Các ngân hàng vừa cắt giảm lãi suất cho vay sẽ được hưởng lợi từ việc nới “room” tín dụng

(Banker.vn) SSI Research nhận định nhóm các ngân hàng thương mại mới thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn trong việc nới "room" tín dụng.

Loạt ngân hàng lỗ đậm từ đầu tư chứng khoán trong 9 tháng đầu năm

Dự thảo: Giao dịch từ 300 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước

Trong báo cáo thị trường tiền tệ tuần 29/11-2/12, Công ty CP Chứng khoán SSI cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức nới hạn mức tín dụng thêm 1,5 - 2%, tương đương với tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vào khoảng 15,5 - 16% so với cuối 2021, và tổng hạn mức tín dụng cho tháng 12 sẽ vào khoảng hơn 400.000 tỷ đồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Mặc dù tỷ lệ phân bổ về từng ngân hàng chưa được công bố, NHNN đã nêu nguyên tắc ưu tiên nới room tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có năng lực tài chính đảm bảo đạt các yêu cầu theo đánh giá của cơ quan quản lý, có thanh khoản tốt, lãi suất thấp hơn, hay các TCTD đang được giao hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng TMCP 0 đồng hay hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân.

Chuyên gia cho rằng điều này đồng nghĩa với việc nhóm các ngân hàng thương mại (NHTM) mới thực hiện việc cắt giảm lãi suất cho vay sẽ có lợi thế hơn.

Tuy nhiên, áp lực cho việc cân đối vốn từ phía các NHTM là rất lớn, trong bối cảnh thanh khoản trên hệ thống về trung hạn vẫn chưa được cải thiện nhiều do chênh lệch huy động vốn – tín dụng ở mức âm.

Nguồn: NHNN, SSI tổng hợp.
Nguồn: NHNN, SSI tổng hợp.

Cũng theo SSI Research, cần phải lưu ý rằng việc bổ sung thêm hạn mức tín dụng sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại, đến từ một số yếu tố sau:

Thứ nhất, theo thông tin từ NHNN, hạn mức tín dụng đã được phân bổ cho các NHTM là 14% và tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt 11,5% so với đầu năm. Do vậy, dư địa để các NHTM cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, tuy nhiên vấn đề phần nhiều đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới ra không.

Thứ hai, chênh lệch huy động vốn – tín dụng chưa có nhiều cải thiện và do đó, việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.

Đánh giá về tình hình thanh khoản trên hệ thống, theo SSI Research đã có tín hiệu dịu lại về cuối tháng, nhờ các nghiệp vụ thị trường mở được điều tiết linh hoạt cũng như các doanh nghiệp phát hành đã phần nào giải quyết tạm thời các vấn đề liên quan đến việc gia hạn/giãn/cơ cấu lại trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn tiếp tục xu hướng tăng trong tháng. Tính đến hiện tại, mức lãi suất phổ biến cho kỳ hạn trên 6 tháng ở các NHTMCP đã được đẩy lên vùng 8,5 – 9,5%/năm và chưa tính đến các mức khuyến mãi tăng thêm dành cho những khoản tiền gửi giá trị lớn.

Nhìn chung, lãi suất huy động đã tăng khoảng 350 – 400 điểm cơ bản so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và mức này cũng đã cao hơn so với thời điểm trước Covid. Tuy nhiên, áp lực đối với lãi suất thị trường 1 vẫn còn khá cao khi số liệu mới nhất về tăng trưởng tín dụng và huy động từ NHNN (tính đến cuối tháng 10) vẫn chưa cho thấy sự cải thiện đáng kể trong chênh lệch huy động – tín dụng của nền kinh tế.

Ngược lại, đà tăng của lãi suất cho vay phần nào chậm hơn, hay thậm chí còn giảm nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của NHNN về triển khai các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển nền kinh tế.

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán