Bộ Nông nghiệp nói gì về bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo?

(Banker.vn) Bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo là một trong các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Xuất khẩu gạo tăng mạnh 68% Liên tục lập đỉnh, giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao nhất trong vòng 15 năm Ấn Độ: Lệnh cấm xuất khẩu gạo ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân

Báo cáo một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi tới các đại biểu Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã thông tin về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.

Về diện tích đất trồng lúa, chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về đất đai (khoản 2 Điều 23 Luật Đất đai năm 2013), trong đó bao gồm đất trồng lúa; chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa.

Bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo
Lượng gạo xuất khẩu năm 2023 ước trên 7 triệu tấn (tương đương khoảng 14 triệu tấn thóc)

Tính đến ngày 31/12/2020 diện tích trồng lúa cả nước là 3.940.619 ha. Diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, tính từ năm 2021 hết đến tháng 7/2023 đã chuyển đổi và thu hồi khoảng 6.370 ha (năm 2021: 2040 ha; năm 2022: 2220 ha; đến tháng 7/2023: 2.110 ha). Đây là diện tích Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã và đang phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Về bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu lúa gạo, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, an ninh lương thực quốc gia luôn là vấn đề thiết yếu, cấp bách khi nguồn cung và khả năng tiếp cận lương thực đang chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh xuyên biên giới ngày càng khốc liệt, khó lường; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ.

Ngày nay, việc đảm bảo an ninh lương thực không chỉ đề cập đến đủ lượng lúa gạo, mà còn bao gồm các sản phẩm lương thực, thực phẩm khác như thịt cá, rau quả, cây lương thực khác. Tuy nhiên, với cơ cấu tiêu dùng hiện nay thì gạo vẫn là mặt hàng tiêu dùng chính, chiếm 70% trong tiêu dùng lương thực thực phẩm.

Việc giữ đất lúa là cần thiết để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời phải bảo đảm sinh kế, thu nhập cho người trồng lúa trên cơ sở phát huy nguồn lực của Nhà nước, nhân dân và các thành phần kinh tế.

Bộ Chính trị đã có Kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020 về “Bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”, trong đó nêu rõ sự cần thiết nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hằng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, ổn định chính trị, xã hội trong mọi tình huống.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021 về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030; trong đó yêu cầu đến năm 2030 giữ ổn định 3,5 triệu ha đất lúa, với sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo.

Giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 39/2021/QH15 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021-2025; trong đó đến năm 2030, chỉ tiêu đất trồng lúa cả nước có 3,57 triệu ha, giảm 348 nghìn ha so với năm 2020 (đất chuyên trồng lúa nước là 3.001 triệu ha, giảm 175 nghìn ha so với năm 2020).

Đồng thời, cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong phạm vi tối đa 300 nghìn ha đất trồng lúa, nhưng không làm thay đổi tính chất, điều kiện sử dụng đất trồng lúa để có thể chuyển đổi trở lại trồng lúa khi cần thiết; hạn chế và kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi đất trồng lúa, nhất là đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp, đặc biệt là đất khu công nghiệp.

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 09/3/2022 phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, kế hoạch sử dụng đất quốc gia 5 năm 2021 -2025 cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Hiện nay, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đang khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030; lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025 cấp tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện; các Bộ, ngành đang hoàn thành việc lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành liên quan có sử dụng đất bảo đảm tuân thủ chỉ tiêu sử dụng đất, đồng bộ, thống nhất với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

Với việc giữ diện tích đất trồng lúa là 3,5 triệu ha đến năm 2030 theo kết luận số 81-KL/TW ngày 29/7/2020, Nghị quyết số 34/NQ-CP ngày 25/3/2021, Nghị quyết số 39/2021/QH15 thì diện tích gieo trồng lúa là khoảng 7,0 triệu ha sẽ cho sản lượng khoảng 43 triệu tấn thóc/năm, tương đương với 27-28 triệu tấn gạo.

Trong khi đó theo tính toán ở mức an toàn rất cao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng lúa dùng cho đảm bảo an ninh lương thực của 100 triệu dân và các nhu cầu tiêu thụ nội địa khác (dùng chế biến, thức ăn chăn nuôi, dự trữ trong dân, dự trữ quốc gia, làm giống...) khoảng 29,5 triệu tấn thóc/năm, chúng ta còn khoảng 13,5 triệu tấn thóc (tương đương 7-8 triệu tấn gạo) dùng cho xuất khẩu.

Bên cạnh lượng sản xuất hàng năm thì hàng năm còn nhập khẩu. Ví dụ, lượng nhập khẩu từ Campuchia đạt khoảng trên 1 triệu tấn/năm, có thể bù đắp trong trường hợp cần thiết. Việt Nam cũng nhập khẩu từ Ấn Độ nhưng chủ yếu sử dụng cho nhu cầu chế biến thực phẩm, làm thức ăn chăn nuôi nên việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo trắng không ảnh hưởng lớn đến gạo phục vụ cho tiêu dùng của Việt Nam.

Ngoài lúa gạo, hàng năm Việt Nam còn sản xuất bình quân khoảng hơn 7 triệu tấn thịt hơi xuất chuồng, 10 triệu tấn thủy sản và chục triệu tấn rau quả. Như vậy, về tổng thế ở cấp độ quốc gia vấn đề an ninh lương thực nếu xét trên khả năng cung cấp là đảm bảo.

Riêng về an ninh lương thực năm 2023, về kế hoạch sản xuất: Tổng diện tích lúa cả nước năm 2023 khoảng 7,1 triệu ha; năng suất trung bình đạt 60,7 tạ/ha, sản lượng ước đạt trên 43,1 triệu tấn thóc, tăng khoảng trên 452 nghìn tấn so với năm 2022. Trong đó, từ nay đến cuối năm nếu không có diễn biến bất thường của thời tiết, sản lượng lúa sẽ bảo đảm kế hoạch đáp ứng đầy đủ nhu cầu lúa gạo trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trong nước: Khoảng 29,5 triệu tấn thóc, trong đó: Tiêu thụ của người dân: 13,8 triệu tấn thóc; phục vụ chế biến: 7,5 triệu tấn thóc; phục vụ chăn nuôi: 3,4 triệu tấn thóc; dùng làm giống, giống dự phòng: 1,0 triệu tấn thóc; dự trữ trong nước: 3,8 triệu tấn thóc.

Căn cứ vào nhu cầu sản lượng thóc dành cho bảo đảm an ninh lương thực và các nhu cầu tiêu khác nội địa năm 2021 cả nước là: 23,78 triệu tấn thóc bao gồm lượng gạo lương thực, làm giống, thức ăn chăn nuôi, chế biến, dự trữ, tồn kho, hao hụt (theo số liệu của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) việc dự tính cân đối nhu cầu tiêu dùng trong nước năm 2023 là khoảng 29,5 triệu tấn thóc có hệ số an toàn rất cao. Bên cạnh đó, lượng gạo xuất khẩu năm 2023 ước trên 7,0 triệu tấn (tương đương khoảng 14 triệu tấn thóc).

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương