"Cả họ" phá sản, thành viên còn lại của SBIC vẫn “sống khỏe”: Lập đỉnh doanh thu, “nói không” với nợ vay

(Banker.vn) Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm (UPCoM: SCY) là doanh nghiệp duy nhất thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (SBIC) không thuộc diện xử lý phá sản. Không những vậy, năm 2023, kết quả kinh doanh vẫn đang trong đà đi lên.

Theo báo cáo tài chính quý IV/2023 mà Đóng tàu Sông Cấm mới công bố, trong kỳ kinh doanh này, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 113 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng tới 16%, nhanh hơn mức tăng của doanh thu, lên mức 94 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 13%, đạt xấp xỉ 19 tỷ đồng. Biên lãi gộp cũng thu hẹp 4 điểm %, xuống mức 17%.

Tập đoàn mẹ phá sản, Đóng tàu Sông Cấm vẫn "sống khoẻ"

Đáng chú ý, trong khi doanh thu hoạt động tài chính gần như đi ngang so với cùng kỳ thì chi phí tài chính lại tăng tới 58%, lên mức 30 tỷ đồng, cao gấp gần 3 lần doanh thu từ hoạt động này. Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng tới 112%, lên mức 45 tỷ đồng.

Do đó, lợi nhuận sau thuế của Đóng tàu Sông Cấm chỉ đạt vỏn vẹn 9 tỷ đồng, giảm 64%.

Tuy nhiên, nhờ kết quả tích cực mà doanh nghiệp đã đạt được vào quý III, doanh thu và lợi nhuận cả năm của doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, doanh thu thuần cả năm 2023 tăng 69% so với năm 2022, đạt xấp xỉ 1.013 tỷ đồng, vượt 63% kế hoạch năm. Đây cũng là mức doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của Đóng tàu Sông Cấm.

Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng 62%, lên hơn 88 tỷ đồng, vượt 238% kế hoạch lợi nhuận năm. Lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 67 tỷ đồng, là khoản lãi cao thứ hai của doanh nghiệp từ trước đến nay, chỉ thấp hơn mức kỷ lục 87 tỷ đồng đạt được vào năm 2015.

Đóng tàu Sông Cấm lập đỉnh doanh thu trong năm 2023

Trên bảng cân đối kế toán, tính tới ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Đóng tàu Sông Cấm đạt 1.474 tỷ đồng, giảm nhẹ 4% so với đầu năm. Tiền, các khoản tương đương tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn đạt hơn 558 tỷ đồng, tăng tới 37% so với đầu năm, chiếm 38% cơ cấu tài sản. Trong khi đó, hàng tồn kho giảm 36%, xuống còn 343 tỷ đồng, chiếm 23% cơ cấu tài sản.

Phía bên kia bảng cân đối, tổng nợ phải trả của Đóng tàu Sông Cấm ghi nhận ở mức 578 tỷ đồng, giảm 11% so với đầu năm. Một nửa số tiền này nằm tại khoản mục người mua trả tiền trước ngắn hạn với hơn 288 tỷ đồng. Điểm sáng là doanh nghiệp tiếp tục duy trì trạng thái không vay nợ tài chính.

Theo tìm hiểu, Đóng tàu Sông Cấm tiền thân là xưởng công tư hợp doanh “Hải Phòng cơ khí” được thành lập năm 1959. Tháng 3/1983, công ty được đổi tên thành Nhà máy Đóng tàu Sông Cấm.

Ngày 11/3/1993, theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Đóng tàu Sông Cấm trực thuộc sự quản lý của SBIC. Đến tháng 4/2008, doanh nghiệp chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi như hiện nay. Tháng 10/2017, Đóng tàu Sông Cấm bắt đầu giao dịch trên sàn UPCoM với mã chứng khoán SCY.

Hiện tại, SBIC và một công ty khác trong hệ sinh thái này là Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng đang lần lượt nắm giữ 90% và 7,63% vốn điều lệ của Đóng tàu Sông Cấm.

Vì sao Đóng tàu Sông Cấm vẫn “sống khoẻ”?

Một trong những yếu tố giúp Đóng tàu Sông Cấm vẫn “sống khoẻ” bất chấp việc Tập đoàn mẹ SBIC bị xử lý phá sản là mối quan hệ hợp tác của doanh nghiệp này với Tập đoàn Đóng tàu Damen (Hà Lan). Theo báo cáo thường niên năm 2022 của doanh nghiệp, hai bên đã bắt đầu hợp tác từ tháng 3/2002, trong thương vụ đóng mới 5 tàu tìm kiếm cứu nạn trên biển cho chủ đầu tư là Cục Hàng hải Việt Nam.

Từ đó đến nay, Đóng tàu Sông Cấm đã ký và thực hiện hàng loạt các hợp đồng đóng tàu mới chuyên dụng xuất khẩu cho Tập đoàn đóng tàu tới từ Hà Lan. Tính đến tháng 12/2019, doanh nghiệp đã đóng mới và bàn giao cho phía Damentrên 300 sản phẩm các loại.

Báo cáo tài chính xoát xét bán niên năm 2023 của Đóng tàu Sông Cấm ghi nhận, Damen đã ứng trước theo hợp đồng hơn 601 tỷ đồng để thi công các hạng mục của tàu đã được ký kết giữa 2 bên.

Đáng chú ý, năm 2014, Damen từng đề cập tới việc việc mua 70% cổ phần của Đóng tàu Sông Cấm. Đến cuối 2016, Tập đoàn mẹ của Đóng tàu Sông Cấm là SBIC cho biết, đề nghị từ phía Damen đã được đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Tuy nhiên, thương vụ này không thể hoàn tất do vướng mắc nằm ở giới hạn tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán Việt Nam không được vượt quá 49%.

Được biết, thời điểm đó, Chính phủ đã hướng dẫn Bộ Giao thông chỉ đạo SBIC đàm phán lại với Damen về việc cam kết sẽ nhượng lại phần lớn cổ phần tại Sông Cấm qua hai giai đoạn (bán trước 49%, sau đó xem xét bán tiếp 21%). Tuy nhiên, đối tác Hà Lan lại không muốn mua theo nhiều giai đoạn mà chỉ muốn mua một lần với tỷ lệ 70%.

Cuối tháng 12/2023, Chính phủ đã có nghị quyết về kế hoạch tổ chức thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý phá sản đối với SBIC và 7 công ty con từ quý I/2024. Riêng Đóng tàu Sông Cấm sẽ thu hồi phần vốn của công ty mẹ - SBIC, thời gian rút vốn dự kiến từ quý 2/2024.

Các đơn vị thành viên bị cho phá sản gồm nhóm công ty TNHH MTV Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn.

Công ty con duy nhất của SBIC vẫn "ăn nên làm ra" giữa bối cảnh "cả họ" bên bờ vực phá sản

Hiện nay, Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy đang sở hữu 90,08% vốn điều lệ của Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm.

“Kiếm đẫm” từ cổ tức và lãi tiền gửi, Nam Tân Uyên (NTC) có năm lãi cao thứ hai trong lịch sử

Mặc dù doanh thu sụt giảm nhưng nhờ khoản cổ tức và lãi tiền gửi nhận được từ hai doanh nghiệp cùng nhóm VRG, lợi ...

Chi phí tăng cao, Dược phẩm Hà Tây (DHT) báo lãi "giật lùi"

Dù vậy, nhờ xây dựng kế hoạch kinh doanh thận trọng, Dược phẩm Hà Tây vẫn vượt 10% chỉ tiêu lợi nhuận đã đề ra.

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục