Bộ Công Thương họp báo thường kỳ quý I/2025

(Banker.vn) Chiều 4/4, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2025. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì họp báo.
Bộ Công Thương tổ chức họp báo thường kỳ Bộ Công Thương họp báo thường kỳ, gặp mặt báo chí năm 2025 Thương vụ Hoa Kỳ: Chủ động tìm hiểu thông tin chính sách thuế mới, tham mưu kịp thời Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường nước ngoài: Sẽ tiếp tục trao đổi, đàm phán với Hoa Kỳ

Chiều 4/4, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ quý I/2025 thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại trong 3 tháng đầu năm. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân chủ trì buổi họp báo.

Tham dự họp báo còn có lãnh đạo các đơn vị chức năng trong Bộ Công Thương như: Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp, Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Cục Điện lực, Cục Công nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại, Cục Xuất nhập khẩu... và các đơn vị liên quan; cùng nhiều phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trong cả nước.

Bộ Công Thương họp báo thường kỳ Quý I/2025
Bộ Công Thương tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế thương mại trong quý I/2025

Linh hoạt điều hành, tiếp tục tạo đột phá về thương mại, công nghiệp

Báo cáo tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại quý I/2025 của Bộ Công Thương cho biết, phát triển kinh tế- xã hội của nước ta nói chung và của ngành Công Thương nói riêng trong năm 2025 diễn ra trong bối cảnh hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng cạnh tranh chiến lược, chủ nghĩa bảo hộ, xu hướng liên kết mới trên thế giới, chiến tranh thương mại, phân tách chuỗi cung ứng, trừng phạt về kinh tế, chạy đua về khoa học công nghệ ngày càng gia tăng.

Trong bối cảnh đó, trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.

Với sự vào cuộc của toàn ngành, trong quý I/2025 hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại phát triển tích cực, tạo đột phá mới.

Cụ thể, sản xuất công nghiệp, 2 tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, với đà tăng này, dự báo quý I/2025 chỉ số sản xuất công nghiệp tiếp tục có sự cải thiện và duy trì đà tăng trưởng trên cơ sở đà tăng trưởng.

Theo báo cáo mới nhất của S&P Global, ngành sản xuất của Việt Nam đã ghi nhận tăng trưởng trở lại trong tháng 3 khi cả sản lượng và tổng số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại, cho thấy sức khỏe ngành sản xuất Việt Nam vào cuối quý 1/2025 đã có sự cải thiện.

Theo đó, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 3 đạt mức trên ngưỡng 50 điểm, lần đầu tiên trong vòng 4 tháng trở lại đây (đạt 50,5 điểm, tăng nhẹ so với 49,2 điểm trong tháng 2).

Bộ Công Thương họp báo thường kỳ Quý I/2025
Quý I/2025, Bộ Công Thương triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển

Về tình hình cung ứng điện, lũy kế trong quý I/2025 (tính đến ngày 26/3/2025), tổng sản lượng điện toàn hệ thống quốc gia đạt 67,8 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 19,5% so với Kế hoạch năm 2025 (347,5 tỷ kWh) được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 3300/QĐ-BCT ngày 15 tháng 12 năm 2024.

Nhìn chung, tình hình cung ứng điện của hệ thống điện quốc gia trong tháng 3 và quý I năm 2025 an toàn, ổn định, bảo đảm cung cấp điện cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Về xuất nhập khẩu hàng hóa. Cùng với sự cải thiện trong hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa cũng tiếp tục được đẩy mạnh.

Lũy kế quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 102,8 tỷ USD, ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 99,68 tỷ USD, ước tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu.

“Kết quả trên cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang khởi sắc, với nhu cầu nguyên liệu, linh kiện, máy móc phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh - báo cáo của Bộ Công Thương nhấn mạnh và cho biết, cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư, ước xuất siêu 3,15 tỷ USD.

Đáng chú ý, trong quý I/2025, xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước đạt 29 tỷ USD, ước tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với mức tăng 9% của khối doanh nghiệp FDI (ước đạt 73,8 tỷ USD), cho thấy nội lực của khối doanh nghiệp trong nước đang dần được nâng cao.

Không những vậy, xuất khẩu ở cả nhóm hàng nông, thủy sản và công nghiệp chế biến tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, ước đạt mức hai con số so với cùng kỳ năm trước.

Bộ Công Thương họp báo thường kỳ Quý I/2025
Quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: Hải Dương

Về cơ cấu thị trường xuất khẩu, trong quý I/2025, kim ngạch xuất khẩu của nước ta tới các hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ lực dự kiến đều tăng (trừ thị trường Trung Quốc). Trong đó, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất, với kim ngạch ước đạt 30,5 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2024. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai với kim ngạch ước đạt 13,7 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba (ước đạt 13 tỷ USD) nhưng kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (giảm 0,2%).

Bộ Công Thương cho rằng, trong quý I/2025, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý I/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025 nhưng cao hơn kịch bản của ngành Công Thương xây dựng tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên (kịch bản quý I/2025 tăng 7,9%).

Đồng bộ giải pháp bảo vệ các ngành sản xuất trong nước

Cùng với hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa, trong 3 tháng đầu năm, Bộ Công Thương cũng đã nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ các ngành sản xuất trong nước.

Quý I/2025, Bộ Công Thương tiếp tục điều tra 3 vụ việc chống bán phá giá, 3 vụ việc rà soát cuối kỳ và 3 vụ việc rà soát biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đã khởi xướng trong năm 2024, và khởi xướng rà soát 1 vụ việc rà soát mới.

Bộ Công Thương họp báo thường kỳ Quý I/2025
Các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng. Ảnh: Bình Hưng

Các biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang góp phần bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực của hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước và lao động, việc làm, bảo đảm an ninh kinh tế và an sinh xã hội.

Đặc biệt, trong công tác hỗ trợ, giúp doanh nghiệp chủ động ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh công tác ứng phó.

Đến hết tháng 3/2025, đã có 282 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 25 thị trường và vùng lãnh thổ điều tra đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong các vụ việc này, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả giữa các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Thị trường hàng hóa ổn định, tào đà cho hoạt động thương mại tăng tốc

2 tháng đầu năm 2025, thị trường trong nước phát triển sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,4%). Dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng khá trên cơ sở đà tăng trưởng đã có từ 2 tháng đầu năm.

Bộ Công Thương họp báo thường kỳ Quý I/2025
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong quý I duy trì đà tăng trưởng khá trên cơ sở đà tăng trưởng đã có từ 2 tháng đầu năm.

Cũng trong 2 tháng, công tác đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu cho thị trường đã được bảo đảm cân đối, cung cầu; thực hiện nhiều giải pháp bình ổn thị trường hỗ trợ tiêu thụ, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, phát triển thị trường trong nước góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ những tháng đầu năm 2025.

Riêng với công tác quản lý thị trường, 3 tháng qua, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 6.222 vụ, xử lý 5.648 hành vi vi phạm; thu nộp ngân sách trên 90 tỷ đồng (từ ngày 16/12/2024 đến ngày 31/3/2025

Về thương mại điện tử, thương mại điện tử tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định, về cơ bản đáp ứng đúng kịch bản tăng trưởng đã được dự tính trước đó. Theo đó, ước tính tốc độ tăng trưởng thị trường thương mại điện tử B2C trong Quý I/2025 đạt khoảng từ 20 đến 22%.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về họp báo thường kỳ Bộ Công Thương quý I/2025...

2 tháng đầu năm 2025, thị trường trong nước phát triển sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,4%). Dự báo tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong Quý I vẫn duy trì đà tăng trưởng khá trên cơ sở đà tăng trưởng đã có từ 2 tháng đầu năm.

Nhóm phóng viên

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục