Quỹ ngoại đến từ Phần Lan - PYN Elite vừa công bố báo cáo về việc không còn là cổ đông lớn tại Công ty CP Nước giải khát Chương Dương (HoSE: SCD). Cụ thể, quỹ ngoại này đã bán ra 22.300 cổ phiếu SCD của Nước giải khát Chương Dương, giảm tỷ lệ sở hữu từ 5,17% xuống còn 4,9%. Sau khi giao dịch hoàn tất, PYN Elite hiện còn giữ 415.600 cổ phiếu SCD, chính thức rời ghế cổ đông lớn của Nước giải khát Chương Dương. Theo công bố, giao dịch được thực hiện trong ngày 4/4/2024.
Phiên giao dịch ngày 04/04, cổ phiếu SCD đóng cửa với 23.700 cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị 287 triệu đồng, tương đương trung bình 12.100 đồng/cổ phiếu, trong khi không phát sinh giao dịch thỏa thuận nào. Như vậy, có thể PYN Elite đã bán lượng cổ phiếu trên thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn. Chiếu theo giá trung bình của SCD, ước tính quỹ ngoại đã thu về khoảng 270 triệu đồng.
Động thái rời ghế cổ đông lớn tại SCD của quỹ ngoại này diễn ra sau khi cổ phiếu SCD bị HoSE ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 6/5/2024 và giao dịch phiên cuối cùng trên HoSE vào ngày 3/5.
Cụ thể, theo quyết định số 180/QĐ-SGDHCM ngày 5/4/2024, 8,5 triệu cổ phiếu SCD sẽ bị hủy niêm yết tại HoSE do tổ chức niêm yết là Nước giải khát Chương Dương ghi nhận kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục. Ngoài ra, tổng số lỗ lũy kế của doanh nghiệp vượt quá số vốn điều lệ thực góp và vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Tại báo cáo kiểm toán năm 2023, ngày 31/12/2023, Nước giải khát Chương Dương ghi nhận kết quả lỗ lũy kế gần 201 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu âm gần 12 tỷ đồng. Trong khi năm trước, vốn chủ sở hữu vẫn ghi nhận hơn 107,5 tỷ đồng.
Theo báo cáo giải trình chênh lệch kết quả kinh doanh năm 2023 sau kiểm toán, ban lãnh đạo Sá xị Chương Dương cho biết dù nỗ lực cắt giảm và tối ưu hóa chi phí hoạt động, mức lỗ của năm 2023 vẫn cao hơn năm 2022.
"Hoạt động kinh doanh tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do chi phí đầu vào tăng cao cộng với điều kiện kinh tế bên ngoài khó khăn, nhu cầu vẫn thấp hơn dự kiến với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng", lãnh đạo doanh nghiệp lý giải.
Sá xị Chương Dương đang đối mặt với tình trạng chi phí nguyên vật liệu đầu vào từ đường tinh luyện, lon nhôm tăng. Song song, việc gia tăng chi phí thuê đất lẫn các chi phí hoạt động thuê dịch vụ bên ngoài đã làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Thực tế, SCD đã lỗ ròng lần lượt 36 tỷ đồng năm 2021, 49 tỷ đồng năm 2022 và mới đây nhất là 119 tỷ đồng năm 2023, kéo theo lỗ lũy kế tại thời điểm cuối năm 2023 lên đến 201 tỷ đồng, vượt qua con số 85 tỷ đồng vốn điều lệ thực góp và chính thức âm vốn chủ 12 tỷ đồng.
Trước nhiều tin tức tiêu cực, giá cổ phiếu SCD xuất hiện nhiều phiên giảm mạnh gần đây, chỉ còn 12.100 đồng/cp tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/04, tương ứng giảm hơn 19% kể từ đầu năm 2024 với thanh khoản trung bình gần 1.8 ngàn cp/ngày, còn tính trong 1 năm gần nhất SCD đã giảm hơn 37%.
Tính trong 1 năm gần nhất SCD đã giảm hơn 37% |
Theo tìm hiểu, Sá xị Chương Dương tiền thân là nhà máy Usine Belgique, được xây dựng vào năm 1952 trực thuộc tập đoàn BGI của Pháp. Năm 2004, công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần và sau đó chính thức niêm yết trên sàn HoSE cuối tháng 12/2006. Như vậy, sau hơn 17 năm niêm yết, SCD sẽ phải nói lời chia tay với HoSE.
Hiện tại Sá xị Chương Dương vẫn hoạt động với vai trò là công ty con phụ trách hoạt động sản xuất nước giải khát của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco – HOSE: SAB). Vốn điều lệ của công ty sau nhiều năm vẫn chỉ ở mức 85 tỷ đồng, trong đó Sabeco nắm 62,06% cổ phần.
Giai đoạn 2009-2016 được xem là đỉnh cao của Sá xị Chương Dương khi chứng kiến doanh thu tăng cao hàng năm, chạm mức kỷ lục 417 tỷ đồng vào năm 2016. Song, kể từ đó đến nay, doanh thu của công ty liên tục suy yếu và chạm đáy 126 tỷ đồng vào năm ngoái.
Sá xị Chương Dương từng là doanh nghiệp dẫn đầu ngành sản xuất nước giải khát phía Nam với sản phẩm sá xị con cọp nổi tiếng. Tuy nhiên, từ khi thị trường có sự xuất hiện của nhiều hãng nước giải khát nước ngoài, nước ngọt con cọp của Chương Dương đã nhanh chóng đánh mất thị phần.
Lãnh đạo công ty từng thừa nhận mạng lưới phân phối và bán hàng của Chương Dương đã suy giảm theo ngành hàng và công ty chưa có đủ nguồn lực, khả năng để phục hồi nhanh như các công ty đứng đầu thị trường. Những ông lớn trong ngành còn bán phá giá, ký hợp đồng độc quyền với điểm bán, gây áp lực cho công ty về giá, biên lợi nhuận và hệ thống phân phối.
Ngày 22/4 tới đây, Sá xị Chương Dương sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tại Khách sạn Grand Sài Gòn, số 8 Đồng Khởi, Quận 1, TP.HCM. Theo tài liệu họp đã công bố, công ty đặt mục tiêu năm 2024 sẽ lỗ tiếp 73 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đến cuối năm dự kiến sẽ ở mức 275 tỷ đồng.
Chủ sở hữu Sá xị Chương Dương thua lỗ kỷ lục Trong năm 2022, Công ty CP Nước giải khát Chương Dương, chủ thương hiệu Sá xị Chương Dương ghi nhận 169 tỷ đồng doanh thu, ... |
Cổ phiếu SCD bị chuyển sang diện kiểm soát do lỗ liên tiếp 2 năm Với kết quả kinh doanh lỗ trong quý IV/2022, SCD đã nối dài chuỗi thua lỗ lên 8 quý liên tiếp. Cả năm 2022, công ... |
Cổ phiếu SCD sắp kết thúc hành trình 17 năm trên HOSE Cổ phiếu SCD của Sá xị Chương Dương sắp bị hủy niêm yết bắt buộc, qua đó khép lại hành trình 17 năm của mình ... |
Nguyên Nam
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|