Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Công tác ngoại giao kinh tế sẽ tập trung vào 6 trọng tâm

(Banker.vn) Trên cơ sở tin cậy chính trị được củng cố, tăng cường, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao đã đặt ra 6 trọng tâm trong công tác ngoại giao kinh tế.
Đề nghị Trung Quốc tuân thủ Hiệp định về phân định Vịnh Bắc Bộ Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai về xuất nhập khẩu Chiều nay 18/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ trả lời chất vấn Quốc hội Bộ Ngoại giao đang triển khai đàm phán với 80 nước về miễn thị thực song phương

Theo chương trình Phiên họp thứ 31, chiều 18/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thực hiện Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao, Đại biểu Lê Hữu Trí - Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa cho rằng, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động khó lường, quan hệ giữa nước ta với các đối tác trong khu vực thời gian tới có những thời cơ và thách thức gì?. Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao đã và sẽ tham mưu Chính phủ có các kế hoạch, chương trình hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, du lịch với các đối tác thương mại lớn chủ chốt của Việt Nam như thế nào và hỗ trợ gì cho các địa phương trước những thời cơ và thách thức mới?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Công tác ngoại giao kinh tế sẽ tập trung vào 6 trọng tâm
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn về các giải pháp trong thúc đẩy hoạt động ngoại giao kinh tế. Ảnh: Quochoi.vn

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Lê Hữu Trí, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, việc làm sâu sắc quan hệ với các nước đối tác đã tạo ra rất nhiều cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, giáo dục - đào tạo và giao lưu nhân dân, du lịch...

Trên cơ sở tin cậy chính trị được củng cố, tăng cường, Bộ Ngoại giao đặt ra các trọng tâm trong ngoại giao kinh tế thời gian tới.

Thứ nhất là phải phát huy hiệu quả các khuôn khổ quan hệ đã thiết lập và nâng tầm quan hệ; qua đó xác định những trọng tâm hợp tác trong từng lĩnh vực với các đối tác và trên cơ sở đó sẽ thông tin cho các địa phương, bộ ngành để cùng nhau phối hợp triển khai để tranh thủ tốt nhất cơ hội mở ra.

Thứ hai là tăng cường công tác nghiên cứu, phát hiện và kết nối các cơ hội để làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống.

Thứ ba là đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác về chuyển đổi năng lượng.

Thứ tư là hỗ trợ các ngành, các lĩnh vực địa phương, doanh nghiệp có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tiễn của đất nước ta; triển khai bằng các dự án hợp tác rất cụ thể.

Thứ năm là phát huy lợi thế, nâng cao hơn nữa vai trò ngoại giao trong nghiên cứu, tham mưu phục vụ cho điều hành của Chính phủ và các cơ quan của Đảng và Nhà nước ta.

Thứ sáu là tham gia đóng góp tích cực vào các cơ chế hợp tác kinh tế đa phương, duy trì được chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất.

Tương tự, trên nghị trường Quốc hội, Đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho biết, đến nay Việt Nam đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên đối tác chiến lược toàn diện với nhiều quốc gia, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Điều này mở ra nhiều cơ hội và không ít thách thức để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước và các địa phương.

“Giải pháp hiệu quả nào trong việc thúc đẩy quan hệ đối ngoại và hợp tác quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong thời gian tới?”- Đại biểu Lê Thị Song An đặt câu hỏi.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với 193 nước thành viên của Liên hợp quốc, có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với 7 nước.

Trong việc thiết lập, nâng cấp quan hệ với các đối tác, Việt Nam quan tâm đến các nội hàm quan trọng như: Tạo dựng tin cậy chính trị cao hơn với các đối tác, từ những thế mạnh của từng đối tác để thúc đẩy khuôn khổ thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo một cách sâu sắc hơn, toàn diện hơn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nói.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, Việt Nam cũng tìm ra những đột phá trong quan hệ với đối tác, ví dụ tiêu biểu nhất là đã đưa ra đột phá tăng cường kết nối hạ tầng với Trung Quốc. Trong đó, các tỉnh miền Bắc sẽ có kết nối đường sắt liên thông với các tỉnh sâu trong nội địa Trung Quốc, kết nối với các nước Trung Á và Đông Âu.

Với Hoa Kỳ, đột phá của Việt Nam là hợp tác phát triển công nghiệp bán dẫn, tiếp tục củng cố hợp tác thương mại, đầu tư. Với Australia, trọng tâm là hợp tác về nông nghiệp công nghệ cao và giáo dục đào tạo.

Với Nhật Bản, ngoài lĩnh vực hợp tác truyền thống, Việt Nam đã thỏa thuận để khoản ODA thế hệ mới ưu đãi hơn, thuận tiện hơn cho việc giải ngân, hỗ trợ trong phát triển hạ tầng, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng.

Về ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định việc triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển là trọng tâm. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động về triển khai công tác ngoại giao kinh tế, vùng phát triển. Các bộ, ngành, các địa phương cũng đã cụ thể hóa xây dựng kế hoạch riêng của mình về công tác ngoại giao kinh tế. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng đã chủ trì, chỉ đạo 3 Hội nghị về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển.

Trước đó, phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua, tình hình thế giới trải qua nhiều biến động, bên cạnh những thuận lợi, cũng xuất hiện nhiều khó khăn, thách thức mới gay gắt hơn trước, đặt ra nhiều nhiệm vụ mới nặng nề cho công tác đối ngoại, ngành ngoại giao. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ngành ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ bản sắc ngoại giao cây tre Việt Nam, triển khai đồng bộ, sáng tạo trên 4 trụ cột thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Ngoại giao.

Việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả 4 trụ cột ngoại giao đã đem lại những kết quả toàn diện, quan trọng. Ngành Ngoại giao đã hỗ trợ và trực tiếp tham mưu, phối hợp với các bộ ngành tổ chức các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao diễn ra ở khắp các châu lục và nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương, qua đó, củng cố vững chắc cục diện đối ngoại thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc, tạo dựng được sự tin cậy chính trị ngày càng cao, thúc đẩy hợp tác quốc tế sâu sắc và toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương