Các “sếp” ngân hàng nói gì khi “thi nhau” tăng vốn điều lệ?

(Banker.vn) TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, các ngân hàng tiếp tục chịu áp lực tăng vốn trong giai đoạn tới. Các quy định về an toàn hoạt động kinh doanh ngân hàng trên thế giới đang theo hướng ngày càng thắt chặt và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó….

SSI hoàn tất tăng vốn điều lệ lên hơn 14.900 tỷ đồng

NHNN chấp thuận HDBank tăng vốn điều lệ thêm hơn 5.000 tỷ đồng

NHNN chấp thuận SHB tăng vốn điều lệ vượt 26.600 tỷ đồng

1020-minh-hoa-ngan-hang
Nhiều ngâng hàng tiến hành tăng vốn điều lệ (ảnh minh hoạ)

Ngày 8/8, HDBank chấp thuận tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm tối đa 5.030 tỷ đồng, nâng số vốn điều lệ của ngân hàng lên 25.503 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2022 thông qua.

Tương tự, SHB được chấp thuận tăng vốn lên gần 27.000 tỷ đồng; Nam A Bank được tăng lên gần 8.500 tỷ đồng; Kienlongbank được phép tăng lên 4.231 tỷ đồng...

Không chỉ có thế, trước đó nhà băng SeABank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ lần lượt từ 16.598 tỷ đồng lên trên 19.800 tỷ đồng và kế hoạch tăng lên 22.690 tỷ đồng trong năm nay để tiếp tục nâng cao năng lực tài chính. Tương tự, ACB được chấp thuận tăng vốn từ 27.019 tỷ đồng lên hơn 33.774 tỷ đồng qua chia cổ tức.

Trong kỳ ĐHĐCĐ thường niên của VPbank diễn ra tháng 4/2022 nhà băng này cũng lên kế hoạch tăng vốn từ mức 45.000 tỷ đồng (năm 2021) lên gần 80.000 tỷ đồng trong năm 2022.

Được biết, năm 2022, BIDV có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 10.623 tỷ đồng, lên mức 61.208 tỷ đồng, tương đương với mức tăng 21%. Vietcombank có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 8.566 tỷ đồng, từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng. VietinBank cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng, lên 53.751 tỷ đồng…

Trả lời với báo chí, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank.

Trước sự việc trên, nhiều chuyên gia cũng như các “cốp” của các nhà băng đều cho rằng việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết.

Theo ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, việc bổ sung vốn điều lệ là hết sức cần thiết để Agribank có thể duy trì được tăng trưởng tín dụng, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bởi thực tế hiện nay có ngân hàng thương mại cổ phần quy mô tín dụng bằng 1/4 so với Agribank, nhưng vốn điều lệ đã cao hơn Agribank. Trong khi đó, theo quy định, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) là 85%, với quy mô huy động vốn Agribank hiện tại phải duy trì trên 230.000 tỷ đồng không được cho vay.

Tương tự, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cũng cho biết, tăng năng lực tài chính là điều kiện tiên quyết đối với các tổ chức tín dụng để đáp ứng được các chỉ số an toàn và phát triển tín dụng phục vụ nền kinh tế. Áp lực tăng vốn khi tiếp tục thực hiện Basel II nâng cao, Basel III và đặc biệt trong giai đoạn 2022 - 2023, khi Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đòi hỏi duy trì mức tăng trưởng tín dụng cao.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV nhận định, các ngân hàng tiếp tục chịu áp lực tăng vốn trong giai đoạn tới. Các quy định về an toàn hoạt động kinh doanh ngân hàng trên thế giới đang theo hướng ngày càng thắt chặt và Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó.

Sau Basel III, Basel 3,5 đang hình thành chính thức và Basel IV đang được nghiên cứu xây dựng. Đối với các tổ chức tín dụng Việt Nam, dù vốn điều lệ của hệ thống tổ chức tín dụng tăng khá tốt các năm qua thông qua hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, nhưng áp lực tăng vốn vẫn kéo dài.

Khoản 34 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020 đã giải thích cụ thể về khái niệm vốn điều lệ là gì như sau:

"Vốn điều lệ là tổng giá trị tài sản do các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty đã góp hoặc cam kết góp khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.".

Theo đó, vốn điều lệ được hiểu là tổng giá trị tài sản đã đượp góp hoặc cam kết góp bởi các thành viên công ty, chủ sở hữu công ty khi thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; là tổng mệnh giá cổ phần đã bán hoặc được đăng ký mua khi thành lập công ty cổ phần.

Vốn điều lệ là yếu tố không thể thiếu trong cơ cấu vốn của doanh nghiệp. Vốn điều lệ có nghĩa ý quan trọng trong việc xác định tỷ lệ góp vốn của chủ sở hữu, các thành viên trong công ty. Từ đó, làm căn cứ để phân chia lợi nhuận, quyền và nghĩa vụ giữa các thành viên tham gia góp vốn.

Ngoài ra, vốn điều lệ đôi khi còn cho thấy quy mô, năng lực và vị trí của công ty trên thị trường. Đối tác khách hàng sẽ có thể tin tưởng, giao dịch với công ty đối tác có vốn điều lệ lớn.

Ngọc Huy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục