Các ngân hàng lớn nhất Mỹ làm ăn ra sao trong quý cuối năm 2023?

(Banker.vn) Triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng năm 2024 đương đầu với rủi ro địa chính trị và kịch bản FED hạ mạnh lãi suất cơ bản đồng USD.
mynganhangnytimes.jpg
Các ngân hàng Mỹ trong cuộc điều trần mới nhất trước Quốc hội Mỹ - Ảnh: NyTimes

Nhóm các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ công bố lợi nhuận cao trong bối cảnh lãi suất cơ bản đồng USD Mỹ vẫn ở ngưỡng cao. Trong quý gần nhất, các ngân hàng đã phải dành ra hàng tỷ USD dự phòng cho quỹ bảo hiểm tiền gửi, trước đó quỹ này đã cạn kiệt do cuộc khủng hoảng trong nhóm các ngân hàng quy mô trung bình.

Mới đây, một loạt các ngân hàng bao gồm JPMorgan Chase, Bank of America và Wells Fargo công bố lợi nhuận cao vượt kỳ vọng.

Trong quý IV/2023, Citigroup công bố thua lỗ ròng 1,8 tỷ USD, trong khi đó cùng kỳ năm trước Citigroup lãi 2,5 tỷ USD. Citigroup từng cảnh báo về kịch bản thua lỗ này trước đó. Theo lý giải của Citigroup, nguyên nhân thua lỗ này là do ngân hàng phải tăng chi phí để xử lý việc rút hoạt động khỏi một số nước như Nga và Argentina.

Vào ngày thứ Sáu, Citigroup công bố kế hoạch cắt giảm khoảng 10% tổng nhân sự, tương đương khoảng 20.000 người, đây là một phần trong chương trình tái cơ cấu mà ngân hàng đang triển khai.

Trong quý cuối cùng của năm 2023, Ngân hàng JP Morgan kiếm được 9,3 tỷ USD tương đương 3,04USD/cổ phiếu, mức lợi nhuận này thấp hơn khá nhiều so với con số 11 tỷ USD cùng kỳ năm trước. Doanh thu của ngân hàng trong quý IV/2023 đạt 38,6 tỷ USD, cao hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.

Không giống với các nhà quản lý cấp cao tại Bank of America và Wells Fargo, những người lạc quan về triển vọng kinh tế Mỹ, Giám Đốc điều hành của JP Morgan – ông Jamie Dimon cảnh báo các chính trị gia và nhà đầu tư có thể đánh giá thấp những thách thức trong tương lai.

Trong tuyên bố sau khi ngân hàng công bố lợi nhuận, ông Dimon nói đến căng thẳng Nga – Ukraine và Trung Đông, quá trình cải tổ cơ sở hạ tầng tại Mỹ cũng như chi phí y tế leo thang sẽ là những yếu tố quan trọng có thể gây ra lạm phát. Chính vì vậy không loại trừ khả năng lãi suất sẽ vẫn duy trì cao hơn so với kỳ vọng của nhà đầu tư ở hiện tại.

Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã khiến cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ phải chấp nhận môi trường lãi suất cao nhất trong hơn 20 năm. Lãi suất tăng cao gây ra cuộc khủng hoảng trong nhóm các ngân hàng quy mô tầm trung, đã có một số hàng đóng cửa.

Các quan chức liên bang đã phải sử dụng quỹ bảo hiểm tiền gửi của chính phủ để chi trả cho người gửi tiền, giờ đây họ đang thu lại ước tính khoảng 16,3 tỷ USD để bù đắp cho quỹ này, nhóm các ngân hàng lớn nhất Mỹ phải chi trả nhiều nhất.

Lợi nhuận của Bank of America giảm bởi phải chi ra 2,1 tỷ USD cho quỹ xử lý khủng hoảng ngân hàng của chính phủ, ngoài ra là một số khoản chi hàng tỷ USD khác.

Ngân hàng Wells Fargo kiếm được 3,4 tỷ USD lợi nhuận trên doanh thu 20,4 tỷ USD, cả mức lợi nhuận và doanh thu đều cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Wells Fargo chi ra 1,9 tỷ USD cho quỹ xử lý khủng hoảng của chính phủ.

Lãi suất cao đã đẩy tăng lợi nhuận của các ngân hàng, nhiều nhà điều hành ngân hàng cũng đang chuẩn bị cho cả ảnh hưởng từ việc FED dự kiến sẽ hạ lãi suất trong năm nay. Wells Fargo công bố thu nhập lãi ròng sẽ có thể giảm ít nhất 7% trong năm nay.

Giám đốc điều hành của Wells Fargo, ông Charlie Scharf cho biết, hoạt động kinh doanh của ngân hàng nhạy cảm với lãi suất cũng như “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ, tuy nhiên chất lượng tín dụng hiện vẫn ở ngưỡng tốt.

Đăng Tuấn

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục