Doanh nghiệp dệt may Việt Nam "khóc ròng" vì kết quả kinh doanh ảm đạm |
Nửa đầu năm 2023 là giai đoạn sự ảm đạm bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế, và ngành dệt may cũng không ngoại lệ. Kết thúc quý II/2023, cả Tập đoàn Dệt may Việt Nam - Vinatex (UPCoM: VGT) và Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) cùng rơi vào cảnh lỗ liên tiếp.
Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của Vinatex, doanh thu thuần đạt gần 3.910 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán giảm nhẹ khoảng 200 tỷ đồng, đạt 3.706 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp chỉ còn 203 tỷ đồng, giảm 72% so với cùng kỳ năm 2022.
Ở kỳ này, chi phí tài chính đã được cắt giảm 19%, về mức 116 tỷ đồng nhưng chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng lên 28%, đạt 188 tỷ đồng do Vinatex cố gắng đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Điều này đã khiến lợi nhuận sau thế chỉ còn 22 tỷ đồng, giảm 96% so với quý II/2022.
Doanh thu tài chính ở kỳ này đã quay về mức 83 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm trước do không có lãi từ các khoản đầu tư, chỉ còn lãi tiền gửi và lãi chênh lệch tỷ giá là chủ yếu.
Giải trình về nguyên nhân khiến kết quả giảm sút nghiêm trọng, Vinatex cho biết các công ty con tiếp tục phải đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do nhu cầu thấp. Hơn nữa, doanh nghiệp vẫn cố gắng đảm bảo mức lương cho người lao động đã làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận hợp nhất của tập đoàn.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Vinatex quay về mức 8.119 tỷ đồng, giảm 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế đạt 115 tỷ đồng, chỉ bằng 13% so với 2 quý đầu năm 2022.
Như vậy, sau 2 quý đầu năm, Vinatex đã đạt 46% chỉ tiêu doanh thu (17.500 tỷ đồng) và 28% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế (610 tỷ đồng).
Về tài chính, Vinatex đang có tổng cộng tài sản là 19.125 tỷ đồng, giảm 5% so với số đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho giảm 19%, về mức 3.382 tỷ đồng. Các khoản đầu tư ngắn hạn tăng lên 8%, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 4%, các khoản khác gần như không có biến động.
Về nguồn vốn, Vinatex đang có 9.146 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, giảm khoảng 300 tỷ so với thời điểm đầu năm. Một tín hiệu mừng của tập đoàn là tổng số nợ phải trả đã giảm 6% so với đầu quý I/2023, về ngưỡng 9.979 tỷ đồng.
Không khấm khá hơn so với Vinatex, Dệt may Thành Công ghi nhận kết quả kinh doanh thấp nhất trong 6 tháng trở lại đây. Kết thúc quý II/2023, doanh thu thuần của TCM ghi nhận ở mức 714 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm 45%, đạt 95 tỷ đồng.
Tuy nhiên, doanh thu tài chính được nâng lên 17,8 tỷ đồng, tăng 42% so với quý II/2022. Chi phí tài chính “quay đầu” tăng gần 33%, đạt 38 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lại giảm 49% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn hơn 23 tỷ đồng.
Hết quý II/2023, TCM ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2 tỷ đồng, lỗ “đậm” nhất so với 55 tỷ đồng của quý II/2022.
Lý giải về nguyên nhân doanh thu “hao hụt”, TCM cho biết do lạm phát cao tại Mỹ và EU khiến nhu cầu tiêu dùng may mặc bị “nén chặt”, mạch xuất khẩu của Việt Nam bị “bóp nghẹt”, thiếu đơn hàng trầm trọng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, TCM ghi nhận doanh thu đạt 1.590 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế giảm 56%, chỉ còn hơn 56 tỷ đồng.
Như vậy sau 6 tháng đầu năm, TCM đã hoàn thành 40% chỉ tiêu doanh thu (3.927 tỷ đồng) và 23% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (244 tỷ đồng).
Hiện tại, tổng cộng tài sản của TCM là 3.348 tỷ đồng, giảm 4% so với cuối năm 2022. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính dài hạn giảm sâu 85%, chỉ còn hơn 13 tỷ đồng, các khoản phải thu dài hạn cũng giảm 84% so với gần 3 tỷ đồng ở cuối quý IV/2022.
Về nguồn vốn, TCM hiện có 1.933 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, giảm khoảng 40 tỷ đồng so với cuối tháng 12 năm ngoái. Nợ ngắn hạn và dài hạn đều giảm đi một phần, lần lượt ở mức 1.278 tỷ đồng và 136 tỷ đồng.
Sau quý I/2023 hoạt động suôn sẻ, Dệt may Thái Nguyên (HNX: TNG) đã chính thức “đứt mạch” tăng trưởng với doanh thu thuần đạt 1.995 tỷ đồng, “đi ngang” so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán nhích nhẹ hơn 5%, đạt 1.757 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp về mức 238 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp của Dệt may Thái Nguyên đã được tiết giảm tối đa, lần lượt đạt 71 tỷ đồng và 92 tỷ đồng, bằng 80% và 92% so với quý II/2022.
Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế của TNG chỉ còn 54 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải trình nguyên nhân biến động, phía công ty cho biết hoạt động kinh doanh kém chủ yếu do ảnh hưởng của tình hình kinh tế thế giới, đơn giá giảm so với cùng kỳ, nhưng chi phí trả cho người lao động vẫn đảm bảo, chi phí sản xuất không giảm dẫn đến lợi nhuận “đi lùi”.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Dệt may Thái Nguyên ghi nhận 3.334 tỷ đồng doanh thu thuần, nhích nhẹ 3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 21%, chỉ còn hơn 98 tỷ đồng.
Sau 6 tháng, TNG đã hoàn thành được 49% chỉ tiêu doanh thu (6.800 tỷ đồng) và 33% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế (299 tỷ đồng).
Về tình hình tài chính, tổng tài sản của TNG đạt 5.639 tỷ đồng, tăng 6% so với thời điểm đầu năm. Lượng hàng tồn kho đã tăng lên hơn 5%, đạt 1.350 tỷ đồng, chiếm 24% tổng tài sản. Các khoản thu ngắn hạn tăng mạnh 65%, ở mức 923 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền gửi của doanh nghiệp giảm tới 68%, chỉ còn 349 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, TNG đang có vốn chủ sở hữu là 1.671 tỷ đồng, tăng 20 tỷ so với đầu năm. Riêng các khoản nợ của TNG đã nâng lên mức 3.968 tỷ đồng, tăng 9%, chủ yếu do vay và nợ thuê tài chính.
Qua nửa đầu năm 2023, khó khăn chồng chất ập đến các doanh nghiệp may mặc. Thậm chí, nhiều đơn vị thống kê thị trường nhận định, những tháng cuối năm bức tranh ngành dệt may vẫn chưa thể “nhuộm màu sáng”.
Ngoài ra, những đòi hỏi khắt khe đến từ các khách hàng như giảm giá sản xuất, đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh, chất lượng đòi hỏi cao hơn, chuyển đổi sử dụng vải có thành phần sợi tái chế… cũng khiến doanh nghiệp may phải “đau đầu” tìm cách khắc phục.
Dự phóng trong các tháng còn lại của năm 2023, thị trường dệt may vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn với sự thiếu hụt mạnh về đơn hàng và chi phí đầu vào tăng “vọt”, các thị trường xuất khẩu chính vẫn chưa phục hồi, trong khi đó cạnh tranh gay gắt vẫn diễn ra ở thị trường nội địa.
Khó khăn chưa dừng lại, tổng cầu dệt may thế giới được dự báo đạt khoảng 700 tỷ USD, giảm 8% so với năm 2022, thấp hơn cả năm 2020 khi xảy ra dịch Covid 19.
Về phía Chính phủ, trong bối cảnh hiện nay cần có chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất trong hệ thống tài chính – ngân hàng, giãn thời gian thanh toán nợ giúp doanh nghiệp không chịu áp lực về dòng tiền thanh toán.
Mặt khác, Chính phủ nên có chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp, áp dụng như khi Covid-19 xảy ra, giúp doanh nghiệp có vốn trả lương cho người lao động trong những tháng đơn hàng thiếu hụt.
Với sự chủ động trong việc giải quyết những khó khăn chung của nền kinh tế cùng những chính sách hỗ trợ đến từ Chính phủ, các doanh nghiệp dệt may kỳ vọng vào “gam màu” sáng sủa hơn trong nửa cuối năm 2023 và tăng tốc hoàn thành những dự định kinh doanh đã đề ra trước đó.
Ngọc Bích
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|