Bộ Xây dựng: Ngành bất động sản rơi vào thế khó, nhiều dự án bị “mắc kẹt”

(Banker.vn) Trong Báo cáo hỏa tốc gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng nhấn mạnh đến khó khăn mà doanh nghiệp bất động sản đang phải trải qua, đồng thời mong muốn giúp doanh nghiệp tháo gỡ những dự án lớn.
Bộ Xây dựng: Ngành bất động sản rơi vào thế khó, nhiều dự án bị “mắc kẹt”
Ngành bất động sản rơi vào “thế khó”, nhiều dự án bị “mắc kẹt”

Ngày 3/8, Bộ Xây dựng đã gửi văn bản hỏa tốc báo cáo về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và lần lượt trực tiếp làm việc với một số địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Thuận.

Sau 1 thời gian rà soát, Bộ Xây dựng nhận về 112 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp liên quan đến 174 dự án bất động sản. Bộ cũng báo cáo tổng hợp dựa trên báo cáo của 8 Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và của 41/63 tỉnh, thành phố.

Về nguồn cung bất động sản, trong quý II/2023, nguồn cung bất động sản, nhà ở vẫn hạn chế hoàn thành có 7 dự án với 2.424 căn, chỉ bằng 29.17% so với cùng kỳ năm ngoái và bằng 50% so với quý I/2023. Nguyên nhân giảm sút nguồn cung chủ yếu do triển khai chậm hoặc bị dừng hẳn vì vướng mắc về pháp lý, nguồn vốn…

Hiện tại, theo báo cáo có 986 dự án với 413.539 căn đang gặp khó khăn trong quá trình xây dựng. Riêng khu vực miền Bắc có 415 dự án; khu vực miền Trung có 372 dự án; ở miền Nam có 197 dự án.

Đáng chú ý, Bộ Xây dựng đã trực tiếp làm việc để giải đáp khó khăn cho các dự án của Novaland, Hưng Thịnh tại tỉnh Đồng nai và dự án Novaworld Phan Thiết tại tỉnh Bình Thuận.

Về nguồn vốn, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 947.890 tỷ đồng, tăng 17,41% so với cuối năm 2022.

Tuy nhiên, vốn FDI đầu tư vào các ngành nghề kinh tế đều giảm nhẹ; riêng bất động sản ghi nhận giảm mạnh nhất, với tổng vốn đăng ký là 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhận định, cơ bản những khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, pháp luật liên quan đến việc đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành, đã được tháo gỡ thông qua việc ban hành các nghị định và thông tư liên quan.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sinh cũng mong rằng Chính phủ sẽ sớm đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong dự thảo các luật trình Quốc hội xem xét thông qua trong thời gian tới.

Bên cạnh việc báo cáo, đề xuất nguyện vọng với Chính phủ, Bộ Xây dựng còn mong muốn nhận được sự phối hợp từ các ban, ngành, địa phương chung tay giải quyết vướng mắc về đất đai, vật liệu xây dựng. Nếu phát huy được tinh thần đoàn kết, thị trường bất động sản sẽ dần “sáng lên”.

Theo quan điểm của Bộ Xây dựng, tập trung triển khai nhà ở xã hội là yếu tố quan trọng nhất bởi mô hình này giúp giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn vốn cho vay ưu đãi để tạo động lực, sức lan tỏa, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững.

Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, thời gian qua thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn do 2 nút thắt lớn là vốn và pháp lý. Nhưng đến thời điểm này, những “sóng gió” đã qua đi và hậu quả đang dần được tháo gỡ.

Về pháp lý, bên cạnh Nghị quyết 33, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023 theo hướng mở hơn, có lộ trình phù hợp hơn đối với việc phát hành, gia hạn trái phiếu.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và Luật Tổ chức tín dụng cũng đã được Quốc hội thảo luận nghiêm túc về các nội dung sửa đổi, bổ sung, dự kiến đến tháng 10/2023 sẽ đồng loạt được thông qua, có ý nghĩa lớn trong việc tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý.

Với vấn đề nguồn vốn, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất với 4 ngân hàng thương mại “tung ra” gói tài chính 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy gói tài chính này được đánh giá mức lãi suất chưa thực sự phù hợp với người mua nhà, nhưng lại được xem là giải pháp “cứu cánh” cho các doanh nghiệp đầu tư.

Theo các chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản sẽ ấm dần từ quý IV/2023. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục chủ động phương án khắc phục khó khăn, “ngóng” thời cơ tới.

Ngọc Bích

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán