Bộ Y tế siết kê đơn thuốc, bác sĩ có mã định danh

(Banker.vn) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, mỗi bác sĩ được phép kê đơn sẽ có mã quản lý riêng, theo dõi bao gồm số lượng đơn đã kê, chủng loại thuốc...
Bộ trưởng Bộ Y tế nói về trách nhiệm quản lý sau nhiều vụ sữa giả, thuốc giả Bộ Y tế tổ chức hội nghị toàn quốc phòng chống hàng giả, gian lận thương mại Bộ Y tế tổng rà soát việc quảng cáo, kinh doanh thuốc đông y

Kẽ hở cho hàng giả len vào bệnh viện

Ngày 23/5, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về đánh giá đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực y tế.

Phát biểu tại hội nghị, TS. Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, nhấn mạnh, công tác phòng, chống buôn lậu và hàng giả trong hệ thống y tế, đặc biệt tại các bệnh viện, là vấn đề nghiêm trọng và phức tạp.

"Vấn đề này có liên quan đến nhiều nhóm đối tượng, từ các cơ sở sản xuất cho đến đơn vị tiêu thụ. Trong lĩnh vực khám, chữa bệnh, nguy cơ càng đáng lo ngại hơn khi nhiều sản phẩm được đưa vào bệnh viện nhưng không đảm bảo chất lượng", ông Đức cảnh báo.

TS Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - Ảnh: Tuấn Dũng
TS. Hà Anh Đức - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế). Ảnh: Tuấn Dũng

Theo ông, hiện nay, tại các bệnh viện, các địa điểm như quầy thuốc, căng tin, khu dịch vụ… là những nơi có thể bị lợi dụng để đưa vào tiêu thụ các sản phẩm có tác dụng như thuốc, thực phẩm chức năng hoặc hàng tiêu dùng y tế nhưng không rõ nguồn gốc, không được kiểm định đầy đủ.

Không chỉ dừng lại ở vấn đề chất lượng sản phẩm, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng lưu ý đến hiện tượng giả mạo chứng chỉ hành nghề y.

"Gần đây, một số vụ việc do công an các tỉnh phát hiện cho thấy có tình trạng làm giả hồ sơ, chứng chỉ để cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng. Những chứng chỉ giả này không được cấp bởi người có thẩm quyền, gây rủi ro nghiêm trọng về pháp lý và an toàn sức khỏe", ông Đức nói.

Cán bộ y tế không được kê đơn thực phẩm chức năng

Liên quan đến công tác quản lý chuyên môn, TS. Hà Anh Đức khẳng định, Bộ Y tế đã có quy định rất rõ cán bộ y tế không được phép kê đơn thực phẩm chức năng.

"Thực phẩm chức năng không phải là thuốc điều trị bệnh. Việc kê đơn thực phẩm chức năng là hành vi vi phạm quy chế chuyên môn và sẽ bị xử lý theo quy định", ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, trách nhiệm trong việc đưa sản phẩm vào môi trường bệnh viện cũng được ông Đức đặc biệt lưu ý. Ông Đức dẫn ví dụ, khi bệnh viện tổ chức đấu thầu cho căng tin, nhà thuốc hay nhà cung cấp sản phẩm, các đơn vị này phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chất lượng, xuất xứ hàng hóa. Khi sản phẩm được đưa vào sử dụng, giám đốc bệnh viện là người phải chịu trách nhiệm cuối cùng.

Hiện nay, Sở Y tế các tỉnh, thành phố là đơn vị phụ trách trực tiếp công tác quản lý nhà nước về y tế tại địa phương. Ở cấp trung ương, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tiếp tục đóng vai trò đầu mối chuyên môn, cung cấp hướng dẫn và giám sát hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc.

kiểm soát định danh bác sĩ được phép kê đơn, bác sĩ kê đơn ra sao, kê thuốc gì, đơn vị nào bán thuốc đó
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đang phối hợp với Cục Quản lý Dược để có một cơ sở dữ liệu quốc gia về dược, dữ liệu về các cơ sở bán thuốc trên phạm vi toàn quốc. Ảnh minh họa

Siết quản lý hành nghề y, kiểm soát kê đơn

TS. Hà Anh Đức cho hay, về giải pháp, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đang đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế xây dựng cơ sở dữ liệu người hành nghề y trên toàn quốc, không phân biệt địa giới hành chính.

Theo đó, mọi cá nhân hành nghề, từ bệnh viện công lập đến cơ sở tư nhân, sẽ được quản lý theo hồ sơ điện tử gồm: Phạm vi hành nghề, nơi công tác, thời gian hành nghề, quá trình đào tạo và lịch sử vi phạm (nếu có). Cơ sở dữ liệu sẽ liên thông trên toàn quốc, giúp tra cứu thông tin thông qua số căn cước công dân hoặc mã định danh cá nhân.

"Mỗi người hành nghề phải chịu trách nhiệm rõ ràng, không thể có tình trạng cơ sở không đủ điều kiện vẫn hoạt động hay bác sĩ vi phạm nhưng chuyển sang cơ sở khác tiếp tục hành nghề mà không bị phát hiện", ông Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Cục cũng đang xây dựng một thông tư mới về quản lý kê đơn và giám sát doanh số kê đơn. Theo đề xuất, mỗi bác sĩ được phép kê đơn sẽ có mã quản lý riêng, thông tin kê đơn được theo dõi bao gồm số lượng đơn đã kê, chủng loại thuốc, điểm bán thuốc thực tế sau kê đơn…

"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị để kiểm tra xem đơn thuốc sau khi kê có được bán tại nhà thuốc trong bệnh viện hay người bệnh phải ra ngoài mua. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng kê đơn tràn lan, không rõ nguồn gốc thuốc bán theo đơn", ông Đức nói.

Trước đó, Bộ Y tế đã có các văn bản gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường Đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành về việc tăng cường kiểm tra, giám sát kê đơn, chỉ định trong khám bệnh, điều trị cho người bệnh.

Công văn nhấn mạnh yêu cầu rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực trong kê đơn thuốc, chỉ định các kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy "hoa hồng", gây phiền hà cho người bệnh nhằm trục lợi từ người bệnh cũng như Quỹ Bảo hiểm y tế.

Nguyên Thảo

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục