Bộ Tài chính nói gì về xử lý khó khăn thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát?

(Banker.vn) Ngày 15/11, Bộ Tài chính đã có báo cáo về tình hình và đưa ra các khuyến nghị đối với các chủ thể trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Chuyên gia nói về cách thu hồi tiền mua trái phiếu doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh Bộ Tài chính đưa ra giải pháp xử lý khó khăn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp

10 tháng đầu năm khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm 25,2%

Báo cáo của Bộ Tài chính do Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi công bố tại Hội nghị Giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức sáng 15/11 cho biết: Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đạt 328,9 nghìn tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý (quý I là đạt 134,8 nghìn tỷ đồng, quý II là 122,4 nghìn tỷ đồng, quý III là 65,9 nghìn tỷ đồng, tháng 10/2022 là 5,8 nghìn tỷ đồng). 46,48% trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng.

Các tổ chức tín dụng là nhóm phát hành lớn nhất, chiếm 41,34% tổng khối lượng phát hành; các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng chiếm lần lượt 28,87% và 7,8%. Khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn là 152,5 nghìn tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Bộ Tài chính nói gì về xử lý khó khăn thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát?
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang sụt giảm khối lượng phát hành

Bộ Tài chính cũng cho biết: Sau vụ việc sai phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện đang gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn. Ngoài nguyên nhân từ những vụ việc nêu trên, những tin đồn trên thị trường tài chính đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư đối với thị trường ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ngoài ra, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại trái phiếu doanh nghiệp để chuyển sang gửi tiết kiệm.

Bộ Tài chính cũng cho biết, từ năm 2021 đến nay, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã tiến hành kiểm tra tổng cộng 30 đoàn thanh, kiểm tra, chuyển cơ quan điều tra các vụ việc vi phạm lớn và sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra từ nay đến cuối năm. Bộ Tài chính cũng đã có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng phối hợp về tăng cường giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp đối với các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm với các nhà đầu tư

Để ổn định và tiếp tục phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính kiến nghị các cơ quan phối hợp triển khai công tác tuyên tuyền, tập trung vào những nội dung sau:

Đặc điểm của trái phiếu doanh nghiệp và khẳng định nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong phát hành trái phiếu đối với nhà đầu tư.

Trái phiếu donah nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Pháp luật Việt Nam đều quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm. Theo đó, doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có trách nhiệm đảm bảo thực hiện cam kết với người mua trái phiếu.

Theo Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, từ năm 2021, hai phương thức phát hành trái phiếu được phân biệt cụ thể: trái phiếu phát hành ra công chúng được chào bán cho mọi nhà đầu tư và chỉ được chào bán sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép; trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, là các nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm và tài sản để đầu tư vào sản phảm có rủi ro cao hơn trái phiếu phát hành ra công chúng.

Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp. Với đặc điểm trên, nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình”, Bộ Tài chính khẳng định.

Bộ Tài chính nói gì về xử lý khó khăn thị trường trái phiếu doanh nghiệp sau vụ Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát?
Bộ Tài chính khẳng định, doanh nghiệp huy động trái phiếu doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ các quy định. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp huy động trái phiếu doanh nghiệp phải đảm bảo tuân thủ các quy định về điều kiện và hồ sơ khi phát hành trái phiếu, thực hiện công bố thông tin cho nhà đầu tư và công bố thông tin tại Sở Giao dịch chứng khoán; tính toán kỹ phương án huy động, có biện pháp đảm bảo an toàn tài chính để thực hiện đầy đủ các cam kết đối với nhà đầu tư, sử dụng vốn đúng mục đích nêu trong phương án phát hành và định kỳ có báo cáo về tình hình tài chính và tình hình sử dụng vốn. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thời gian tới, Bộ Tài chính nhận định, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường tiềm năng khi nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới cho phát triển sản xuất kinh doanh là rất lớn; quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch. Các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp phải tuân thủ quy định pháp luật. Ngày 16/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP bổ sung các quy định để sàng lọc nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, hạn chế việc nhà đầu tư nhỏ lẻ không có năng lực tham gia thị trường; đồng thời, tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc tuân thủ phương án và hồ sơ chào bán, yêu cầu chế độ công bố thông tin, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường, hoàn thiện cơ chế quản lý giám sát và trách nhiệm thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý.

Cơ quan quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát để xử lý các sai phạm theo quy định của pháp luật. Bộ Tài chính hiện đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hiện đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp cụ thể để ổn định và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Các địa phương rà soát, tạo điều kiện xử lý nhanh các thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án bất động sản trên địa bàn đã đáp ứng đủ điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng sớm triển khai, đưa sản phẩm ra thị trường.

Quán triệt nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm, doanh nghiệp phát hành phải có trách nhiệm đảm bảo các cam kết với nhà đầu tư và chủ động đàm phán với nhà đầu tư về việc thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn trường hợp có khó khăn. Nhà nước ban hành khung pháp lý điều chỉnh để các bên giao kết đầu tư, kinh doanh và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trên cơ sở giám sát và yêu cầu các doanh nghiệp phát hành thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết theo hợp đồng phát hành trái phiếu; các trường hợp doanh nghiệp vi phạm sẽ được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Bộ Tài chính khẳng định.

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các doanh nghiệp có dư nơ trái phiếu lớn, đặc biệt là dư nợ có tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân nắm giữ lớn để yêu cầu các doanh nghiệp có phương án thanh toán đầy đủ trái phiếu đến hạn theo quy định của pháp luật.

PV

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục