Các khoản cho vay mới trong tháng 7 của các ngân hàng Trung Quốc sụt giảm, tăng trưởng tín dụng suy yếu thêm

(Banker.vn) Các khoản cho vay mới của các ngân hàng Trung Quốc đã giảm trong tháng 7 và các thước đo tín dụng quan trọng khác cũng suy yếu, ngay cả sau khi các nhà hoạch định chính sách cắt giảm lãi suất và hứa sẽ tung ra nhiều hỗ trợ hơn cho nền kinh tế đang chững lại.

Dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) ngày 11/8 cho thấy, các ngân hàng Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay mới với tổng giá trị là 345,9 tỷ Nhân dân tệ (47,8 tỷ USD) trong tháng 7, giảm tới 89% so với tháng 6. Đây là mức thấp nhất kể từ cuối năm 2009 và thấp hơn nhiều so với dự báo của các nhà phân tích.

Mặc dù hoạt động cho vay ở Trung Quốc thường có xu hướng giảm trở lại vào tháng 7 vì lý do mùa vụ, song các chỉ số tín dụng yếu công bố sau khi các dữ liệu khác cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới rơi vào tình trạng giảm phát vào tháng trước trong khi xuất - nhập khẩu giảm mạnh, gây thêm áp lực buộc Bắc Kinh phải tung ra các biện pháp kích thích mạnh mẽ hơn.

"Tăng trưởng cho vay của các ngân hàng ở Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 tháng, trong khi tăng trưởng tín dụng chung giảm xuống mức thấp kỷ lục", Capital econom cho biết trong một lưu ý cho khách hàng.

Chúng tôi kỳ vọng lãi suất chính sách sẽ tiếp tục được cắt giảm (ngay vào thứ Ba tới, ngày 15/8 - PV) và có sự tăng trưởng mạnh trong các đợt phát hành trái phiếu chính phủ vào những tháng tới, nhưng nếu tâm lý doanh nghiệp và hộ gia đình không được cải thiện hơn nữa, thì có thể sẽ không giúp tăng trưởng tín dụng nhiều."

Động lực kinh tế của Trung Quốc đã chững lại trong những tháng gần đây do bị cản trở bởi nhu cầu trong và ngoài nước yếu mặc dù tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh trong nửa đầu năm.

Dữ liệu của PBOC cũng cho thấy, các khoản vay hộ gia đình, chủ yếu là thế chấp, đã giảm 200,7 tỷ Nhân dân tệ trong tháng 7, sau khi tăng 963,9 tỷ Nhân dân tệ trong tháng 6, do khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản ngày càng sâu sắc, trong khi các khoản vay doanh nghiệp giảm xuống 237,8 tỷ Nhân dân tệ vào tháng 7, từ 2,28 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong tháng 6.

Hồi cuối tháng 7, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc đã cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh quá trình phục hồi sau COVID gặp nhiều khó khăn, sau đó là một loạt các cam kết tương tự từ các cơ quan chính phủ khác nhau. Nhưng các chi tiết cho đến nay vẫn còn rất ít, khiến các nhà đầu tư thất vọng.

Các quan chức ngân hàng trung ương đã cam kết sử dụng các công cụ chính sách như cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) để đảm bảo thanh khoản dồi dào ở mức hợp lý.

Cầu tín dụng yếu

PBOC đã cắt giảm lãi suất cho vay chuẩn vào tháng 6 ở mức khiêm tốn 10 điểm cơ bản, lần giảm đầu tiên trong 10 tháng qua. Một số nhà phân tích dự đoán sẽ có thêm các đợt cắt giảm nhỏ nữa trong năm nay, nhưng cũng cho rằng điều đó không giúp nhiều để có thể xoay chuyển tình trạng bất ổn kinh tế một cách nhanh chóng chừng nào người tiêu dùng và các công ty vẫn không có tâm trạng đi vay.

"Dữ liệu cho vay kém phản ánh nhu cầu tài chính yếu từ nền kinh tế thực." Luo Yunfeng, một nhà kinh tế tại Huajin Securities nhận định. "Thật không tốt khi ép các công ty vay tiền khi mà họ không cần."

Một số nhà kinh tế đã cảnh báo nguy cơ suy thoái bảng cân đối kế toán, khi các hộ gia đình và công ty tư nhân Trung Quốc tập trung tích lũy tiền tiết kiệm, đồng thời giảm vay và chi tiêu sau ba năm thực hiện các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt do COVID.

Dự kiến sẽ có thêm các gói kích thích tài chính, chính quyền địa phương - nhiều trong số đó có số nợ lớn - được yêu cầu tăng tốc phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Theo dữ liệu của PBOC, cung tiền M2 đã tăng 10,7% trong tháng 7 so với một năm trước đó, giảm so với mức 11,3% trong tháng 6 và là tốc độ chậm nhất kể từ tháng 4/2022.

Dư nợ cho vay bằng Nhân dân tệ tăng 11,1% trong tháng 7 so với năm trước, mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, so với mức tăng 11,3% của tháng trước.

Tăng trưởng tổng tài chính xã hội (TSF) hằng năm, một thước đo phổ biến về tín dụng và thanh khoản trong nền kinh tế, cũng hạ nhiệt xuống 8,9% trong tháng 7, từ mức 9,0% trong tháng 6.

TSF bao gồm các hình thức tài trợ ngoại bảng nằm ngoài hệ thống cho vay ngân hàng thông thường, chẳng hạn như phát hành lần đầu ra công chúng, khoản vay từ các công ty ủy thác và bán trái phiếu.

Vào tháng 7, TSF đã giảm mạnh xuống còn 528,2 tỷ Nhân dân tệ từ mức 4,22 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong tháng 6.

(Nguồn: Reuters)

Hải Yến

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục