Bộ Tài chính kiến nghị thừa nhận tài sản số Doanh nghiệp thành lập mới tăng kỷ lục trong tháng 3/2025 Xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 202,52 tỷ USD |
Chiều 6/4, tại buổi họp báo Chính phủ, chia sẻ về tình hình tăng trưởng kinh tế và kết quả thu hút FDI năm nay, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung cho biết, tăng trưởng quý I/2025 đạt 6,93%, là mức tăng trưởng quý I cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2025.
Đáng chú ý, mức tăng trưởng khá đồng đều trong cả 3 khu vực: Nông nghiệp, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ.
![]() |
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ. Ảnh: VGP |
Mức 6,93% này cao hơn mức Hội nghị Trung ương 10 quyết định ban đầu và thấp hơn so với kịch bản sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Kết luận 123-KL/TW (mục tiêu cả nước đạt tăng trưởng năm 2025 trên 8%).
"Chúng tôi cho rằng, đây là kết quả rất tích cực, đáng khích lệ, ghi nhận sự đồng hành của các cấp chính quyền, người dân, doanh nghiệp, cả hệ thống chính trị", ông Trung nói.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, trước bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định, Chính phủ vẫn giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng cả năm 2025 từ 8% trở lên. Đó là mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ.
Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã xây dựng kịch bản tăng trưởng tiếp theo cho từng ngành, từng lĩnh vực, phân bổ cho các địa phương và cho các khu vực.
Tính chung, Bộ Tài chính xây dựng quý II đạt mục tiêu tăng trưởng khoảng 8,3%, lần lượt quý III, quý IV là 8,3% và 8,4%. Kịch bản này tăng cao hơn kịch bản ban đầu sau khi có Kết luận 123-KL/TW khoảng 0,27%.
Kịch bản này được đánh giá là thách thức nhưng có tính khả thi với những dư địa từ giải ngân đầu tư công, du lịch, dịch vụ và cải thiện sản xuất các ngành công nghiệp khác như khai khoáng, điện, khí đốt.
Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), quý I/2025 cũng ghi nhận kết quả khả quan. Tổng vốn FDI (bao gồm cấp mới, điều chỉnh vốn, góp vốn và mua cổ phần) đạt gần 11 tỷ USD, tăng khoảng 35% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, vốn FDI thực hiện đạt 5,16 tỷ USD, tăng mạnh gấp 5,1 lần so với cùng kỳ. Trong đó, riêng vốn đầu tư thực hiện vào sản xuất đạt khoảng 4,96 tỷ USD, tăng 72%.
Khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là lĩnh vực thu hút FDI lớn nhất, chiếm khoảng 62% tổng vốn đăng ký và tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng lưu ý một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến triển vọng FDI cả năm, bao gồm nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu, chính sách thuế mới của Mỹ và môi trường đầu tư nội địa còn cần cải thiện.
Mặc dù khó khăn, nhưng Bộ Tài chính đang thực hiện rất nhiều giải pháp, trong đó có làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư lớn để xúc tiến thực hiện, cụ thể hóa các dự án rất lớn về đầu tư nước ngoài. Mục tiêu năm 2025 vẫn là tăng 38 - 40 tỷ USD, vốn thực hiện vẫn đặt mục tiêu 27 - 28 tỷ USD.