Cà phê Arabica tăng mức cao nhất, Robusta giảm 2 phiên liên tiếp từ mức cao kỷ lục

(Banker.vn) Thị trường tiếp tục diễn biến trái chiều, với cà phê Arabica tăng lên mức cao nhất trong 6 tháng qua, cà phê Robusta giảm sụt dần trong hai phiên liên tiếp.
Trước sức ép hàng vụ mới của Brazil, giá cà phê Arabica suy yếu Giá cà phê xuất khẩu giảm nhẹ, tồn kho tiếp đà hồi phục khiến giá Arabica giằng co

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 5/2024 giảm 22 USD/tấn, ở mức 3.744 USD/tấn, giao tháng 7/2024 giảm 19 USD/tấn, ở mức 3.679 USD/tấn.

Giá cà phê Arabica giao tháng 5/2024 tăng 5,75 cent/lb, ở mức 212,5 cent/lb, giao tháng 7/2024 tăng 5,2 cent/lb, ở mức 211 cent/lb.

Thị trường tiếp tục diễn biến trái chiều, với cà phê Arabica tăng lên mức cao nhất trong hơn 6 tháng qua. 2 phiên liên tiếp sàn New York tăng nhưng không kéo được London. Do Robusta giảm xuống bởi hoạt động chốt lời xuất hiện sau khi tồn kho cà phê trên sàn tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng rưỡi qua, nằm ở mức 3.094 lô.

Lo ngại tình trạng khô hạn quá mức ở Việt Nam sẽ tiếp tục hạn chế sản lượng cà phê Robusta trong các vụ mới, trong khi lượng cung thiếu hụt đã hiện hữu khó bù đắp từ các nguồn khác, vẫn là những yếu tố thúc đẩy giá cà phê Robusta và hỗ trợ đà tăng giá cà phê Arabica.

Theo CEPEA, vụ mùa Conillon robusta đã bắt đầu thu hoạch ở một số khu vực, trong khi giá nội địa Brazil lần đầu tiên đã vượt qua mốc 1.000 Real/bao 60 kg. Hay giá cà phê Ấn Độ cũng đang diễn biến đồng bộ với giá cà phê Robusta toàn cầu, đang chứng kiến xu hướng tăng mạnh do gián đoạn nguồn cung từ nhà sản xuất hàng đầu Việt Nam. Xuất khẩu của Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024 đã chạm mức kỷ lục về giá trị, vượt 1,26 tỷ USD nhờ giá cà phê Robusta tăng cao.

Theo Hiệp hội Cà phê – ca cao Việt Nam (Vicofa), tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino gây khô hạn khắp các vùng trồng cà phê toàn cầu, khiến sản lượng sụt giảm. Riêng Việt Nam, sản lượng hụt 10% trong vụ mùa 2023 - 2024, do người dân chuyển đổi cây trồng khác mang lại giá trị cao hơn. Trong khi đó, tồn kho trong doanh nghiệp thấp kỷ lục, nguồn cung ít đẩy giá tăng. Do đó, lượng xuất khẩu từ nay đến cuối vụ sẽ giảm.

Bên cạnh đó, xung đột địa chính trị, căng thẳng khu vực Biển Đỏ khiến cước vận chuyển và nhiều chi phí tăng. Giá cà phê tăng còn do hoạt động đầu cơ từ nhiều nhà đầu tư tài chính.

Thị trường diễn biến trái chiều, Arabica tăng mức cao nhất, Robusta giảm 2 phiên liên tiếp từ mức cao kỷ lục
Cà phê đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 trong lĩnh vực nông nghiệp

Quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 600.000 tấn cà phê với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD, chỉ tăng trên 3% về số lượng nhưng tăng trên 54% về kim ngạch xuất khẩu.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cà phê đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 2 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ và đã vượt qua cả thủy sản.

Các thị trường xuất khẩu cà phê hàng đầu của Việt Nam thời gian qua vẫn là EU, Nhật Bản, Mỹ, Nga… Trong đó, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, tình trạng khô hạn quá mức ở vùng Tây Nguyên sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến triển vọng sản lượng cà phê Robusta. Đây cũng là động lực thúc đẩy giá cà phê Robusta trong nước lẫn thế giới tăng thời gian vừa qua.

Đáng chú ý, tình hình nguồn cung Robusta từ Ấn Độ được đánh giá cũng ở mức kém khả quan do khô han. Giới thương nhân cà phê tại Bangalore (Ấn Độ) cho biết nông dân đang hạn chế bán hàng ra khi kỳ vọng giá sẽ còn tiếp tục tăng lên, khiến cho các nhà xuất khẩu gặp nhiều khó khăn để hoàn thành các hợp đồng đã ký.

Xuất khẩu cà phê của Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3/2024 đã chạm mức cao kỷ lục hơn 1,26 tỷ USD, chủ yếu nhờ giá cà phê Robusta tăng cao chưa từng có.

Giới phân tích nhận định tình trạng thiếu hụt nguồn cung cùng lúc tại Ấn Độ và Việt Nam sẽ khiến giá cà phê trên thế giới khó có thể sớm "hạ nhiệt".

Dự báo về giá cà phê thời gian tới, Tập đoàn Citi Group cho rằng đà tăng giá kỷ lục của cà phê hiện vẫn còn dư địa để thiết lập các mức giá cao kỷ lục mới trong bối cảnh thời tiết bất lợi và nhu cầu vẫn đang tăng lên.

Trên thị trường hàng hóa, Citi Group phân tích, giá cà phê đã vượt qua mốc kháng cự ngắn hạn và đang tích lũy cho một đợt tăng giá ngắn hạn nhờ lo ngại rủi ro thiếu hụt nguồn cung tăng lên, cùng với đó là dòng vốn đổ vào các thị trường tài chính để tìm kiếm cơ hội sinh lời.

Citi Group dự báo giá cà phê Arabica kỳ hạn sẽ giao dịch trong khoảng từ 1,88 USD - 2,15 USD/pound từ nay cho đến hết năm 2024, thậm chí sẽ ở mức cao hơn nếu nhu nguồn cung thấp hơn dự kiến. Việc giá cà phê Robusta tăng cao kỷ lục cũng sẽ thúc đẩy giá cà phê Arabica tăng lên.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương