Các ngân hàng trung ương thế giới đẩy mạnh tích trữ vàng

(Banker.vn) Các ngân hàng trung ương trên thế giới được cho đang đẩy mạnh việc tích trữ vàng khi họ tìm cách giảm “sự tập trung quá mức” vào dự trữ đồng USD.
Giá vàng hôm nay 11/12/2023: Vàng tiếp tục xu hướng giảm Vàng trong nước tiếp tục rớt giá, vàng nhẫn lùi dần về mốc 62 triệu đồng/lượng Giá vàng sẽ tăng đến 75 triệu đồng/lượng trong tuần này?

Vàng là tài sản chống lại rủi ro

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương đã trở thành những người mua vàng ròng nhiều nhất và duy trì vị thế này kể từ đó đến nay. Vàng cũng được coi là giải pháp thay thế an toàn cho các loại tiền dự trữ như đồng USD, euro và yên Nhật nhờ tính thanh khoản, phổ biến cùng khả năng giữ giá.

Theo báo cáo của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), trong tháng 10, các ngân hàng trung ương thế giới đã mua thêm tổng cộng 42 tấn vàng.

vang

Vàng từ lâu đã được coi là một tài sản đáng tin cậy

Nhà phân tích Krishan Gopaul của WGC lưu ý con số này thấp hơn 41% so với khối lượng cập nhật trong tháng 9 (71,6 tấn), nhưng vẫn cao hơn 23% so với khối lượng trung bình hàng tháng trong năm nay.

Trung Quốc vẫn là nước mua lớn nhất trong tháng 10 với 23 tấn, đây là tháng thứ 12 liên tiếp nước này tăng dự trữ vàng. Tổng cộng, kể từ đầu năm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã mua 204 tấn, nâng tổng dự trữ vàng lên 2.215 tấn.

Bất chấp PBoC mạnh tay mua vàng, dự trữ vàng vẫn chỉ chiếm khoảng 4% tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc”, WGC cho biết.

Ngoài ra, vào tháng 10, Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng dự trữ thêm 18,5 tấn vàng, mặc dù do doanh số bán ra đáng kể trong tháng 3 - tháng 5, nhưng quốc gia này vẫn là quốc gia bán ròng trong 10 tháng.

Những khách hàng mua vàng lớn trong tháng 10 còn có Ba Lan (6,2 tấn), Ấn Độ (2,8 tấn), Cộng hòa Séc (1,9 tấn), Kyrgyzstan và Qatar (mỗi nước 1,1 tấn). Trong vòng 10 tháng đầu năm, Ba Lan bổ sung thêm 100 tấn vàng, nâng dự trữ kim loại quý này lên 340 tấn.

Theo ông Gopaul, khối lượng bán vàng trong tháng 10 cao hơn so với tháng 8 và tháng 9. Vàng được bán chủ yếu bởi Uzbekistan (10,6 tấn) và Kazakhstan (1,6 tấn).

Thậm chí trước tháng 10, chúng tôi đã dự báo rằng năm 2023 sẽ là một năm mua ròng vàng đáng kể của các ngân hàng trung ương trên thế giới”, WGC thông báo.

Nhu cầu vàng đã và đang ổn định trong suốt cả năm qua với lợi suất tốt từ lãi suất cao và đồng USD mạnh. Trong tương lai, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và dự báo về việc các ngân hàng trung ương tiếp tục gom vàng, nhu cầu đối với kim loại quý này có thể vượt mong đợi”, ông Louise Street, một chuyên gia của WGC nhận định.

Nhu cầu được dự báo sẽ tăng cao

Giá vàng có khả năng tăng cao hơn nữa khi các quốc gia phương Tây dự kiến sẽ bơm thêm tiền mặt và giảm lãi suất ngân hàng vào năm tới sau chu kỳ thắt chặt kéo dài nhằm ngăn chặn việc nền kinh tế hạ cánh khó khăn trong bối cảnh triển vọng toàn cầu ngày càng tồi tệ do các cuộc xung đột Nga-Ukraine và Israel-Hamas.

vang

Giá vàng thế giới liên tục tăng cao trong bối cảnh xung đột leo thang ở Trung Đông

Giá vàng có thể vượt mốc 2.000 USD/ounce trong ngắn hạn nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang. Ngoài ra, nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tạm dừng việc tăng lãi suất hoặc giảm khả năng tăng lãi suất trong tương lai, điều đó sẽ có lợi hơn nữa cho giá vàng”, ông Ryan McIntyre, chuyên gia quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Công ty quản lý tài sản Sprott Asset Management nhận định.

Ông Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao về thị trường vàng Kitco Metals cho rằng, vàng sẽ giảm trở lại nếu tình hình ở Trung Đông giảm bớt. Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết thị trường đang dự kiến tình hình sẽ tiếp tục leo thang.

Trong khi đó, nhà phân tích Fawad Razaqzada của Công ty tài chính City Index lại có quan điểm thận trọng hơn khi nhận định, với tỷ giá đồng USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ còn giữ xu hướng tăng, giá vàng đối mặt với rủi ro sụt giảm bất kỳ lúc nào.

Thanh Bình (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương