Bức tranh khởi sắc của ngành bán lẻ

(Banker.vn) Ngành bán lẻ vừa khép lại một quý kinh doanh đầy khởi sắc khi nhu cầu tiêu dùng tiếp tục tăng mạnh. Nhờ lợi thế quy mô và độ phủ lớn, nhiều “ông lớn” trong lĩnh vực bán lẻ từ thực phẩm, công nghệ, dược phẩm cho đến vàng bạc, xe cộ đã chứng kiến doanh thu và lợi nhuận nhảy vọt, tạo điểm sáng cho thị trường.

Bùng nổ lợi nhuận

Thế Giới Di Động (MWG) nổi bật trong ngành bán lẻ với thành tích tăng trưởng doanh thu 13%, đạt hơn 34.100 tỷ đồng. Đặc biệt, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt trên 800 tỷ đồng, gấp 21 lần cùng kỳ năm trước, nhờ mảng công nghệ dẫn đầu là chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh. Dù giảm 12% số cửa hàng, nhóm cửa hàng công nghệ vẫn tăng trưởng doanh thu 7% nhờ quản lý hiệu quả và sự phục hồi của sức mua.

Bức tranh khởi sắc của ngành bán lẻ
Hình minh hoạ.

Chuỗi Bách Hóa Xanh cũng trở thành điểm nhấn khi doanh thu tăng mạnh gần 36% nhờ tối ưu hóa doanh thu từ các cửa hàng hiện hữu, tập trung vào thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh. Khoản lỗ của chuỗi giảm đáng kể từ 905 tỷ đồng cùng kỳ xuống chỉ còn 8 tỷ đồng trong quý này.

Không kém phần ấn tượng, tập đoàn Masan (MSN) báo cáo doanh thu quý III đạt gần 21.500 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm ngoái. Đặc biệt, lợi nhuận ròng của tập đoàn đã nhảy vọt lên 701 tỷ đồng, gấp hơn 14 lần so với cùng kỳ nhờ mảng bán lẻ tiêu dùng. Đây cũng là lần đầu tiên WinCommerce, hệ thống siêu thị của Masan, ghi nhận lợi nhuận sau thuế dương kể từ Covid-19, đạt khoảng 20 tỷ đồng.

Trong khi đó, FPT Retail (FRT) tiếp tục ghi dấu với tốc độ tăng trưởng doanh thu 26%, đạt 10.376 tỷ đồng trong quý III. Với chiến lược tăng cường quản lý chi phí và nguồn thu tài chính từ chuỗi nhà thuốc Long Châu, công ty đạt lợi nhuận trước thuế 197 tỷ đồng, gấp 146 lần so với năm ngoái. Chuỗi Long Châu là mảng chủ lực với doanh thu vượt 18.000 tỷ đồng, tăng 62%, giúp FPT Retail thực hiện 85% kế hoạch năm.

Ngành trang sức cũng ghi nhận sự ổn định khi Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) tăng doanh thu 3% lên hơn 7.100 tỷ đồng, dù lợi nhuận sau thuế giảm 15% do chi phí thuế tăng. Tính lũy kế 9 tháng, PNJ đạt doanh thu thuần gần 29.242 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.382 tỷ đồng, tăng lần lượt 25% và 3% so với cùng kỳ.

Trong lĩnh vực ô tô, Công ty Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh (HAX) gây chú ý với doanh thu quý III tăng 38%, đạt 1.536 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế vọt lên hơn 90 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ năm ngoái, nhờ sự hồi phục của nền kinh tế và các chính sách hỗ trợ người tiêu dùng mua xe sang.

Mở rộng hệ thống

Từ kết quả kinh doanh rực rỡ, các tập đoàn bán lẻ lớn không ngừng tăng tốc mở rộng chuỗi cửa hàng trên cả nước để đón đầu nhu cầu tiêu dùng. Trong quý III, WinCommerce đã mở thêm 60 cửa hàng, nâng tổng số lên 3.733 điểm kinh doanh, với mục tiêu mở thêm 100 địa điểm mỗi quý, đồng thời phát triển mô hình WinMart+ Rural để phục vụ khách hàng nông thôn.

Thế Giới Di Động cũng mở rộng chuỗi Bách Hóa Xanh với 28 địa điểm mới từ tháng 6, nâng tổng số cửa hàng lên 1.726 vào cuối tháng 9. Ở thị trường quốc tế, chuỗi EraBlue tại Indonesia đã mở thêm 38 cửa hàng, nâng tổng số lên 76 cửa hàng, tiếp tục củng cố vị thế tại thị trường Đông Nam Á.

FPT Retail không đứng ngoài cuộc khi Long Châu mở thêm 143 nhà thuốc mới trong quý III, đạt tổng cộng 1.849 cửa hàng. Mạng lưới tiêm chủng của công ty cũng phát triển nhanh chóng với 115 trung tâm, tăng thêm 105 điểm chỉ trong năm nay.

PNJ cũng tăng tốc mở rộng khi thêm 13 cửa hàng trang sức trong quý III, nâng tổng số điểm bán lên 418 cửa hàng tại 57 tỉnh thành, thể hiện chiến lược giành lấy thị phần trong ngành trang sức.

Kỳ vọng các tháng cuối năm

Mặc dù ngành bán lẻ vẫn đối mặt với một số thách thức mang tính hệ thống, triển vọng phục hồi và phát triển của ngành được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong những tháng tới, nhờ nền kinh tế Việt Nam ổn định và những dấu hiệu khởi sắc trong mùa cao điểm cuối năm. Các chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng trong giai đoạn 2023-2024, kết hợp với các biện pháp kích cầu từ Chính phủ, đang tạo điều kiện thuận lợi giúp sức mua dần cải thiện rõ rệt trong nửa cuối năm 2024.

Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn người tiêu dùng tin tưởng vào xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế, với tỷ lệ 69,9% người đánh giá tình hình tài chính cá nhân sẽ tốt hơn trong 12 tháng tới. Sự lạc quan này được kỳ vọng sẽ tạo động lực thúc đẩy tiêu dùng tăng trưởng bền vững hơn trong thời gian tới.

Các con số khả quan trong quý 3 không chỉ là minh chứng cho sức khỏe tài chính của các doanh nghiệp bán lẻ, mà còn cho thấy xu hướng tăng trưởng dài hạn khi người tiêu dùng tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu. Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa 9 tháng đầu năm đạt hơn 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ. Sự bùng nổ này, cộng thêm các chiến lược mở rộng chuỗi cửa hàng và tối ưu hóa hoạt động, sẽ là nền tảng để các tập đoàn bán lẻ duy trì đà tăng trưởng và đón đầu những cơ hội mới trong bối cảnh thị trường tiếp tục mở rộng.

Cổ phiếu FCN đón làn sóng margin, bức tranh kinh doanh FECON đang dần sáng?

Cổ phiếu FCN bất ngờ được hàng loạt các công ty chứng khoán cấp margin trong bối cảnh kết quả kinh doanh của FECON ghi ...

Bức tranh ngành thép quý III: Hoà Phát vượt khó, thị trường hé lộ kỳ vọng phục hồi

Thị trường thép quý III đối mặt nhiều khó khăn với giá giảm sâu và áp lực cạnh tranh, lợi nhuận qua đó cũng phân ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục