BIDV đóng cửa một loạt các chi nhánh, nợ xấu vẫn còn ngổn ngang

(Banker.vn) Trong tháng 3/2021, ngân hàng BIDV đã chấm dứt hoạt động 11 phòng giao dịch (PGD) tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Cùng với đó, ngân hàng tiếp tục miệt mài rao bán tài sản thế chấp để xử lý nợ xấu.

Ngân hàng BIDV vừa phát đi thông báo cho biết, theo chấp thuận về chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các công văn chấp thuận của các chi nhánh NHNN tỉnh nơi đặt trụ sở chi nhánh quản lý PGD, trong tháng 03/2021 BIDV đã thực hiện chấm dứt hoạt động 11 phòng giao dịch tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

Đây cũng là đợt chấm dứt hoạt động nhiều phòng giao dịch nhất của ngân hàng này trong vài năm trở lại đây. Báo cáo tài chính của BIDV cho biết cuối năm 2020, ngân hàng ngày có 189 chi nhánh trong nước, 1 chi nhánh nước ngoài và 906 phòng giao dịch.

Cùng với việc thông báo chấm dứt hoạt động của 11 phòng giao dịch tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, ngân hàng BIDV cũng đang tích cực rao bán tài sản thế chấp của khách hàng để xử lý nợ xấu.

Theo đó, Chi nhánh Thành Nam (BIDV Thành Nam) lần thứ 38 rao bán đấu giá tài sản bảo đảm của Công ty CP Thuý Đạt với giá khởi điểm 11,3 tỷ đồng.

Thậm chí để nhanh chóng xử lý dứt điểm khoản nợ xấu này, ngân hàng sẵn sàng bán lẻ từng tài sản đảm bảo của doanh nghiệp với giá từ vài chục triệu đến 4,46 tỷ đồng. Đây là khoản nợ xấu mà BIDV Thành Nam đã tiến hành xử lý suốt từ tháng 6/2018 đến nay nhưng vẫn chưa xong.

Không chỉ miệt mài rao bán tài sản để xử lý nợ xấu của Công ty CP Thuý Đạt, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam cũng đang rao bán tài sản đảm bảo cho khoản nợ của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư và Thương mại Thăng Long với giá khởi điểm 108 tỷ đồng.

Cùng với đó, ngân hàng cũng đang tổ chức lựa chọn đơn vị thẩm định giá tài sản và lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản của một loạt khách hàng khác là các cá nhân và doanh nghiệp.

Trong năm 2020, tổng tài sản của BIDV đạt 1.516.686 tỷ đồng, tăng trưởng 1,8% so với năm 2019. Thu dịch vụ của BIDV đạt 7.219 tỷ đồng, tăng trưởng 19,6% so với năm 2019. Chênh lệch thu chi đạt 32.344 tỷ đồng, tăng trưởng 4,8% so với năm 2019.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 9.026 tỷ đồng, vượt kế hoạch tài chính của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao; tuy nhiên giảm 15,9% so với năm 2019.

Trong năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng 12-15%; tăng trưởng dư nợ tín dụng khoảng 10-12%; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 13.000 tỷ đồng.

PV Tổng hợp

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục