tiện, sự khác biệt về văn hóa... là những nhân tố cản trở doanh nghiệp Việt Nam đi Pakistan khảo sát thị trường, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm khách hàng.
Hoàng Giang
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|