Bình Dương: Đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao

(Banker.vn) Đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn sẽ tạo thêm sức hấp dẫn trong thu hút đầu tư công nghệ cao vào Bình Dương thời gian tới.
Trường Đại học Thủ Dầu Một hợp tác với đối tác quốc tế đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn TP. Hồ Chí Minh: Khu công nghệ cao hợp tác phát triển nguồn nhân lực ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam

Lễ khai giảng "Khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch cho giảng viên (ToT)” đã diễn ra sáng ngày 8/1/2024 tại Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Bình Dương: Đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương tặng hoa cho các đơn vị liên kết hợp tác đào tạo nguôn nhân lực vi mạch bán dẫn cho tỉnh Bình Dương

Chương trình đào tạo này nhằm hiện thức hóa nội dung trong bản ghi nhớ hợp tác được ký kết ngày 26/12/2023 giữa Trường Đại học Thủ Dầu Một và Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu về chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn tại miền Đông Nam Bộ.

Đặc biệt, khóa đào tạo cũng nhằm góp phần vào mục tiêu hình thành đội ngũ 50.000 kỹ sư trong lĩnh vực bán dẫn theo Đề án Phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao cho lĩnh vực công nghệ bán dẫn Việt Nam giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến 2045 do Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương -nhấn mạnh: Công nghiệp vi mạch bán dẫn là một trong những ngành công nghiệp nền tảng quan trọng, có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều mặt đời sống xã hội, kinh tế, an ninh, quốc phòng. Việc tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp vi mạch bán dẫn là một yêu cầu khách quan, cũng là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong các giai đoạn tiếp theo.

Bình Dương: Đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao
Ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương

Để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, Bình Dương đã và đang tích cực chuẩn bị, tập trung phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, chuyển giao khoa học công nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển ngành vi mạch bán dẫn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, việc phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn cao trong ngành là rất quan trọng, cần được thực hiện nhanh và toàn diện từ nghiên cứu cơ bản, đến đội ngũ quản lý, giảng dạy và đào tạo và thực hành, liên kết sâu rộng với nguồn lực hỗ trợ từ đội ngũ chuyên gia trong nước và quốc tế.

Đây là lớp học khởi đầu cho chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao lĩnh vực vi mạch bán dẫn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Bình Dương trong giai đoạn mới. Với mục tiêu hướng đến tham gia, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái bán dẫn và tạo thêm động lực, sức hút mới để tăng cường thu hút đầu tư công nghệ cao của Bình Dương” - ông Nguyễn Lộc Hà đánh giá.

Để phát triển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn của tỉnh Bình Dương gắn với thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho rằng cần xây dựng kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung. Trong đó lĩnh vực vi mạch bán dẫn cần có chiến lược và kế hoạch phát triển đột phá, đồng bộ từ cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các cơ sở đào tạo gắn kết với các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn.

“Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ có cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường đại học nghiên cứu cơ bản, đào tạo nhân lực chất lượng cao sau đại học để dẫn dắt sự phát triển của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn; tạo ra nhu cầu nhân lực cho công nghiệp vi mạch bán dẫn thông qua thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, tăng cường thu hút đầu tư công nghệ cao...” - ông Nguyễn Lộc Hà thông tin.

Bình Dương: Đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn nhằm thu hút đầu tư công nghệ cao
Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương cùng các đại biểu thực hiện nghi thức khai giảng "Khóa đào tạo tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch cho giảng viên (ToT)"

Ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương - cho biết: Quy hoạch tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, trở thành thành phố thông minh với nền tảng là công nghiệp - dịch vụ chất lượng cao, kinh tế số. Do đó, việc phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao đang trở thành một trong những nhiệm vụ chiến lược vừa có tính cấp bách, vừa có tính lâu dài và cần thiết trong quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh.

Mặt khác, ngành công nghệ vi mạch bán dẫn là hạt nhân của ngành công nghiệp điện tử. Đây là ngành kinh tế có quy mô hàng tỷ đô, thế nhưng hiện đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng, nhu cầu nguồn nhân lực đối với ngành công nghệ vi mạch bán dẫn tăng vọt trong thời gian gần đây. Do đó, để hiện thực hóa thành công chiến lược bán dẫn thì yếu tố quyết định chính là nguồn nhân lực.

“Ngoài khoá học thiết kế vi mạch, thời gian tới Trường Đại học Thủ Dầu Một cần tiếp tục triển khai những khóa đào tạo khác để nâng cao kỹ năng trong các mảng công nghệ khác liên quan đến công nghiệp 4.0 như: Internet vạn vật, sản xuất thông minh, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, trí tuệ nhân tạo… đển hoàn thiện hệ sinh thái đào tạo trong lĩnh vực công nghệ cao” - ông Nguyễn Văn Lợi chỉ đạo.

TS. Nguyễn Quốc Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ Dầu Một - cho biết: Khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch này kéo dài 2 tháng, dành cho các giảng viên của Nhà trường, do các chuyên gia của Sun Edu và các tập đoàn công nghệ vi mạch trực tiếp đào tạo. Trong quá trình học, các giảng viên sẽ được hướng dẫn và hỗ trợ thực hành từ các chuyên gia nhiều kinh nghiệm và các giảng viên tham gia được tiếp cận toàn bộ thư viện, tài liệu giảng dạy của các tập đoàn lớn như Synopsys, Cadence từ đó có thể xây dựng chương trình giảng dạy thiết kế vi mạch phù hợp thực tiễn cho công tác giảng dạy sau này.

Minh Khuê

Theo: Báo Công Thương