Cả nước tiết kiệm điện 7% nhờ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

(Banker.vn) Theo Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, nhờ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, cả nước đã tiết kiệm được 7% điện năng.
Nỗ lực và cách làm hiệu quả của PC Lào Cai trong tuyên truyền tiết kiệm điện Nắng nóng diện rộng, Hà Nội tiêu thụ điện gần chạm mức kỷ lục Đà Nẵng: Trao giải Chương trình thí điểm tiết kiệm điện ứng dụng công nghệ IoT

Hiệu quả nhờ các chính sách quy định, hướng dẫn sử dụng điện

Sáng 19/8, Tạp chí Công Thương tổ chức tọa đàm ''Tiết kiệm năng lượng trong các ngành công nghiệp: Bài toán công nghệ và chính sách''. Toạ đàm có sự tham dự của các khách mời gồm: Ông Đặng Hải Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương; ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); ông Mạch Đình Khoa - Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam.

Cả nước tiết kiệm điện 7% nhờ Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, ông Đặng Hải Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) thông tin, thời gian vừa qua, nước ta đã có nhiều chính sách được ban hành, đặc biệt từ năm 2010 có Luật sử dụng Năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Đặng Hải Dũng thông tin rằng cho đến thời điểm này có khoảng 16 thông tư, 2 nghị định và 2 quyết định Thủ tướng cũng như khoảng 34 tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành. Đây là những văn bản hiện hành và việc ban hành các văn bản chính sách góp phần tiết kiệm từ 5 - 7% so với giai đoạn trước đó.

Đến năm 2019, Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 280/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030. Điều này giúp Việt Nam đặt mục tiêu tiết kiệm điện từ 7 - 10% năm 2025.

''Cho đến năm 2030, chúng ta phải tiết kiệm được khoảng 10% so với kịch bản tiêu thụ năng lượng bình thường'', ông Đặng Hải Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Trong đó, yêu cầu giai đoạn này cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ. Việc thực hiện tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất là một nhiệm vụ quan trọng được đề cập trong Chỉ thị.

Đánh giá hiệu quả của chính sách kể trên, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, sử dụng năng lượng tiết kiệm ở khu vực sản xuất có tác động rất lớn tới sử dụng điện toàn xã hội.

Ông Nguyễn Quốc Dũng cũng thông tin, trong năm 2023 và đặc biệt là 7 tháng năm 2024, tốc độ phát triển kinh tế của Việt Nam rất cao, đặc biệt tăng trưởng về điện. Năm 2023 chỉ đạt được 4,29%, tuy nhiên trong 7 tháng năm 2024, tăng trưởng về điện đã đạt ở mức khoảng độ 14%.

''Đây là mức tăng trưởng rất cao và tỷ trọng của các ngành sản xuất trong cơ cấu về thương phẩm, sản lượng chiếm tới 51%. Chúng ta cũng thấy rằng sử dụng năng lượng tiết kiệm tại khu vực sản xuất có tác động rất lớn tới vấn đề sử dụng điện tiết kiệm đối với toàn xã hội và đảm bảo vấn đề cung cấp đủ điện cho toàn xã hội'', ông Nguyễn Quốc Dũng đánh giá.

Trên thực tế, theo thống kê của các tổ chức quốc tế, Việt Nam có thể tiết kiệm được khoảng 20 - 30% năng lượng sử dụng trong các ngành sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, theo thống kê đánh giá của Bộ Công Thương, tỷ lệ này có thể đạt 30 - 35%. Đây là con số rất lớn khi xét về tiềm năng tiết kiệm điện tại các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp.

Nhiều thách thức khi các doanh nghiệp sản xuất thực hiện tiết kiệm điện

Tuy nhiên, đại diện các doanh nghiệp bày tỏ còn gặp khó khăn trong thực hiện tiết kiệm điện. Ông Nguyễn Quốc Dũng chỉ ra, đối với các doanh nghiệp, nhận thức về vấn đề tiết kiệm điện vẫn còn hạn chế. Đồng thời là vấn đề không đủ năng lực, chưa tiếp cận được những công nghệ, khó khăn về mặt tài chính.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng, chưa tối ưu hóa được dây chuyền sản xuất, quy trình sản xuất dẫn tới việc vẫn còn sử dụng năng lượng một cách lãng phí.

Tiếp đến, chính sách giá điện của Việt Nam đang thực hiện theo Quyết định 28/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành từ năm 2014. Dù giá phụ thuộc vào các cấp điện áp, nhưng giá giờ bình thường của sản xuất chiếm chỉ từ khoảng độ 84- 92% giá bình quân và giờ thấp điểm từ 52-59% giá bình quân. Với giá điện thấp như vậy, việc tiết kiệm điện đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng chưa được quan tâm một cách thực sự.

Để giải quyết một số khó khăn khi các doanh nghiệp thực hiện tiết kiệm điện, ông Mạch Đình Khoa - Giám đốc Phát triển chiến lược kinh doanh và hoạt động thương mại, Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam nhận định, những thách thức hiện nay cũng có thể biến thành những cơ hội trong tương lai.

Schneider Electric đang cùng đồng hành cùng rất nhiều doanh nghiệp Việt hướng đến quá trình số hóa hay gọi là chuyển đổi số, cung cấp các giải pháp liên quan tới đo và giám sát độc lập việc tiết kiệm năng lượng.

''Khi chúng ta nói đến tiết kiệm năng lượng thì rất nhiều bên băn khoăn làm sao để sử dụng năng lượng hiệu quả hơn. Nhưng đầu tiên chúng ta cần có một giải pháp là đo đếm và giám sát một cách độc lập'', ông Mạch Đình Khoa đánh giá.

Cùng với đó, các doanh nghiệp cần phải kết hợp để xây dựng lộ trình phù hợp cho việc tiết kiệm năng lượng bao gồm ''chuỗi cung ứng từ sản phẩm tới khách hàng cho đến tận lúc xoay vòng sản phẩm quay trở về lại''.

Ngoài ra, theo cam kết tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đang hướng đến phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Vì vậy, tiết kiệm năng lượng là một trong những giải pháp chính trong thực hiện mục tiêu này. Đó là những chiến lược mà Schneider Electric hướng tới khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Trần Đình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục