BIDV chốt ngày trả cổ tức bằng cổ phiếu

(Banker.vn) Ngày 15/11, HĐQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) đã phát đi thông báo ngày 29/11 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng để phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.

Theo đó, ngân hàng này sẽ phát hành 642 triệu cổ phiếu BID, tương ứng với tỷ lệ phát hành là 12,69%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại thời điểm chốt danh sách sẽ được nhận 12,69 cổ phiếu mới.

BIDV chốt ngày trả cổ tức bằng cổ phiếu
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID).

Được biết, nguồn vốn phát hành được lấy từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021. Thời gian phân bổ cổ phiếu dự kiến trong tháng 12/2023.

Như vậy, nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ mức 50.585 tỷ đồng lên 57.004 tỷ đồng.

Vốn điều lệ tăng thêm được ngân hàng này dự kiến dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, phân bổ vào các lĩnh vực hoạt động kinh doanh của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả.

Ở thời điểm hiện tại, Ngân hàng Nhà nước đang sở hữu 80,99% vốn BIDV, Theo đó, sau đợt phát hành cổ phiếu lần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ nhận thêm gần 520 triệu cổ phiếu.

Bên cạnh đó, cổ đông ngoại KEB Hana Bank cũng đang sở hữu 15% vốn tại BIDV, theo đó KEB Hana Bank dự kiến sẽ được nhận thêm hơn 96 triệu cổ phiếu mới.

Ngoài kế hoạch trả cổ tức, HĐQT ngân hàng BIDV cũng thông qua việc tiếp tục phát hành riêng lẻ hoặc chào bán ra công chúng hơn 455 triệu cổ phiếu theo phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua (dự kiến 9% vốn điều lệ tại ngày 31/12/2022). Qua đó đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 61.557 tỷ đồng

Trên thị trường chứng khoán, trước thông tin về chia cổ tức, cổ phiếu BID đã tăng mạnh trong 2 phiên liên tiếp ngày 14 và 15/11. Tính đến thời điểm 11h00 phiên giao dịch ngày 16/11, cổ phiếu BID đang được giao dịch ở mức 43.900 đồng/cp.

BIDV chốt ngày trả cổ tức bằng cổ phiếu
Diễn biến giá cổ phiếu BID các phiên gần đây.

Về tình hình kinh doanh của BIDV, theo báo cáo tài chính quý 3/2023, ngân hàng này ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 13.783 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Trong kỳ, lãi từ dịch vụ ghi nhận đạt 1.764 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ; lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 1.682 tỷ đồng, tăng 110% so với cùng kỳ. Đặc biệt, lãi từ chứng khoán kinh doanh đạt 114 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ đạt vỏn vẹn hơn 5 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động khác giảm tới 30%, xuống chỉ còn 741 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư khiến BIDV phải gánh khoản lỗ hơn 294 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn lãi 51 tỷ đồng.

Chi phí hoạt động trong quý 3/2023 tại BIDV tăng 11% so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức 6.044 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của BIDV giảm 2%, ghi nhận ở mức hơn 11.842 tỷ đồng.

Quý 3/2023, BIDV trích lập chi phí dự phòng rủi ro tín dụng hơn 5.949 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Kết quả, BIDV báo lãi trước thuế quý 3 giảm tới 12%, đạt gần 5.893 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, lãi từ hoạt động khác tại BIDV giảm 30%, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 266 tỷ đồng.

Còn lại, các khoản kinh doanh ngoài lãi khác của ngân hàng đều ghi nhận tăng trưởng như lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 17%, đạt 4.955 tỷ đồng; lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng tăng 56%, đạt 3.139 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh cũng chuyển từ lỗ sang lãi gần 294 tỷ đồng.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh tại BIDV giảm 5%, chỉ còn 35.172 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm, ngân hàng này đã cắt giảm 20% chi phí trích lập dự phòng rủi ro so với cùng kỳ, chỉ còn 15.409 tỷ đồng, do đó lãi trước thuế vẫn tăng 12% lên 19.763 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của BIDV chỉ mở rộng 1% so với đầu năm, ghi nhận hơn 2,13 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm 22% còn 10.731 tỷ đồng, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 62% còn 42.654 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 9% đạt 1,65 triệu tỷ đồng,...

Ở bên kia bảng cân đối kế toán, tiền gửi khách hàng tăng 7% so với đầu năm lên hơn 1,58 triệu tỷ đồng. Các khoản nợ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 91%, còn 13.241 tỷ đồng…

Về chất lượng tài sản, tính đến thời điểm cuối quý 3, tổng nợ xấu tại BIDV ở mức 26.393 tỷ đồng, tăng 50% so với đầu năm. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng mạnh nhất, gấp 3,4 lần đầu năm lên 9.138 tỷ đồng. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của nhà băng này cũng tăng từ 1,16% ở thời điểm đầu năm lên 1,6% khi kết thúc quý 3/2023.

Bất động sản tuần qua: Dừng phương án di dời Khu công nghiệp Nam Đông Hà ra khỏi TP Quảng Trị

Quảng Trị dừng phương án di dời Khu công nghiệp Nam Đông Hà ra khỏi thành phố, Sở Xây dựng TP Hồ Chí Mình tiến ...

Ngân hàng BIDV rao bán tài sản 752 tỷ của đại gia Nam Định để siết nợ

Ngân hàng BIDV đang siết khoản nợ hơn 750 tỷ đồng của Công ty TNHH Xây dựng Nam Ninh và Công ty TNHH Đầu tư ...

Mai Lan (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán