“Bom tấn” IPO toàn cầu: Hãng chip Arm “nhắm” mức định giá kỷ lục hơn 54 tỷ USD

(Banker.vn) Thương vụ IPO “bom tấn” của Arm Holdings - hãng thiết kế chip thống lĩnh thị trường toàn cầu chuẩn bị diễn ra. Theo kế hoạch, Arm dự kiến chào sàn Nasdaq với giá khởi động 51 USD/cổ phiếu, tương ứng mức định giá hơn 54 tỷ USD.
“Bom tấn” IPO toàn cầu: Hãng chip Arm “nhắm” mức định giá kỷ lục hơn 54 tỷ USD
Thương vụ IPO "bom tấn" của Arm sẽ diễn ra vào tối nay (theo giờ Việt Nam)

Mới đây, Arm Holding, hãng thiết kế chip thuộc sở hữu của SoftBank Group Corp, đã xác nhận với báo giới về việc ấn định mức giá IPO là 51 USD/cp. Đây là mức giá cao nhất trong khoảng giá mà hãng này dự kiến trước đó là từ 47 đến 51 USD/cp. Với mức giá này, Arm được định giá khoảng 54,5 tỷ USD.

Theo tờ Fortune, định giá mục tiêu của Arm phản ánh niềm tin rằng họ sẽ được hưởng lợi từ cuộc “chạy đua” chip AI thế hệ mới - cuộc đua đã mang về cho Nvidia mức vốn hoá thị trường 1.100 tỷ USD hồi tháng 5 vừa qua.

Cổ phiếu của Arm sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn Nasdaq vào thứ Năm ngày 14/9 (theo giờ Mỹ), với mã ARM.

Được biết, trong thương vụ IPO này, Arm chào bán 95,5 triệu cổ phiếu, qua đó huy động 4,87 tỷ USD. Tờ Fortune nói thêm, các nhà bảo lãnh có quyền lựa chọn mua thêm 7 triệu cổ phiếu.

Cũng theo Fortune, mặc dù trước đây Arm đặt mục tiêu huy động từ 8 - 10 tỷ USD qua đợt IPO nhưng mục tiêu này đã được hạ xuống, một phần là do SoftBank đã mua lại 25% cổ phần của Vision Fund, qua đó nắm toàn quyền sở hữu hãng chip này. Theo hồ sơ mà Arm gửi lên Uỷ ban Chứng khoán Mỹ (SEC), hậu IPO, SoftBank vẫn sẽ kiểm soát khoảng 90% cổ phần.

Theo Financial Times, các khách hàng lớn của Arm, bao gồm Apple, Google, Nvidia, Samsung, Intel và TSMC, đã “đánh tiếng” về việc sẽ mua cổ phiếu ARM với tổng trị giá 735 triệu USD tại mức giá IPO.

Trong đợt IPO này, 4 nhà bảo lãnh chính của Arm là Barclays, Goldman Sachs, J.P. Morgan và Mizuho USA. Ngoài ra, Raine Securities LLC cũng đóng vai trò cố vấn tài chính cho hãng chip này.

Cột mốc quan trọng của Soft Bank

Đợt IPO “bom tấn” của Arrm không chỉ là sự trở lại của hãng chip này trên thị trường đại chúng mà còn là cột mốc quan trọng đối với công ty mẹ là SoftBank.

Theo tìm hiểu, Arm Holdings được thành lập vào năm 1990 dưới hình thức liên doanh giữa Acorn Computers, Apple và VLSI Technology. Hãng chip này từng được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Luân Đôn và Nasdaq từ năm 1998 đến năm 2016, trước khi được SoftBank mua lại với giá 32 tỷ USD.

Năm 2020, SoftBank từng có ý định bán Arm cho Nvidia với giá 40 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ tiếp quản lớn nhất ngành chip. Tuy nhiên, nó đã không thể xảy ra khi vấp phải sự phản đối từ các nhà quản lý và khách hàng của Arm. Kể từ đó, SoftBank đã bắt tay vào kế hoạch đưa Arm trở lại sàn chứng khoán.

Tờ Fortune nhận định, sự ra mắt thành công của Arm sẽ mang lại cơ hội cho nhà sáng lập SoftBank Masayoshi Son, đồng thời cũng là người điều hành quỹ đầu tư Vision Fund vừa ghi nhận mức lỗ kỷ lục 30 tỷ USD vào năm ngoái.

“Bom tấn” IPO toàn cầu: Hãng chip Arm “nhắm” mức định giá kỷ lục hơn 54 tỷ USD
Đợt IPO của Arm là cột mốc quan trọng của SoftBank cũng như nhà sáng lập Masayoshi Son

Cũng theo Fortune, trong bối cảnh toàn ngành công nghiệp chip đang phải đối mặt với tình trạng doanh số sụt giảm và dư thừa hàng tồn kho, cuộc IPO này sẽ là giúp SoftBank “chiêu mộ” một số tên tuổi trong ngành công nghệ làm nhà đầu tư và tăng cường hỗ trợ cho công ty.

Theo Reuters, Arm đã bắt đầu nỗ lực tiếp thị về cuộc IPO của mình từ tuần trước, nhằm thuyết mục các nhà đàu tư rằng, tiềm năng tăng trưởng của họ vượt xa thị trường điện thoại thông minh – nơi mà họ đang nắm giữ 99% thị phần. Đối với thị trường điện toán đám mây, với việc đang nắm giữ 10% thị phần, hãng chip này tự tin còn nhiều dư địa để mở rộng và dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 17%/năm cho tới năm 2025, nhờ vào những tiến bộ của AI. Tại thị trường ô tô, Arm đang chiếm lĩnh 41% thị phần, được dự báo sẽ tăng trưởng 16%.

Theo hồ sơ niêm yết của Arm, doanh thu của hãng đã giảm khoảng 1% , xuống còn 2,68 tỷ USD. Thu nhập ròng của Arm, sau khi chứng kiến bước “nhảy vọt” từ mức 388 triệu USD năm 2021 lên mức 549 triệu USD vào 2022, đã giảm xuống còn 524 triệu USD trong năm nay.

Khác biệt với hầu hết công ty công nghệ thua lỗ nhưng có tốc độ tăng trưởng cao, ra mắt IPO với mức định giá cao rồi nhanh chóng giảm mạnh xuống dưới giá niêm yết, hiện tại Arm vẫn đang có lãi. Đây được coi là điểm mạnh của hãng. Giới phân tích cho rằng, Arm có khả năng sẽ theo kịp Nvidia, hãng chip được hưởng lợi lớn nhất từ ​​sự bùng nổ AI thời gian vừa qua.

Đợt “hạn hán” IPO sẽ chấm dứt?

Vượt qua thương vụ 4,37 tỷ USD của công ty con về sức khỏe người tiêu dùng Johnson & Johnson Kenvue Inc. IPO, đợt IPO của Arm đã chính thức trở thành thương vụ lớn nhất trên thế giới trong năm 2023.

Theo tờ Fortune, cuộc IPO này cũng được xếp vào hàng lớn nhất từ trước đến nay của ngành công nghệ, mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với các màn ra mắt của Alibaba (25 tỷ USD) hay Meta (16 tỷ USD).

Hãng tin này cho rằng, màn IPO tới đây của Arm có thể là chất “xúc tác” cho các đợt IPO của hàng chục công ty khởi nghiệp công nghệ và các công ty khác có kế hoạch IPO ở Mỹ. Các doanh nghiệp này dường như vẫn đang bị “mắc kẹt” trong “đợt hạn hán IPO” kéo dài từ từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009.

“Bom tấn” IPO toàn cầu: Hãng chip Arm “nhắm” mức định giá kỷ lục hơn 54 tỷ USD
Màn IPO của Arm được kỳ vọng sẽ chấm dứt thời kỳ "hạn hán IPO" kéo dài tại Mỹ

Theo các chuyên gia, tại Mỹ, công ty giao hàng tạp hoá Instacart, công ty phần mềm Databricks và startup xác minh danh tính Socure sẽ là những “ứng cử viên” tiềm năng cho các thương vụ IPO từ nay cho tới năm 2024. Màn IPO của Arm sẽ giúp lãnh đạo những doanh nghiệp này đánh giá chính xác về tiềm năng của thị trường.

Instacart có thể là một trong những công ty đầu tiên thực hiện IPO trước khi kết thúc năm 2023. Doanh nghiệp này từng nộp hồ sơ IPO tại New York vào tháng 5/2022, song không thể thực hiện kế hoạch do điều kiện thị trường không thuận lợi.

Trong khi đó, Databricks cũng cho thấy những tín hiệu mạnh mẽ về việc tiến hành IPO trong thời gian tới. Công ty này đã công bố doanh thu hơn 1 tỷ USD vào tháng 6 và mua lại đối thủ của OpenAI là MosaicML với giá 1,3 tỷ USD. Giám đốc điều hành Databricks, Ali Ghodsi đã nhiều lần tuyên bố ý định đưa công ty ra công chúng. Giống như Instacart, Databricks cũng sẽ theo dõi đợt IPO của Arm để đưa ra quyết định.

Về Socure, công ty xác minh danh tính được định giá 4,5 tỷ USD này từng gợi ý về việc IPO vào năm 2021 nhưng đã phải rút lại kế hoạch trước những biến động kém tích cực của thị trường. Theo người sáng lập Johnny Ayers, năm nay doanh nghiệp này đã nhận được khoản tín dụng trị giá 95 triệu USD từ JPMorgan và đã thuê một giám đốc tài chính mới có kinh nghiệm về IPO để chuẩn bị cho đợt IPO trong năm 2024.

Hiện tại, bên cạnh Instacart Inc., nhà cung cấp tiếp thị và tự động hóa dữ liệu Klaviyo, “kỳ lân công nghệ” VNG của Việt Nam và nhà sản xuất giày dép Birkenstock Holding Ltd. cũng đều đã nộp hồ sơ IPO lên Nasdaq.

Thách thức nào chờ đợi VinFast trong cuộc chơi "Mỹ tiến"?

Tương tự VinFast, hơn 10 năm trước, một doanh nghiệp Việt khác là Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Việt Nam (Cavico) đã ...

Hé mở thời điểm "kỳ lân công nghệ" VNG lên sàn chứng khoán Mỹ

Kế hoạch IPO quốc tế của VNG thu hút sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Một số nguồn tin cho biết, cuối tháng ...

Thế khó của “kỳ lân công nghệ” VNG trong cuộc IPO đất Mỹ

VNG đã bỏ lỡ “bữa tiệc” IPO ở Đông Nam Á vốn được Grab khởi động vào tháng 12/2021, và đang chuẩn bị niêm yết ...

Thái Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán