Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích tại sao không đưa giá điện vào mặt hàng bình ổn giá

(Banker.vn) Phát biểu giải trình một số vấn đề đại biểu quan tâm về Luật Giá (sửa đổi), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã giải thích tại sao không đưa giá điện vào bình ổn giá.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: "Anh em xin nghỉ việc nhiều, tôi phải gặp động viên suốt" Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói gì về Quỹ bình ổn giá xăng dầu? Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường "phân trần" về định giá đất

Phát biểu tại phiên họp thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt cho cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã góp ý. Theo đó, đã tiếp thu ý kiến của đại biểu từ nhiều vòng và nhiều lần, đã bàn đi, bàn lại và sau đó trình với cấp có thẩm quyền, đến hôm nay những vấn đề cốt lõi đã được tiếp thu và đưa vào trong dự thảo.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích tại sao không đưa giá điện vào mặt hàng bình ổn giá
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu giải trình một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Làm rõ hơn một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu về quy định giá sàn và giá trần của hàng không nội địa, Bộ trưởng Bộ Tài chính giải thích, chúng ta giữ giá trần để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng và những người có thu nhập thấp cũng được tiếp cận với các hãng hàng không, đa dạng hóa và từ đó giảm được chi phí xã hội, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, hiện nay, chúng ta có 6 hãng hàng không nội địa, việc cạnh tranh của các hãng hàng không nội địa cần phải quy định một giá trần để đảm bảo quản lý của Nhà nước, và chúng ta luôn luôn chia sẻ với các doanh nghiệp.

Dẫn ví dụ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nêu, mấy năm nay Nhà nước đã giảm 70% giá thuế môi trường trong xăng dầu cho các hãng bay để đảm bảo cho vấn đề hạ giá thành và quản lý, đảm bảo giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi cho rằng ý kiến giá trần cần phải giữ, đồng thuận với nhiều ý kiến của đại biểu.

Về giá sàn, người đứng đầu ngành tài chính cho biết, chúng tôi lấy kinh nghiệm của quốc tế như Trung Quốc, Ấn Độ đã bỏ giá sàn năm 2013. Hay ở Mỹ, áp dụng từ năm 1938 - 1978, hiện nay cũng đã bỏ giá sàn. Chúng ta cũng vì lợi ích của người dân và thúc đẩy cho việc phát triển du lịch, hơn nữa, các hãng hàng không cũng có dải giá rất rộng, từ 10 đến 15 bậc.

"Vì vậy, không phải giá nào cũng đưa xuống dưới giá sàn mà từng chuyến bay, từng đối tượng và từng nhóm đối tượng. Cho nên, chúng tôi cũng thống nhất với ý kiến của đại biểu là chúng ta bỏ giá sàn" - Bộ trưởng nói.

Về giá sách giáo khoa, đề xuất đưa ra khung giá cũng tương tự như giá hàng không để đảm bảo cho quyền lợi của người học, tức là đảm bảo giá rẻ. Còn đối với các doanh nghiệp, chúng tôi cũng đã báo cáo với Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng thuận bỏ giá sàn để đảm bảo cho giá trần và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Về vấn đề thẻ thẩm định viên quy định: Hội đồng thẩm định giá tối thiểu có 50% thành viên có chứng chỉ. Trước đây, luật hiện hành chỉ quy định có một thành viên và bây giờ chúng ta đã đưa lên 50% thành viên trong Hội đồng. Đó là mức cao và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ với đề xuất này.

Đối với ý kiến về công khai thông tin giá cũng như trách nhiệm niêm yết giá và một số quy định về giá ship, Hồ Đức Phớc cho hay, chúng tôi sẽ làm rõ hơn. Trong Luật Giá, sẽ giao cho Chính phủ quy định về vấn đề phương pháp định giá.

Trong vấn đề định giá có 2 loại tiếp cận. Một phương pháp tiếp cận theo giá thị trường, tức là theo quan hệ cung cầu. Một phương pháp khác xác định tiếp cận theo chi phí, tức là yếu tố hình thành giá, chẳng hạn nh quy định xây dựng giá liên quan đến giá ship hay là các chi phí trung gian như thế nào...

Về một số mặt hàng bình ổn giá, trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất Quốc hội quyết định về mặt hàng bình ổn giá. Khi có biến động, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có quyết định điều chỉnh.

Đặc biệt, trước vấn đề tại sao không đưa giá điện vào trong bình ổn, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu, giá điện chúng ta đã đưa vào trong định giá, như vậy không đưa vào bình ổn nữa. Vì chính định giá sẽ có lợi cho người tiêu dùng, có lợi cho người dân, vì các lý do:

Thứ nhất, hiện nay nguồn lực phải đảm bảo, trong khi ngân sách chúng ta đang còn hạn hẹp, hoặc vấn đề doanh nghiệp sản xuất điện, hiện nay chủ yếu là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - tập đoàn của Nhà nước chiếm trên 50% nguồn điện. Thứ hai, nếu hỗ trợ bằng ngân sách thì phải sửa Luật Ngân sách để phù hợp.

Về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu xác định là cần thiết, Bộ trưởng nhấn mạnh, chúng tôi sẽ quy định cụ thể vấn đề Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, quản lý đảm bảo mục tiêu và đảm bảo hiệu quả.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục