Hồi đầu năm, dù nhận định thị trường khó bứt phá mạnh mẽ như năm 2021, song hàng loạt dự báo của các công ty chứng khoán đều đồng thuận với kịch bản VN-Index lên mức đỉnh cao 1.700 – 1.900 điểm trong năm 2022. Hy vọng nhiều và thất vọng càng lớn khi từ tháng 4 với mức đỉnh 1.524 điểm, VN-Index đã quay đầu lao dốc, thậm chí còn đánh mất ngưỡng 1.100 điểm. Những dự báo điều chỉnh của các công ty chứng khoán dường như cũng không thể theo kịp đà giảm của VN-Index.
Mới nhất, Chứng khoán KBSV một lần nữa điều chỉnh vùng điểm hợp lý của chỉ số VN-Index xuống mức 1.330 điểm thời điểm cuối năm 2022 do trong 3 tháng cuối năm thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhiều biến động trước những rủi ro của thế giới. Mức dự báo này giảm khá mạnh so với con số 1.760 điểm trong kịch bản báo cáo hồi đầu năm.
Trước đó, cuối tháng 2, KBSV đã từng điều chỉnh vùng điểm hợp lý chỉ số VN-Index cuối năm 2022 xuống 1.680 điểm. P/E mục tiêu 2022 của VN-Index cũng điều chỉnh giảm xuống 16,5 lần (từ 17,5 lần), cũng như hạ dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX xuống 15,1% (từ mức 15,7%) để phản ánh một số rủi ro vĩ mô gia tăng.
Tương tự, Chứng khoán ACBS cũng đã 2 lần thay đổi mức dự báo. Lần đầu là vào cuối tháng 6 với mức dự báo VN-Index hạ xuống còn 1.450 - 1.660 điểm trong năm 2022, giảm đáng kể như kỳ vọng trên 1.700, thậm chí là tới 2.000 điểm hồi tháng 1, với luận điểm sự bất ổn và sợ hãi tiếp tục bao trùm các thị trường toàn cầu do lo ngại gia tăng về lạm phát sẽ dẫn đến thu nhập giảm so với kỳ vọng và định giá thị trường giảm do sự thờ ơ của nhà đầu tư.
Và trong báo cáo mới nhất, ACBS tiếp tục nhận định chỉ số VN-Index có thể giao dịch ở mức 13,7 lần (thấp hơn khoảng 1 độ lệch chuẩn so với mức trung bình 3 năm) và kịch bản được hạ xuống khoảng 1.400 điểm vào cuối năm 2022 dù triển vọng tăng trưởng lợi nhuận vẫn duy trì ở mức 19%. Trong kịch bản bi quan, ACBS cho rằng VN-Index sẽ gặp khó và kết thúc giao dịch ở mức 12,5 lần lợi nhuận, dừng quanh mức 1.200 điểm.
Hay như Chứng khoán EVS cũng điều chỉnh giảm dự báo VN-Index cuối năm xuống khoảng 1.270 - 1.514 điểm. So với kịch bản cơ sở đầu năm đưa ra là 1.663 điểm, con số đã giảm khoảng 150 điểm. Trong trường hợp các yếu tố xấu đi, chỉ số chỉ duy trì ở mức 1.207 điểm, P/E quay về vùng 10,36 (-2 độ lệch chuẩn) và tăng trưởng lợi nhuận 22%.
Với kỳ vọng chỉ số VN-Index sẽ dần lấy lại động lực trong những tháng tới khi thị trường vốn ổn định về mặt pháp lý và bức tranh lạm phát trở nên rõ ràng hơn, Maybank Investment Bank dự báo cuối năm VN-Index đạt 1.550 điểm, thấp hơn kịch bản 1.800 điểm đưa ra trước đó.
Ngay cả VNDirect cũng thay đổi trước những diễn biến của thị trường với dự báo VN-Index sẽ duy trì ở ngưỡng 1.330 – 1.500 điểm, giảm hơn 200 điểm so với dự báo đầu năm.
Trước mắt, sau những biến động mạnh của VN-Index từ những phiên đầu tháng 10, có lẽ điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất ngay lúc này chính là diễn biến của thị trường sẽ ra sao. Bởi lẽ những thống kê lịch sử cho thấy, thường trong tháng 10, VN-Index sẽ nghiêng về khả năng tăng điểm, song với những diễn biến đang xảy ra, có lẽ mọi thứ sẽ xoay chiều.
Trong báo cáo mới phát hành, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định vẫn còn nhiều yếu tố cần chú ý tại ba nền kinh tế lớn là Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu có thể tác động với Việt Nam. Đồng thời BSC cũng đưa ra hai kịch bản cho thị trường trong tháng 10.
Với kịch bản tích cực, tâm lý nhà đầu tư có thể ổn định trở lại sau chuỗi giảm điểm kéo dài trong tháng 9 kết hợp với lực cầu tham gia tốt khi chỉ số và các nhóm cổ phiếu đã ở vùng định giá hấp dẫn. Thanh khoản dự báo dao động ở mức 0,7 đến 0,9 tỷ USD/phiên (16.000 - 20.700 tỷ đồng/phiên)
Bên cạnh đó, khối ngoại cũng có thể thu hẹp tốc độ bán ròng bên cạnh các yếu tố vĩ mô của nền kinh tế tiếp tục duy trì tín hiệu khởi sắc. Các biện pháp bình ổn giá cả, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và tiến trình triển khai gói phục hồi phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng sẽ hiệu quả, thực chất hơn so với giai đoạn trước đó.
“VN-Index có thể quay trở lại vùng 1.150-1.180 điểm nhưng thị trường được dự báo sẽ phân hóa khi các doanh nghiệp bắt đầu công bố kết quả kinh doanh quý III”, báo cáo nêu.
Chiều ngược lại, nếu tâm lý bi quan và tiêu cực về nỗi lo suy thoái kinh tế thế giới cũng như các thông tin không mấy tích cực xuất hiện nhiều hơn có thể khiến hoạt động rút vốn khỏi thị trường tiếp tục diễn ra để hướng đến các kênh tài sản ít rủi ro hơn.
Trong khi đó, các NHTW vẫn chưa phát ra tín hiệu dừng lãi suất trong công cuộc chống lạm phát. Và điều này sẽ khiến xu hướng bán ròng của khối ngoại có thể sẽ tiếp diễn trong quý IV/2022 khi mà trong quý III họ đã quay lại bán ròng hơn 3.000 tỷ đồng tại thời điểm thị trường giảm sâu.
Bên cạnh đó, dấu hiệu khởi sắc từ nền kinh tế Trung Quốc chưa thực sự rõ rệt. Mặt khác, căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine đang bước vào giai đoạn mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ngờ tác động tiêu cực đến thế giới.
“Dự báo VN-Index dao động trong vùng 1.000 - 1.050 điểm, tương ứng mức chiết khấu tới hơn 130 điểm trong tháng 10”, báo cáo chỉ rõ.
Tuy nhiên, với kỳ vọng kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp cùng câu chuyện lạm phát hạ nhiệt. Đặc biệt, tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam vẫn đạt hơn 13%, cao hơn cả dự báo trước đó của các tổ chức tài chính. Nhiều ý kiến cho rằng VN-Index sẽ lạc quan hơn trong tháng 10, sau khi VN-Index đã lùi hẳn về nền cứng 1.000 - 1.025 điểm.
VDSC kỳ vọng, khi thông tin kết quả kinh doanh quý III/2022 dần hé lộ trong tháng 10, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có nhịp hồi phục nhờ những nhóm ngành và cổ phiếu có kết quả kinh doanh tích cực.
“Đây là kịch bản có xác suất xảy ra cao hơn”, ông Nguyễn Trọng Đình Tâm, Phó Giám đốc Chiến lược đầu tư của SSI Research nhận định.
Nguyên Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|