Boeing gặp khó khi tìm người kế nhiệm xử lý chuỗi khủng hoảng

(Banker.vn) CEO Dave Calhoun quyết định rời đi khi Boeing lún sâu vào khủng hoảng. Điều này gây sức ép cho Hội đồng quản trị phải tìm người kế nhiệm đưa công ty vượt khó.
Boeing và Vietjet ký kết hợp đồng cho đơn hàng 100 máy bay 737 MAX Phát hiện lỗi mới ở dòng máy bay Boeing 737 MAX Máy bay giảm độ cao đột ngột, 50 người bị thương: Thu giữ hộp đen để điều tra

Vết trượt khủng hoảng kéo dài

Theo Reuters đưa tin, mới đây Boeing thông báo, Giám đốc điều hành (CEO) David Calhoun sẽ rời vị trí này vào cuối năm nay sau 4 năm tại nhiệm. Hội đồng quản trị Boeing đã bắt đầu cuộc tìm kiếm người lãnh đạo mới để khắc phục những khó khăn hiện tại.

Giám đốc điều hành mới sẽ phải đối mặt với nhiều nhiệm vụ, bao gồm cải thiện văn hóa an toàn của công ty, giải quyết các vấn đề về chất lượng và lấy lại niềm tin của các cơ quan quản lý, khách hàng và công chúng.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Calhoun được coi là lãnh đạo kỳ cựu về xử lý khủng hoảng. Ông được bổ nhiệm năm 2020 để khắc phục khó khăn của hãng bay sau khi 737 Max (dòng máy bay bán chạy nhất của hãng) gây hai tai nạn chết người năm 2018 và 2019.

Tuy nhiên, ông Calhoun chưa phát huy được thành tựu như lãnh đạo Caterpillar, General Electric và Nieslen. Calhoun rời Boeing khi công ty đang chìm sâu trong khủng hoảng với các vấn đề về sản xuất và lo ngại độ an toàn.

Boeing gặp khó khi tìm người kế nhiệm xử lý chuỗi khủng hoảng
Một chiếc máy bay Boeing 737 MAX trong buổi trưng bày tại Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough, ở Farnborough, Anh. (Ảnh: Reuters)

Từ đầu năm 2024 tới nay, Boeing liên tiếp rơi vào chuỗi sự cố hy hữu. Ngày 5/1, một máy bay Boeing 737 MAX-9 của Hãng Alaska Airlines bất ngờ bị bung mất một mảng lớn của vỏ ngoài máy bay khi vừa cất cánh. Rất may, máy bay này đã kịp hạ cánh an toàn xuống sân bay thành phố Portland (bang Oregon).

Sự cố này buộc Alaska Airlines phải ngừng khai thác đội bay 737 MAX để kiểm tra hàng loạt và đã phát hiện nhiều đai ốc trên thân máy bay bị mất.

Tiếp tới ngày 18/1 một máy bay Boeing 747-8 của Hãng Atlas Air cũng phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Miami do một bên động cơ cháy lớn. Ở thời điểm xảy ra sự cố, chiếc máy bay này cũng chỉ vừa cất cánh.

Đến ngày 11/3, ít nhất 50 hành khách trên máy bay Boeing 787-9 Dreamliner của Hãng hàng không LATAM đã bị thương nhẹ do sự cố kỹ thuật. Hành khách cho biết máy bay đột ngột mất cao độ khiến họ bị va chạm mạnh với trần máy bay.

Trong hơn 4 năm dưới quyền ông Calhoun, giá trị thị trường của Boeing đã giảm đến 40%, từ 183,37 tỉ USD (tháng 1/2020) xuống còn 116,78 tỉ USD (tháng 3/2024). Chỉ tính riêng từ tháng 1/2024 đến nay, giá trị tập đoàn này đã bốc hơi 24%, giảm 40 tỷ USD so với định giá thị trường của hãng.

Không chỉ thiếu hụt về kinh tế, Boeing cũng phải thực hiện các mục tiêu nhằm tăng cường sản xuất, thúc đẩy dòng tiền khi hãng này cố gắng giảm nợ và bù đắp cho đối thủ châu Âu Airbus (AIR.PA).

Boeing đối mặt với áp lực tìm kiếm CEO mới

Ngoài Calhoun, Chủ tịch kiêm CEO Boeing Commercial Airlines (nhánh sản xuất máy bay thương mại của Boeing) Stan Deal cũng xin từ chức. Đầu tháng 1/2024, Boeing dường như đã chỉ định Stephanie Pope là nhà lãnh đạo tương lai sau khi bổ nhiệm bà làm Giám đốc điều hành, tiếp nối thành công tại bộ phận dịch vụ.

Tuy nhiên, ngày 24/3 bà Pope được bổ nhiệm làm trưởng bộ phận máy bay thương mại, thay thế Stan Deal. Vị trí mới của bà Pope sẽ khiến bà khó bước lên vị trí CEO hơn.

Theo đó, ông Pat Shanahan, cựu Giám đốc Boeing và từng là quyền Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời cựu Tổng thống Trump, cũng được xem là một ứng viên tiềm năng. Tuy nhiên, cựu Giám đốc Boeing từng làm việc cùng Shanahan cho biết, ông Shanahan có thể không muốn cam kết 5 năm với Boeing.

Các chuyên gia cho rằng, khả năng lớn Boeing sẽ bắt đầu khôi phục khủng hoảng với một lãnh đạo mới hoàn toàn để kiềm chế làn sóng chỉ trích về an toàn từ các cơ quan quản lý và Quốc hội.

Trong khi đó, các công đoàn mong muốn Boeing quay trở lại với những nguyên tắc cơ bản sau khi có nhiều chỉ trích rằng hãng ưu tiên lợi nhuận hơn là chất lượng và an toàn.

Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến Boeing gần đây liên tục sa vào hết khủng hoảng này đến khủng hoảng khác, dù Boeing đã rất phát triển dưới sự lãnh đạo của các nhà điều hành xuất thân từ kỹ sư suốt nhiều thập kỷ trước đó.

Linh Chi (Theo Reuters)

Theo: Báo Công Thương