Bộ Công Thương thông tin về cơ chế giá điện và 7 giải pháp đảm bảo cung ứng điện

(Banker.vn) Chiều 4/11, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2023, Bộ Công Thương đã thông tin về cách tính giá điện và nhóm giải pháp đảm bảo cung ứng điện.
Đảm bảo công khai, minh bạch trong cách tính giá điện Chính sách giá điện: Làm gì để hài hòa nhiều mục tiêu?

Bộ đã tổ chức kiểm tra, tiến hành kiểm điểm các đơn vị có liên quan

Tại họp báo, phóng viên đặt câu hỏi với lãnh đạo Bộ Công Thương về việc thanh tra đảm bảo cung ứng điện.

Trả lời về kết quả thanh tra đảm bảo cung ứng điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Công Thương đã tổ chức thanh tra, sau khi kết thúc đã công bố kết luận thanh tra vào tháng 7/2023, trong đó có một nội dung rất quan trọng là công tác kiểm điểm.

Bộ Công Thương thông tin về cơ chế giá điện và 7 giải pháp đảm bảo cung ứng điện
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại buổi họp báo

Về vấn đề này, Bộ Công Thương đang kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục xử lý.

Thứ trưởng nêu, qua quá trình theo dõi, giám sát, Bộ Công Thương nhận thấy, về cơ bản, các tập đoàn, tổng công ty, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều đã tổ chức thực hiện kiểm điểm nghiêm túc và làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan được chỉ ra tại Kết luận thanh tra.

“Các hình thức đề xuất kỷ luật đã được báo cáo lên Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Theo chúng tôi được biết, Ủy ban đang chuẩn bị để báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ”- Thứ trưởng thông tin và cho biết, Bộ đã tổ chức kiểm tra, tiến hành kiểm điểm các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Công Thương theo như nội dung kết luận thanh tra là kiến nghị Bộ Công Thương kiểm điểm một số đơn vị, bao gồm khoảng 4-5 đơn vị.

“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để triển khai các giải pháp, đặc biệt chỉ đạo EVN khắc phục các hệ quả, có giải pháp tránh lặp lại những sai sót đã được chỉ ra trong kết luận thanh tra vừa rồi”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nói thêm.

Chủ động giải pháp đảm bảo cung ứng điện

Liên quan về cách tính giá điện, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, việc điều hành giá điện hiện nay được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 (Quyết định 24) của Thủ tướng Chính phủ, trong đó quy định cụ thể phương pháp lập giá bán lẻ điện bình quân bao gồm chi phí của các khâu trong quá trình sản xuất, cung ứng điện (phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều hành - quản lý ngành và dịch vụ phụ trợ hệ thống điện), đảm bảo phản ánh chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Các cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được quy định cụ thể tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg, theo đó nếu thông số đầu vào biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với hiện hành thì được xem xét điều chỉnh tăng (nếu giảm thì điều chỉnh giảm tương ứng).

Vì điện là loại hàng hóa có mặt trong hầu hết hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống, việc điều chỉnh giá điện sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội nên Quyết định số 24 cũng quy định cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ có ý kiến trong trường hợp ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy mà trong một số năm, giá điện đã được giữ ổn định để đảm bảo kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đời sống người dân”- Thứ trưởng nói.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin thêm, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, Bộ Công Thương hiện đang nghiên cứu sửa đổi Quyết định 24 để xây dựng cơ chế điều chỉnh giá điện theo lộ trình từng bước phù hợp, vừa đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo giá điện dần bám sát hơn với biến động của thị trường.

Về đảm bảo cung ứng điện, Bộ Công Thương đã chủ động chuẩn bị các giải pháp đảm bảo cung ứng điện các tháng còn lại của năm 2023 và năm 2024, hiện Bộ đã có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp đảm bảo cung ứng điện, trong đó, tập trung vào các nhóm giải pháp:

Thứ nhất, đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng nhiên liệu đầu vào (than, khí, dầu) cho sản xuất điện.

Thứ hai, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình nguồn-lưới điện trọng điểm, đặc biệt là đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối.

Thứ ba, đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy các tổ máy phát điện; Điều độ, vận hành hệ thống điện, huy động nguồn điện tối ưu kỹ thuật-kinh tế, đảm bảo chi phí hợp lý.

Thứ năm, đẩy mạnh tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả.

Thứ sáu, thực hiện các cơ chế khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống điện mái nhà tự sản tự tiêu.

Thứ bảy, khẩn trương rà soát, trình Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII.

“Bộ Công Thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam nâng cao công tác dự báo, xây dựng các kịch bản ứng phó với các tình huống khẩn cấp, cực đoan có thể xảy ra trong vận hành hệ thống điện, đảm bảo cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống sinh hoạt của nhân dân”- Thứ trưởng Tân nhấn mạnh.

Đỗ Nga - Việt Anh

Theo: Báo Công Thương