Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: 5 bài học điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023

(Banker.vn) Nhân dịp Xuân Quý Mão, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã chia sẻ với phóng viên về những thách thức, giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2023
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề về Luật Hợp tác xã (sửa đổi) Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Đã nghiên cứu kỹ lưỡng để lựa chọn “kịch bản” phát triển

Thưa Bộ trưởng, năm 2022 kinh tế Việt Nam đạt được những thành tựu khá tích cực, nhưng triển vọng tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chững lại từ quý IV/2022. Vậy theo Bộ trưởng, đâu là những thách thức đối với tăng trưởng trong nước năm 2023?

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng: Năm qua, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo… Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều ngành, lĩnh vực, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: 5 bài học điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Cụ thể, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân dưới 4%. Tăng trưởng GDP ước đạt khoảng 8,02%. Thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định; điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, tháo gỡ những "nút thắt" của dòng vốn trong nền kinh tế; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên. Công tác điều hành giá được chỉ đạo quyết liệt, sát sao, hiệu quả, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu như: Xăng, dầu, sách giáo khoa, hỗ trợ hoạt động kinh doanh và đời sống người dân…

Tuy nhiên, bước sang năm 2023, tình hình kinh tế thế giới dự báo tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm trước; lạm phát duy trì ở mức cao; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều quốc gia; thị trường bất động sản ở nhiều nước khó khăn hơn; khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước...

Đặc biệt, một số quốc gia có dấu hiệu rơi vào suy thoái kinh tế nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng... sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các nền kinh tế.

Trong khi đó, Việt Nam là một quốc gia đang trong hành trình đổi mới và hội nhập với thế giới, từng bước cố gắng thu hẹp khoảng cách và bắt kịp với các nước phát triển trong khu vực. Nền kinh tế của chúng ta có quy mô còn khá khiêm tốn, khả năng thích ứng, chống chịu trước những "cú sốc" đến từ bên ngoài còn hạn chế nhưng lại có độ mở lớn, dễ bị ảnh hưởng từ các biến động, dù là nhỏ của thế giới.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: 5 bài học điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023
Công nghiệp đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế năm 2022

Trong bối cảnh thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn. Theo Bộ trưởng, để nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế chúng ta cần có những giải pháp như thế nào?

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Trong bối cảnh đó, việc nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế, tạo tiền đề xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nước ta trong tình hình mới. Đây là một định hướng, chủ trương nhất quán, xuyên suốt, được xác định rõ trong các nghị quyết, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Trên cơ sở đó, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ đã khẩn trương chỉ đạo xây dựng các nghị quyết triển khai thực hiện kết luận của Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội triển khai thực hiện kế hoạch năm 2023.

Trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn, để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra, chúng ta cần quyết liệt, tập trung đẩy mạnh và triển khai nhanh hơn các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của năm 2023 trên tinh thần đoàn kết kỷ cương; bản lĩnh, linh hoạt; đổi mới sáng tạo; kịp thời, hiệu quả.

Cần kiên định, nhất quán với với quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước; đó là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô, phù hợp với tình hình thực tiễn. Cùng với đó, tiếp tục chú trọng, nâng cao công tác hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật, tạo điều kiện khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển. Tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện các đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và hệ thống kết cấu hạ tầng.

Đồng thời, tập trung cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường. Củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định, trật tự, an toàn xã hội để phát triển đất nước.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: 5 bài học điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5%

Từ những thách thức cũng như thành tựu đạt được trong năm 2022, Việt Nam rút ra được bài học gì trong điều hành kinh tế năm 2023 nhằm đạt được được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế Việt Nam dù đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực nhưng vẫn chịu tác động sâu sắc từ những biến động nhanh, mạnh của tình hình thế giới.

Từ cuối tháng 10 trở lại đây, các động lực tăng trưởng, sản xuất công nghiệp… có xu hướng chậm lại; các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu lớn của nước ta bị thu hẹp. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro, nhiều vướng mắc, bất cập chưa được xử lý, tháo gỡ triệt để; niềm tin thị trường giảm sút. Thị trường tiền tệ, ngoại hối chịu áp lực lớn; xuất hiện tình trạng khó khăn, có thời điểm xuất hiện “nút thắt” về dòng tiền, thanh khoản của nền kinh tế. Trước những vấn đề nêu trên, Chính phủ đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành, đại phương tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp để ứng phó.

Từ thực tiễn trong công tác điều hành năm 2022, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong năm 2023, đó là: Thứ nhất, bám sát đường lối, quan điểm điều hành của Đảng, Nhà nước, tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, thống nhất, xuyên suốt, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả, sâu sát thực tiễn.

Thứ hai, trong bối cảnh càng có nhiều khó khăn, thách thức, càng phải đoàn kết, chung tay, đồng lòng, chia sẻ khó khăn, phát huy tinh thần trách nhiệm, kiên trì, kiên định thực hiện mục tiêu nhưng thích ứng linh hoạt, quyết liệt hiệu quả trong điều hành.

Thứ ba, theo dõi sát, chủ động, nắm chắc diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, bình tĩnh, bản lĩnh, tự tin, chủ động phương án ứng phó với các tình huống bất ngờ phát sinh.

Thứ tư, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, “nói đi đôi với làm”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân bổ nguồn lực, tránh độ trễ trong khâu triển khai nhằm gia tăng hiệu quả tác động của chính sách.

Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa yếu tố nội lực và ngoại lực, giữa trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguyễn Hòa (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương