Bộ Công Thương cảnh báo 7 chiêu thức lừa đảo, mạo danh ngân hàng

(Banker.vn) Mới đây, Bộ Công Thương đã ra cảnh báo 7 chiêu thức mà khách hàng cần đặc biệt lưu ý để tránh "sập bẫy" lừa đảo, mất tiền oan.

Mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện để hỗ trợ kiểm tra số dư

Thủ đoạn thứ nhất, các đối tượng mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho khách hàng với lý do hỗ trợ kiểm tra số dư và giao dịch. Sau khi đọc tên khách hàng và 6 số đầu tiên của thẻ ghi nợ nội địa, khách hàng được yêu cầu đọc nốt dãy số còn lại trên thẻ để xác nhận đúng là chủ thẻ.

Tiếp đó, các đối tượng thông báo sẽ gửi tin nhắn cho khách hàng và yêu cầu khách hàng đọc mã 6 số trong tin nhắn. Nếu làm theo yêu cầu của đối tượng, khách hàng sẽ mất tiền trong tài khoản thẻ.

Lừa chuyển tiền bị treo

Thủ đoạn thứ hai là đối tượng lừa đảo sẽ chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, sau đó mạo danh ngân hàng gọi điện thoại hoặc gửi tin nhắn có hiển thị thương hiệu ngân hàng, cho khách hàng thông báo giao dịch chuyển tiền bị treo và yêu cầu khách hàng truy cập vào đường link trong tin nhắn để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền...

Với thủ đoạn này, tội phạm lừa đảo khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử như tên truy cập, mật khẩu, OTP,... rồi thực hiện hành vi chiếm quyền kiểm soát tài khoản của khách hàng.

Giả mạo mail của ngân hàng

Thủ đoạn thứ ba, các đối tượng gửi thư điện tử giả mạo ngân hàng có chứa tên ngân hàng và chữ ký thư điện tử của nhân viên ngân hàng thông báo khách hàng nhận được một khoản tiền và yêu cầu khách hàng xác nhận giao dịch bằng cách truy cập vào tệp hoặc đường link có chứa mã độc nhằm chiếm đoạt thông tin và tiền trong tài khoản của khách hàng.

Yêu cầu chuyển lại tiền gửi nhầm tài khoản

Thủ đoạn thứ tư, khách hàng nhận được một khoản tiền chuyển vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng với nội dung cho vay. Sau đó đối tượng gọi điện cho khách hàng báo vừa chuyển nhầm và yêu cầu khách hàng chuyển trả lại tiền.

Tuy nhiên, tài khoản nhận tiền lại khác với tài khoản đã chuyển nhầm. Sau một thời gian, người chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đòi tiền khách hàng cùng với tiền lãi vay.

Đường link giả mạo qua tin nhắn

Thủ đoạn thứ năm là gửi tin nhắn mạo danh thương hiệu ngân hàng thông báo tài khoản của khách hàng có dấu hiệu hoạt động bất thường và hướng dẫn khách hàng xác nhận thông tin, thay đối mật khẩu... thông qua truy cập đường link giả mạo gửi kèm trong tin nhắn. Qua đó lừa đảo khách hàng tiết lộ các thông tin bảo mật để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của khách hàng.

Mạo danh công ty tài chính

Thủ đoạn thứ sáu, các đối tượng mạo danh công ty tài chính mời khách hàng vay vốn, hướng dẫn khách hàng cài đặt ứng dụng trên điện thoại di động để giải ngân một khoản tiền "ảo" không hề có thực, kèm theo việc hiển thị hợp đồng tín dụng với con dấu giả, chữ ký giả của người có thẩm quyền của công ty tài chính nhằm lừa đảo khách hàng chuyển khoản đặt cọc để chiếm đoạt.

Giả danh nhân viên nhà mạng hỗ trợ chuyển đổi sim

Cuối cùng là mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển đổi sim 3G thành sim 4G qua điện thoại, theo đó đối tượng hướng dẫn cách nhắn tin theo cú pháp của nhà mạng để chuyển đổi.

Nếu làm theo hướng dẫn, đối tượng sẽ chiếm đoạt được quyền sử dụng số điện thoại. Khi có được thông tin cá nhân và số điện thoại di động, đối tượng liên hệ nhà mạng với tư cách là chủ thuê bao di động để yêu cầu thay thể SIM với lý do bị mất thẻ SIM hoặc thẻ bị lỗi. Nhà cung cấp dịch vụ di động hủy SIM hiện có và phát hành SIM mới.

Lưu Lâm

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán