Các cổ phiếu "siêu trụ" cũng đang rất "chật vật", cửa sáng nào cuối năm?

(Banker.vn) Những cổ phiếu thuộc bộ ba nhóm này đã giảm về mức giá khá hấp dẫn. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, vẫn còn khá nhiều yếu tố ảnh hưởng khiến cổ phiếu thuộc những nhóm này khó bứt phá trong những tháng cuối năm.

Phiên giao dịch ngày 12/10, VN-Index hồi phục gần 28 điểm về mốc 1034.81 với đầu tàu kéo là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Theo sau là nhóm cổ phiếu chứng khoán, và nhóm thép cũng ghi nhận diễn biến tích cực, thậm chí cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát) và HSG (Tập đoàn Hoa Sen) còn tăng kịch khung. Tuy nhiên, nhìn chung nhiều tháng qua, sự đồng thuận tăng của nhóm này gần như không có, thậm chí 3 nhóm cổ phiếu này còn không ngừng lao dốc, gây tiêu cực cho thị trường chung.

Đáng buồn có thể nhắc tới là nhóm thép. Từ tháng 10/2021 trở lại đây, nhóm cổ phiếu này không ngừng “mò đáy”. Đặc biệt, cổ phiếu “quốc dân” HPG còn “trôi” về đáy 23 tháng (tính theo giá điều chỉnh) và bật khỏi Top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán (TTCK) và đang giao dịch ở mức giá 1x.

Các cổ phiếu

Mặc dù trong một vài phiên, nhóm cổ phiếu này với các mã HPG, HSG, NKG (Thép Nam Kim) dẫn đầu có tăng điểm trở lại ở mức khá mạnh nhưng rồi ngay sau đó, nhóm này lại vội vàng thoái trào. Chính sự thiếu ổn định trong đà tăng, hay nói cách khác nhóm thép vẫn chưa thể hồi phục là một trong những yếu tố lớn ảnh hưởng đến TTCK thời gian qua.

Tương tự, tại nhóm chứng khoán, diễn biến kém tích cực của TTCK thời gian qua đã khiến giá cổ phiếu nhóm này mất đi “đòn bẩy” bứt phá.

Cụ thể, trong tháng 9, thanh khoản trên HoSE ghi nhận giá trị bình quân phiên lần lượt đạt trên 13.396 tỷ đồng và 527,18 triệu cổ phiếu, tương ứng giảm 14,16% về giá trị bình quân và 15,90% về khối lượng bình quân so với tháng 8. Bên cạnh đó, số lượng mở mới của nhà đầu tư cá nhân trong nước đạt 102.144 tài khoản, giảm 33% so với tháng trước đó – con số thấp nhất kể từ tháng 7/2021.

Có thể thấy, sau chuỗi điều chỉnh sâu từ đầu năm tới nay, hiện thị giá cổ phiếu nhóm chứng khoán đều đã mất sạch thành quả suốt từ đầu năm 2021. Ngay cả cổ phiếu đầu ngành SSI đã giảm về 16.200 đồng/cp (phiên 11/10), tương đương mất gần 68% kể từ đỉnh cuối tháng 11/2021. Thời điểm gần nhất thị giá SSI rơi về vùng giá này là giữa tháng 12/2020, tương ứng cách gần 22 tháng.

Cuối cùng là nhóm cổ phiếu ngân hàng với số vốn chiếm đến khoảng 40% vốn hóa cả thị trường. Trước đó, đầu năm 2022, nhóm cổ phiếu này đã tăng khá mạnh, thậm chí nhiều cổ phiếu ngân hàng còn tăng giá vượt đỉnh, giúp cân với đà giảm của cả thị trường, nhờ đó VN-Index không bị giảm sâu trong những phiên thị trường giảm điểm.

Tuy nhiên, chuỗi giảm điểm kéo dài thời gian qua đã khiến nhiều mã miệt mài lao dốc, có những mã “quốc dân” một thời đã giảm hơn 50% giá trị (tính theo giá đã điều chỉnh). Tính riêng trong 5 phiên bán ròng liên tiếp gần đây (6-11/10), tổng giá trị bán ròng tại nhóm ngân hàng là gần 716 tỷ đồng.

Chẳng hạn như cổ phiếu từng được nhà đầu tư ưa thích như TCB (Techcombank) cũng đã về giao dịch ở mức 24.000 đồng/cp (phiên 11/10) - vùng giá thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Nếu cổ đông nào lỡ mua cổ phiếu này tại đỉnh giá tháng 7/2021 thì hiện đã lỗ gần 60% danh mục đầu tư.

Khó bứt phá trong những tháng cuối năm?

Nhìn chung, những cổ phiếu thuộc bộ ba nhóm này đã giảm về mức giá khá “hời”. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, vẫn còn khá nhiều yếu tố ảnh hưởng khiến cổ phiếu thuộc những nhóm này khó bứt phá trong những tháng cuối năm.

Nhóm thép, việc giải ngân đầu tư công là yếu tố chính mang lại kỳ vọng cho nhóm này. Song giá thép quay đầu giảm sau khoảng thời gian tăng “nóng” được cho là sẽ ảnh hưởng tới lợi nhuận nhóm ngành. Trong khi đó xung đột Nga – Ukraine chưa có tín hiệu tích cực, đồng nghĩa với việc chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ còn chịu tác động.

Thực tế, Tập đoàn Hòa Phát cũng vừa mới thông báo sản lượng bán hàng đạt 555.000 tấn trong tháng 9. Theo đó, tính chung quý III, “ông lớn” đầu ngành thép đã xuất bán tổng cộng 1,71 triệu tấn thành phẩm, thấp hơn đến 16% so với cùng kỳ năm ngoái (2,03 triệu tấn).

“Những doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận gộp tốt và hoạt động kinh doanh ổn định thì ngay cả lúc thị trường khó khăn như hiện tại vẫn có thể bán được sản lượng lớn cũng như duy trì hoạt động bình thường. Tuy nhiên, điều không đồng nghĩa với việc lợi nhuận sẽ tăng bởi giá thép đang quá thấp trong khi giá nguyên vật liệu đầu vào vẫn còn cao”, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư, Chứng khoán Tân Việt đánh giá.

Với nhóm ngân hàng, tín dụng là một trong những nguồn tạo ra lợi nhuận cho ngân hàng vì vậy 6 tháng đầu năm các ngân hàng đều có kết quả kinh doanh tốt nhờ đẩy tín dụng lên phía trước. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng lợi nhuận cuối năm nhiều khả năng sẽ không còn được như vậy khi dư địa chỉ còn khoảng 3%.

“Nếu kỳ vọng việc cổ phiếu ngân hàng có thể quay trở lại đỉnh cũ của tháng 4 thì sẽ hơi khó, bởi thời điểm đó định giá thị trường và tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng vẫn còn cao”, một chuyên gia nhận định.

Còn với nhóm chứng khoán, mặc dù đã chính thức áp dụng giải pháp giao dịch cổ phiếu với chu kỳ T+1,5 và giao dịch lô lẻ trên sàn HoSE nhưng thực tế thanh khoản TTCK không những không được cải thiện mà còn “đi lùi”. Trong khi đó, ông Đinh Minh Trí, chuyên gia của Chứng khoán Mirae Asset dự báo đến cuối tháng 12/2022 trở đi dòng tiền mới tích cực trở lại. Như vậy, với việc thanh khoản hạn chế sẽ khiến kết quả kinh doanh của công ty chứng khoán kém tích cực, tạo áp lực lên diễn biến giá cổ phiếu.

Có thể thấy, trên TTCK, phần lớn nhà đầu tư đều có khuynh hướng ngắn hạn bởi không thể biết nhu cầu tiền của bản thân trong 2-3 năm như thế nào. Do đó, để đầu tư dài hạn, nhà đầu tư phải có danh mục rõ ràng và lựa chọn các cổ phiếu khoẻ.

Nguyên Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán