Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói gì về việc "lập khống" hồ sơ để hưởng bảo hiểm xã hội?

(Banker.vn) Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã giải đáp về vấn đề "lập khống", làm giả hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Sáng 6/6, Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Sẽ sửa đổi Luật để giải quyết tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội Trung Nguyên ký thỏa thuận hợp tác chiến lược với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

Ngày 6/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV tiến hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.

Đại biểu Lý Văn Huấn - đoàn Thái Nguyên chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tình trạng vi phạm pháp luật trong vấn đề lập khống, làm giả hồ sơ để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội vẫn diễn biến hết sức phức tạp.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về việc "lập khống" hồ sơ để hưởng bảo hiểm xã hội
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu trả lời chất vấn

Theo báo cáo của Bộ trưởng, trong năm 2021, qua công tác thanh tra, kiểm tra đã phát hiện và yêu cầu truy thu 9,5 tỷ đồng tiền chi sai quy định về bảo hiểm xã hội. Những vi phạm thuộc lĩnh vực này, Bộ trưởng đã chỉ đạo xử lý như thế nào? Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới nhằm hạn chế các tồn tại, vi phạm nêu trên?

Vấn đề thứ hai, từ sáng đến giờ, nhiều đại biểu đã chất vấn liên quan đến tình trạng chậm đóng và nợ đọng bảo hiểm xã hội. Điều 216 Bộ luật Hình sự có quy định về vấn đề tội trốn đóng bảo hiểm xã hội. "Vậy nguyên nhân gì theo Bộ trưởng nói chưa xử lý được hình sự trường hợp nào, do cơ chế hay do quy định của pháp luật và tới đây sửa Luật Bảo hiểm, Bộ trưởng sẽ có những giải pháp gì để giải quyết dứt điểm vấn đề này?" - đại biểu Lý Văn Huấn đặt vấn đề.

Trả lời đại biểu Lý Văn Huấn về chuyện hồ sơ giả, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, tình trạng trốn đóng, hồ sơ giả... thời gian vừa qua đã được xử lý một cách liệt. Đặc biệt, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, tình trạng hồ sơ giả, thu gom sổ bảo hiểm, trục lợi, mạo danh hồ sơ thời gian vừa qua đều được thanh tra, xử lý về cơ bản, do đó tình trạng này có giảm đi.

Ví dụ, riêng thanh tra của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thời gian qua đã thanh tra 992 đơn vị, xử lý 2.995 kiến nghị, ban hành 205 quyết định xử phạt. "Chưa bao giờ, trong 2 năm qua làm quyết liệt như thế. Sau chất vấn của Quốc hội ngày 11/11/2021, tôi đã chủ trì, đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng nhắc tôi rất nhiều và Bộ vào cuộc quyết liệt" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Bộ trưởng cho biết thêm, ngay trong kế hoạch năm 2023, chúng tôi đã phải dành 1/3 số đoàn để thanh tra những vấn đề xử lý vi phạm bảo hiểm xã hội, đó là chưa kể còn trên 3.000 trường hợp các đoàn thanh tra của bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, qua thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính và xử lý sau thanh tra đã góp phần giảm tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. "Năm 2022, chỉ còn chiếm 3,3% phần phải thu. Đây là một tiến bộ rất lớn, chúng tôi sẽ cố gắng làm tốt hơn. Giải pháp căn cơ về vấn đề này thì phải tiến hành đồng bộ 5 giải pháp căn bản" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, thứ nhất, phải tập trung vào tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật, ý thức chấp hành của người sử dụng lao động và người lao động vì đây là lợi ích. "Chỉ cần chậm 1 tháng nộp là lợi ích nó khác, nhất là đối với những doanh nghiệp, những tập đoàn lớn" - ông Đào Ngọc Dung lưu ý.

Thứ hai, cũng phải tập trung vào sửa đổi hệ thống, nhất là các quy phạm pháp luật, kể cả Luật Bảo hiểm xã hội và các nghị định xử phạt, xử lý vi phạm.

Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Thứ tư, phải tập trung rất nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối giữa bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế với cơ sở dữ liệu dân cư. Đây là căn cốt, vừa qua bảo hiểm xã hội đã cố gắng nhưng chưa tốt, chưa đạt yêu cầu so với nhu cầu của chúng ta, hay nhu cầu quản lý nhà nước về mặt bảo hiểm xã hội.

Thứ năm, phải minh bạch cho người lao động biết. Hiện nay tại sao người lao động không được biết về bảo hiểm này của mình, chậm đóng 1 tháng không được biết, 3 tháng không được biết. Theo đó, phải làm sao để cập nhật thông tin này đến ngày đóng mà người lao động chưa thấy đóng cho mình phải thông tin để kiểm tra ngay.

"Chiều hôm qua, tôi có nói với đồng chí Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội, phải làm được việc đó, bài học chúng ta trong 3 tháng giải ngân 41.000 tỷ đồng từ bảo hiểm xã hội chính là chúng ta có cơ sở dữ liệu, có thông tin. Đây là vấn đề chúng ta phải rút kinh nghiệm" - ông Đào Ngọc Dung cho hay.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục