Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Biến di sản thành tài sản nhưng không làm bằng mọi giá

(Banker.vn) Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, cần phát huy các giá trị di sản, biến di sản thành tài sản, nhưng không làm bằng mọi giá.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Giải bài toán quy hoạch, xác định địa điểm phát triển du lịch đêm Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Chưa phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch

Tổ chức thực hiện nghiêm các cam kết bảo vệ di sản

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, chiều ngày 5/6, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn nêu, du lịch di sản đã và đang có những bước phát triển đáng ghi nhận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian qua. Tuy nhiên, thực tế nhiều di sản đã được khai thác tối đa giá trị kinh tế khiến nhiều điểm tham quan di tích quá tải, lộn xộn, nhất là vào dịp lễ hội đầu năm.

"Các di sản văn hóa khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình hàng hóa hóa di sản, quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, không theo chu kỳ hoạt động mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách. Đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về thực tế này cũng như có giải pháp nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội"- Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân chất vấn.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Biến di sản thành tài sản nhưng không làm bằng mọi giá
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn quan tâm, coi di tích, di sản là báu vật thiên nhiên ban tặng. Vì vậy, thời gian qua Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến công tác bảo tồn di tích, di sản, đề cao trách nhiệm bảo vệ các di tích, di sản…

Theo Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, trách nhiệm của chúng ta là bảo tồn, phát huy các di sản đó. "Luật Di sản sẽ được Quốc hội ban hành sớm nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, biến di sản thành tài sản, tuy nhiên, không có nghĩa là làm bằng mọi giá, không đánh đổi"- ông Nguyễn Văn Hùng khẳng định.

Đối với các di tích, di sản được công nhận, tôn vinh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh, chính quyền địa phương, nơi được giao trách nhiệm quản lý đều có chương trình hành động đi kèm để bảo vệ, phát huy các giá trị các di tích, di sản.

Giải pháp căn cơ cho vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chỉ rõ chúng ta phải tôn trọng các cam kết, các phương án bảo vệ di tích, di sản sau khi được công nhận, tổ chức thực hiện nghiêm để điều này đi vào trong tiềm thức và sẽ không lợi dụng các di tích, di sản làm xấu đi hình ảnh của các di tích, di sản...

Bên cạnh đó, khi các di sản được công nhận, tôn vinh rồi, không chỉ để đó mà cần biến thành tài sản; do đó chúng ta cũng cần biết khai thác một cách hợp lý, xây dựng được các sản phẩm gắn liền với di tích, di sản có tính văn hóa…”- ông Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Sức hút từ nghệ thuật truyền thống chưa nhiều

Trong phiên chất vấn, đại biểu Trần Quốc Quân - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An, nêu vấn đề: Thời gian qua, với sự phát triển, hội nhập, các loại hình biểu diễn nghệ thuật đương đại, các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một.

Đặc biệt, theo đại biểu Trần Quốc Quân, việc triển khai các hoạt động, chính sách bảo tồn nghệ thuật truyền thống còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, về thu hút lực lượng trẻ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp như nào để duy trì và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Quốc Quân về phát huy, bảo tồn nghệ thuật truyền thống, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây cũng là vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm, làm sao để các loại hình nghệ thuật truyền thống được lưu giữ, được truyền dạy cho con cháu mai sau, để vừa phát triển vừa giữ được bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, câu chuyện này không phải đơn giản.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, khi đang tinh gọn bộ máy, các đoàn nghệ thuật truyền thống ở các địa phương đang có nguy cơ khép lại; các đoàn nghệ thuật ở cấp trung ương để có thể tiếp tục đào tạo, huấn luyện, cũng rơi vào khó khăn bởi cơ chế tự chủ hoặc tự chủ một phần. Trong khi đó vẫn phải đảm bảo điều kiện hoạt động từ sáng tác đến nghệ thuật biểu diễn, khâu đào tạo.

Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Hùng đánh giá sức hút từ nghệ thuật truyền thống chưa nhiều. Bộ môn tuồng, chèo, cải lương còn khó khăn trong công tác tuyển dụng. Do vậy, để phát triển lâu dài, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho rằng, giải pháp là cần tập trung đào tạo năng khiếu, tiếp tục đào tạo loại hình này theo hướng nghệ thuật đỉnh cao, tham mưu ban hành chính sách trong đó không nên thực hiện tự chủ để loại hình này được phát triển.

Cụ thể, Trung ương sẽ thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng có tính chất đỉnh cao, còn địa phương theo khả năng, điều kiện thì khuyến khích phát triển các loại hình theo hướng tập trung phát triển chính sách cho nghệ nhân. “Bởi nghệ nhân ở địa bàn chính là người giữ hồn, giữ lửa, như nghệ nhân hát bài chòi, dân ca, quan họ. Việc lan truyền trong cộng đồng dân cư cũng là cách để gìn giữ, bảo tồn”, ông Hùng nói.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nói thêm, cần tập trung kết nối với du lịch, coi sản phẩm quan du lịch phải dựa trên tài nguyên văn hóa, để tạo ra hiệu ứng lan tỏa và thông qua đó giải quyết bài toán kinh tế trong văn hóa, để có điều kiện phát triển loại hình này.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương